Cánh chim đầu đàn
HTX Sản xuất, Kinh doanh, Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy, huyện Lệ Thủy) được thành lập từ năm 1960 và đã chuyển đổi theo Luật HTX 2012 vào năm 2014. Sau khi thực hiện việc chuyển đổi, HTX đã chủ động tìm những hướng đi tích cực và phù hợp nhất của địa phương để nâng cao thu nhập, bảo vệ lợi ích của mỗi hộ thành viên.
Đặc biệt, từ năm 2011, HTX đã áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, HTX vẫn là HTX toàn xã với hơn 1.200 thành viên, hoạt động chính trên các lĩnh vực như dịch vụ giống cây trồng, dịch vụ vật tư phân bón, dịch vụ thủy nông, dịch vụ làm đất; dịch vụ bảo vệ thực vật, dịch vụ bảo vệ ruộng đồng, tín dụng nội bộ, bao tiêu sản phẩm cho thành viên.
HTX Mỹ Lộc Thượng tích cực xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Lệ Thủy” (Ảnh: TL) |
Anh Võ Văn Thắng - Giám đốc HTX Mỹ Lộc Thượng, cho biết thâm canh lúa cải tiến là biện pháp ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm giảm mật độ gieo trồng, nước tưới, phân bón và thuốc trừ sâu. Khi gieo lúa, HTX đã triển khai gieo thưa 3 kg giống/sào thay vì tập quán gieo dày 6 - 7 kg giống/sào như trước đây. Nhờ gieo thưa, cây lúa có đủ diện tích để bén rễ, hấp thụ ánh sáng mặt trời và chất dinh dưỡng nên phát triển tốt hơn, cho chất lượng thóc gạo tốt hơn.
Ngoài ra, quá trình làm cỏ dại được thực hiện hoàn toàn bằng tay để nhổ được cả rễ cỏ, giúp thông khí cho đất, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa hấp thụ chất dinh dưỡng khi bón phân thay vì sử dụng thuốc diệt cỏ.
Nhờ sản xuất theo phương pháp SRI, HTX đã giảm 25 - 30% lượng nước tưới, 40% lượng lúa giống; hạn chế tối đa lượng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và thời gian chăm sóc; lợi nhuận tăng 25 - 35% so với phương pháp sản xuất truyền thống. Với những lợi ích đó, toàn bộ 268 ha lúa của HTX đều được áp dụng phương pháp canh tác SRI sử dụng các giống lúa chất lượng cao như: P6, TBR225. Qua 5 năm áp dụng mô hình SRI, năng suất lúa bình quân đạt 74 tạ/ha, cao hơn lúa đại trà 4 tạ/ha. Thu nhập của HTX đạt trên 3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận đạt 1,1 tỷ đồng…
Kinh tế hợp tác, HTX phát triển đã góp phần tích cực trong việc nâng cao đời sống, thay đổi bộ mặt nông thôn tỉnh Quảng Bình (Ảnh: TL) |
Phát huy vai trò của HTX nông nghiệp
Theo thống kê của Liên minh HTX Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có 332 HTX đang hoạt động, thu hút 126.266 thành viên tham gia với 4.451 người là lao động trực tiếp. Tổng vốn điều lệ đạt 4.684.976 triệu đồng, doanh thu bình quân 2.300 triệu đồng/năm/HTX, thu lãi bình quân 230 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập của lao động thường xuyên đạt 4,35 triệu đồng/người/tháng.
Trong quý I/2020, các HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy vai trò trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động và dịch vụ hỗ trợ sản xuất của kinh tế hộ. Vụ đông xuân 2019 - 2020 vừa qua, các HTX dịch vụ nông nghiệp chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhất là giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất trên diện rộng, đáp ứng các khâu dịch vụ chủ yếu. Các HTX đã hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho thành viên gieo cấy lúa đúng lịch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với đặc điểm của từng vùng để tăng hiệu quả kinh tế.
Ông Ngô Gia Thởi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình cho biết, để kinh tế hợp tác ngày càng phát triển, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh đã tập trung triển khai hiệu quả các chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển HTX, như: giải ngân nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX; tạo điều kiện cho HTX tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia về lao động, việc làm; hỗ trợ thành lập HTX và giúp HTX vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ nhằm sản xuất sản phẩm chất lượng cao...
Sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền và Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình ngày càng giúp cho kinh tế hợp tác, HTX phát triển bền vững (Ảnh: TL) |
Ngoài việc phát triển về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của các HTX ngày càng được chú trọng nâng cao. Nổi bật là HTX Dịch vụ nông nghiệp Đại Phong (huyện Lệ Thủy) đạt doanh thu trên 5,6 tỷ đồng, lãi 264 triệu đồng; HTX Dịch vụ nông nghiệp Thượng Phong (huyện Lệ Thủy) đạt doanh thu trên 3 tỷ đồng, lãi 124 triệu đồng; HTX Dịch vụ nông nghiệp Tuy Lộc (huyện Lệ Thủy) đạt doanh thu trên 6,2 tỷ đồng, lãi 131 triệu đồng... Bên cạnh đó, các HTX cũng đã đứng ra làm đầu mối để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết với nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động.
“Dù vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng sự nỗ lực của các HTX trong phát triển kinh tế hợp tác những năm gần đây đã góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, điều hòa các mối quan hệ về sở hữu và lợi ích kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên và người lao động, đóng góp ngày càng tăng vào ngân sách tỉnh”, ông Ngô Gia Thởi cho biết.
Phạm Duy