HTX Dương Quang, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn) chuyển đổi mô hình trồng cúc thông thường như mọi năm sang thử nghiệm trồng hoa cúc chi để làm sản phẩm trà hoa cúc.
Du khách vừa ngắm cúc chi vừa thưởng trà
Đây là năm đầu tiên HTX Dương Quang triển khai mô hình trồng 2,3ha cúc chi liên kết với 15 hộ dân, trên cánh đồng của thôn Nà Ỏi, với vốn đầu tư khoảng 300 triệu đồng. Thời điểm này, HTX đang thu hoạch để tiêu thụ hoa cúc chi tươi sang các tỉnh Sơn La, Hưng Yên… Dự kiến HTX, sẽ tiếp tục thu hoạch và cho ra mắt sản phẩm trà hoa cúc trong năm 2024.
HTX Dương Quang, thôn Nà Ỏi, xã Dương Quang (TP. Bắc Kạn) chuyển đổi mô hình trồng cúc thông thường như mọi năm sang thử nghiệm trồng hoa cúc chi để làm sản phẩm trà hoa cúc. |
Nhằm khai thác tiềm năng du lịch trải nghiệm nông nghiệp, HTX Dương Quang còn mở dịch vụ cho khách đến tham quan và chụp ảnh tại cánh đồng hoa cúc chi, giá dao động từ 10 – 15 nghìn đồng/lượt/người. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hút mắt của cánh đồng hoa, mà còn được cảm nhận không khí nhộn nhịp vụ thu hoạch hoa cúc chi của người dân.
HTX Dương Quang được thành lập từ năm 2018 với 7 thành viên. Thời gian đầu, HTX chủ yếu trồng rau an toàn, dưa trong nhà lưới, cây dược liệu và sản xuất sản phẩm đặc sản như lạp sườn, thịt hun khói… HTX có 02 sản phẩm đạt 3 sao OCOP là lạp sườn và thịt hun khói. Sản phẩm lạp sườn được người tiêu dùng ưa chuộng, có giá khoảng 250.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, với tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, ông Nông Thanh Nhã, Giám đốc HTX Dương Quang cho biết: Tận dụng ưu điểm của nhà lưới mùa nào trồng loại đó, ngoài chủ yếu trồng dưa lưới thì HTX đã đầu tư trồng dâu tây và hoa với diện tích hơn 1.000m2. Không chỉ thu hoạch mà nhiều người dân đã đến tham quan mô hình và chụp ảnh. Đồng thời, sau khi tham quan miễn phí, du khách hầu hết mua sản phẩm của HTX như: tràn, hoa, dâu tây, lạp sườn, thịt hun khói…
Với tiêu chí sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, giá cả ổn định, HTX Dương Quang tiếp tục đầu tư sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Đây không chỉ là định hướng của tỉnh, thành phố, xã mà còn là mục tiêu hướng đến sự hài lòng của người tiêu dùng mà hiện nay HTX Dương Quang đang thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tại địa phương.
HTX Dương Quang không chỉ mang lại thu nhập cho các thành viên mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. |
Với những bước đi cụ thể, HTX Dương Quang không chỉ mang lại thu nhập cho các thành viên mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Các sản phẩm của HTX đã khẳng định được uy tín trên thị trường và mang lại niềm hy vọng về mở rộng trồng và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp từ việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với du lịch tại địa phương.
Đi đầu của vị “thuyền trưởng”
Tại Dương Quang, những năm gần đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi, tái cơ cấu cây trồng vật nuôi và đem lại kết quả ngoài mong đợi. Thôn Bản Bung, xã Dương Quang hiện có 85 hộ, trên 400 nhân khẩu, đa số đều là dân tộc Dao. Những năm gần đây, nhờ đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế, nhất là nhiều gia đình đảng viên đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi. Với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” Bí thư chi bộ Phạm Thị Tươi đã tiên phong thực hiện chuyển đổi mô hình trồng khoai sọ trên diện tích đất bạc màu sang trồng chuối.
Tại Dương Quang, những năm gần đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi, tái cơ cấu cây trồng vật nuôi và đem lại kết quả ngoài mong đợi |
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, 2ha chuối của gia đình chị phát triển tốt, mỗi năm cho thu trên 70 triệu đồng. Chị còn nhận bao tiêu chuối tây cho bà con nông dân ở trong vùng. Chị trồng thêm dứa xen dưới 1ha mơ vàng. Việc lấy ngắn nuôi dài mang lại thêm thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Điều kiện kinh tế khá giả, chị được xây được nhà, mua sắm đầy đủ các vật dụng phục vụ sinh hoạt và nuôi các con ăn học.
Chị thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ những hộ nghèo trong thôn về kỹ thuật, cây giống. Đầu năm 2023, chị Tươi đã hỗ trợ gia đình ông Đặng Phú Tiến 1.000 cây quế giống để về trồng. Từ sự gương mẫu, đi đầu của người “thuyền trưởng”, người dân trong thôn đã học tập và làm theo. Cây chuối tây đã mang lại nguồn thu nhập tốt cho bà con.
Đến thôn Bản Bung, xã Dương Quang (thành phố Bắc Kạn) hôm nay, nhiều người sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi những ngôi nhà xây mọc lên san sát, những con đường được bê tông hoá, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt, nhịp sống bình yên nơi ở mới đang hiện hữu trên gương mặt rạng rỡ của người dân nơi đây.
Năm 2023, thôn Bản Bung chỉ còn 5 hộ nghèo. Từ một thôn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nay Bản Bung trở thành một điểm sáng trong công tác giảm nghèo ở địa phương. Thôn đã được UBND tỉnh Bắc Kạn biểu dương, khen thưởng vì đã thực hiện tốt công tác giảm nghèo giai đoạn 2020-2022.
Nhận được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương
Từ đầu năm 2023 đến nay, công tác giảm nghèo luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể xã Dương Quang quan tâm thực hiện. Để hỗ trợ người dân, Dương Quang đã mở được 4 lớp dạy nghề với 140 học viên theo chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải quyết việc làm cho 72 lao động.
Tổng số hộ nghèo năm 2023 là: 29 hộ, với 96 khẩu, bằng 3,36%. Qua rà soát, đối chiếu, năm 2023 xã Dương Quang giảm được 3/2 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu thành phố giao. Tổng số hộ cận nghèo năm 2023 là: 19 hộ, với 70 khẩu, bằng 2,22%. Đến thời điểm này, giảm được 1/19 hộ cận nghèo, bằng 2,09%.
Tại buổi làm việc, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo TP. Bắc Kạn ghi nhận, đánh giá cao việc triển khai công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã Dương Quang. Đồng thời, Ban Chỉ đạo đề nghị xã tiếp tục rà soát, bổ sung các số liệu báo cáo bảo đảm chính xác, đầy đủ; thường xuyên tổ chức triển khai tập huấn, lồng ghép công tác giảm nghèo tại các cuộc họp của xã, thôn; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về công tác giảm nghèo tại địa phương.
Cùng với đó, xã Dương Quang đẩy mạnh khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, tham gia vào các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị với vai trò HTX là trung tâm. Đồng thời, địa phương cũng có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh liên kết.
Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp của Dương Quang nói riêng và TP. Bắc Kạn nói chung đã và đang được phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân theo hướng nâng cao giá trị gia tăng; phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; nâng cao hệ số sử dụng đất nông nghiệp. Tích cực phát triển diện tích đất canh tác nông nghiệp đạt thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm trở lên. Chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao.
Từ phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đã cùng góp phần tích cực vào thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, TP. Bắc Kạn đã giảm được 74 hộ nghèo, vượt 32 hộ so với kế hoạch, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 2,76% xuống còn 2,33%, bình quân mỗi năm là 0,43%, vượt 0,24% kế hoạch.
Trong thời gian tiếp theo, TP. Bắc Kạn tập trung tuyên truyền, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được tỉnh công nhận; chủ động sản xuất các sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP hằng năm. Đến năm 2025 phấn đấu phát triển mới 15 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 3 sao trở lên. Đẩy mạnh kết nối, xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP và các sản phẩm tiềm năng...
Anh Thư