Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình HTX kiểu mới trong hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thích ứng với thị trường, huyện Mang Yang đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU nhằm tạo nền tảng phát triển mô hình kinh tế tập thể.
Những HTX đi đầu
Từ đây, không ít mô hình HTX hoạt động hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển kinh tế ra đời và phát triển. Tiêu biểu như tại xã Đak Ta Ley đang có HTX Nông Nghiệp và Dịch Vụ Hùng Thơm Gia Lai. Mô hình này khi mới thành lập đã thu hút 40 thành viên, 50 hộ liên kết sản xuất chanh dây theo chuỗi giá trị.
Được sự hỗ trợ từ địa phương, HTX đã chú trọng đầu tư máy móc để chế biến các sản phẩm từ chanh dây. Sản phẩm được bảo quản trong hệ thống làm lạnh để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, HTX cũng có chanh dây tươi phục vụ xuất khẩu sang Pháp và Thuỵ Sĩ thông qua các doanh nghiệp liên kết hợp tác. Phần sản phẩm còn lại tiêu thụ ở thị trường trong nước tại các siêu thị, chợ đầu mối, cửa hàng thực phẩm sạch… thông qua liên kết với các nhà phân phối, đại lý.
Ngoài trồng và chế biến chanh leo, HTX còn giúp chị em nghèo, phụ nữ, người già neo đơn có thêm nguồn thu phụ nhờ lấy ngắn nuôi dài. Trong thời gian chờ đợi nguồn thu chính từ chanh dây, HTX còn trồng xen canh cây sả, ớt, rau xanh và hoa tươi… từ đó giúp nhiều hộ gia đình không phụ thuộc vào nguồn trợ cấp hộ nghèo, từ đó phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Liên kết trồng chanh dây giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo. |
Hiện nay, cây sả của HTX cũng được tiêu thụ tại các chợ đầu mối và xuất khẩu sang Nga. Sản phẩm thừa, HTX tận dụng mang vào nấu tinh dầu, lá sả được sấy khô làm trà sả thảo mộc và thực hiện quy trình khép kín, xử lý toàn bộ không bỏ sót rác thải ra môi trường.
Còn tại HTX Nông-Lâm nghiệp Quyết Tiến (xã Ayun) đang thu hút 76 thành viên, chủ yếu là người dân các xã Ayun, Đak Jơ Ta, Đak Yă và thị trấn Kon Dơng. Ngoài cung cấp dịch vụ đầu vào, HTX còn đứng ra chế biến, kinh doanh các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đưa các sản phẩm tham gia chương trình OCOP, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên.
Mỗi năm, doanh thu của HTX đạt hơn 1 tỷ đồng, tạo thêm việc làm cho thành viên và người lao động. HTX phấn đấu đến năm 2026 có ít nhất 9 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên để giúp thành viên, người dân tăng nguồn thu và sống ổn định từ các sản phẩm bản địa.
Tỷ lệ hộ nghèo còn 5%
Quyết Tiến, Hùng Thơm Gia Lai chỉ là hai trong số những mô hình kinh tế đang hoạt động hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho người dân tại địa phương phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Các mô hình này đang thu hút nhiều người tham gia và gắn bó.
Tiêu biểu như HTX Hùng Thơm Gia Lai đang thu hút và tạo việc làm cho 38 thành viên chính thức, 61 thành viên kết nạp mới, trên 200 hộ liên kết trồng, canh tác. Diện tích trồng chanh dây theo chuỗi giá trị năm 2022 của HTX cũng đạt trên 300 ha, trong đó 5 ha đã được chứng nhận GlobalGAP, hơn 126 ha được chứng nhận 7 mã vùng trồng.
Ngay tại xưởng sản xuất của HTX cũng đã tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên, với mức lương 5,5 -6 triệu đồng/tháng và 50 lao động thời vụ. HTX cũng hỗ trợ 14 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã về giống, phân bón, kỹ thuật, giúp các hộ có điều kiện phát triển sản xuất, tăng thu nhập, từng bước thoát nghèo. Hằng năm, cứ dịp Tết cổ truyền của dân tộc, HTX tặng quà cho công nhân và các hộ nghèo và ủng hộ Qũy vì người nghèo tại địa phương.
Anh Hoàng Long Quân (thị trấn Kon Dơng, Mang Yang), cho biết anh đã từng trồng chanh dây trước đó nhưng không có đầu ra ổn định nên liên tục bị mất giá, thu nhập bấp bênh. Khi liên kết với HTX Hùng Thơm, anh được hỗ trợ từ kỹ thuật, giống, phân bón, đến đầu ra nên với giá cao nên gia đình yên tâm sản xuất. Trung bình cứ 2.000 gốc chanh dây, gia đình anh lãi hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Những hoạt động này đã chứng minh được tính ưu Việt của mô hình HTX trong phát triển kinh tế xã hội huyện. Đây được coi là một trong những pháp hỗ trợ người nghèo sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thống kê, huyện Mang Yang có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 60%. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó có việc tạo điều kiện cho loại hình kinh tế tập thể phát triển.
Đến nay, toàn huyện có 21 HTX đang hoạt động với 301 thành viên. Trong đó, 5 HTX được đánh giá hoạt động hiệu quả, đã chủ động hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Hướng đến còn 2% tỷ lệ hộ nghèo
Phát triển kinh tế hàng hóa thông qua kinh tế nông nghiệp đang giúp huyện Mang Yang khẳng định được vai trò của ngành nông nghiệp trong phát triển kinh tế, hỗ trợ giảm nghèo cho người dân.
Thống kê của ngành nông nghiệp huyện cho thấy, đến nay tổng diện tích cây trồng của huyện đạt 24.542 ha, đạt 97,82% nghị quyết; tổng đàn gia súc ước khoảng hơn 113.150 con, vượt chỉ tiêu nghị quyết của huyện. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 76,6% so với nghị quyết đề ra.
Đi liền với đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện cũng giảm dần qua từng năm. Theo thống kê, huyện Mang Yang là một trong những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 61% dân cư. Trong đó, trên 80% hộ dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của huyện Mang Yang còn 20,08% nhưng đến nay đã giảm xuống còn 5%.
Với những kết quả đã đạt được trong giảm nghèo, huyện Mang Yang phấn đấu tới 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 2%. Để thực hiện được điều này, Mang Yang sẽ tiếp tục triển khai các mô hình trồng trọt, dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong đó lấy tổ hợp tác, HTX là nòng cốt để liên kết người dân với doanh nghiệp. Hiện huyện đã được cấp 14 mã số vùng trồng cho cây ăn quả, trong đó có 3 mã số được chấp nhận sang thị trường Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, huyện thực hiện tái cơ cấu và phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, hình thành và phát triển các loại cây có giá trị kinh tế gắn với xây dựng thương hiệu; từng bước chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung, trang trại; khuyến khích thu hút các dự án áp dụng công nghệ cao, sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị”.
Theo đánh giá chung hiện, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt khoảng hơn 49 triệu đồng/năm. Nếu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%, đến 2025, thu nhập của người dân sẽ tăng lên khoảng 55 triệu đồng, đời sống người dân sẽ ổn định hơn.
Minh Nhương