Cao Bằng có khoảng 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao…. Trong thời gian qua, Cao Bằng luôn đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS) trên địa bàn thoát nghèo bền vững.
Theo Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mô hình kinh tế tập thể, HTX được khuyến khích phát triển trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, tỉnh tập trung phát triển HTX gắn với sản phẩm nông sản đặc thù theo vùng, nhiều mô hình HTX được triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Liên kết tạo đầu ra ổn định
Điển hình là HTX Án Lại nằm trên địa bàn huyện Hòa An (nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống) với mô hình phát triển vùng nguyên liệu dong riềng.
Thành viên HTX Án Lại đang sơ chế nguyên liệu dong riềng và miến dong thành phẩm. |
Ông Hoàng Văn Tư, Giám đốc HTX Án Lại chia sẻ: Năm 2013, HTX được thành lập với 7 thành viên, chủ yếu trồng, chế biến bột dong, riềng và duy trì nghề làm miến truyền thống của địa phương. Khi mới thành lập, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng cơ sở vật chất, tìm thị trường tiêu thụ. Nhờ nguồn kinh phí hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng, HTX Án Lại đã xây dựng được nhà xưởng, mua máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất, tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Bên cạnh đó, HTX Án Lại thực hiện bao tiêu sản phẩm cho các thành viên và hàng trăm hộ liên kết trong xã Nguyễn Huệ với sản lượng trung bình 6 tấn/hộ/năm. Đến nay, HTX đã ổn định sản xuất, sản phẩm phát triển bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
“HTX Án Lại chọn hướng phát triển là sơ chế nguyên liệu dong riềng và miến dong thành phẩm, các sản phẩm nông sản được sản xuất, chế biến, đóng gói theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà phân phối mà HTX liên kết”, giám đốc HTX cho hay.
Tại xưởng sản xuất, HTX đầu tư hệ thống máy rửa, máy sấy tuần hoàn, máy nghiền vắt lọc củ tinh bột dong riềng, máy nghiền tinh bột khô tự động. Cùng với khu vực sản xuất rộng 500 m2 mới xây dựng, HTX liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho vùng nguyên liệu trồng 60 ha dong riềng của gần 100 hộ dân, tạo việc làm trực tiếp, thường xuyên cho trên 10 công nhân và 20 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.
Xuất hiện mô hình HTX nông nghiệp hiệu quả
Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp hay, hoạt động hiệu quả, đa dạng, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xoá đói giảm nghèo.
HTX nông nghiệp Yên Công, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng là một trong những mô hình HTX tiêu biểu, được thành lập từ năm 2020 với 7 thành viên, tổng số vốn điều lệ 2 tỷ đồng. Từ đầu năm 2020 HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng, trại nuôi trồng nấm với diện tích trên 6000m2. Nguyên liệu đầu vào không có tạp chất, quá trình sản xuất được quan tâm nên chất lượng nấm đảm bảo, có hương thơm và chất lượng đặc trưng, được người tiêu dùng đón nhận.
Sản phẩm nấm hương của HTX nông nghiệp Yên Công được sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. |
Hiện tại HTX đầu tư máy móc phục vụ sản xuất như: máy sấy nấm, máy hấp khử trùng, máy nghiền, kho cấp đông. Trung bình mỗi năm HTX sản xuất theo vụ đông, vụ hè được 18 vạn phôi nấm, cho thu hoạch từ 60 - 70 tấn nấm hương. Sản phẩm nấm được tiêu thụ tại các tỉnh, thành như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Cạn,...với giá bán lẻ 100 nghìn đồng/1 kg.
Sản phẩm nấm hương của HTX được sản xuất theo hướng hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguyên liệu đầu vào không có tạp chất, trong quá trình sản xuất được đơn vị quan tâm, chú trọng xử lý tốt các khâu để nuôi cấy nấm hiệu quả nên chất lượng nấm đảm bảo, được người tiêu dùng đón nhận. Sản phẩm đã được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.
HTX thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với nhà nước, địa phương. Góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương. Hiện nay, HTX tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng chục người, mức thu nhập bình quân hàng tháng từ 5,5 triệu đồng. Số lao động thời vụ từ 10-12 người, với mức thu nhập bình quân từ 4,5 triệu đồng. Thu nhập bình quân trung bình của HTX mỗi năm từ 400-500 triệu đồng/ năm.
Tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm
Việc có doanh thu cao và tạo công ăn việc làm cho người lao động là đóng góp quan trọng của nhiều HTX vào công tác xóa đói giảm nghèo. Đến hết năm 2022, tỉnh Cao Bằng còn trên 37.400 hộ nghèo, chiếm 29%, giảm 5.179 hộ nghèo, tương đương 4,13%, đạt 103% kế hoạch đề ra. Năm 2023, toàn tỉnh tiếp tục phấn đấu chỉ tiêu giảm nghèo đạt tỷ lệ 4%.
Tỉnh xác định, kinh tế tập thể, HTX luôn gắn liền với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là cơ sở và lực lượng cốt lõi để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, để nâng cao vai trò của HTX trong xoá đói giảm nghèo.
Để nâng cao vai trò của HTX trong xoá đói giảm nghèo, xây dựng NTM, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, các chương trình phát triển nông nghiệp. Đồng thời, tỉnh có các chính sách đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực, đất đai, tín dụng, hỗ trợ khoa học công nghệ, hỗ trợ tiếp thị và mở rộng thị trường, phát triển hạ tầng cơ sở, sản xuất và chế biến sản phẩm, hỗ trợ thành lập mới HTX…
Điển hình, thời gian qua Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ gần 300 HTX tiếp cận thị trường, định hướng sản phẩm chủ lực, hỗ trợ vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm. Tổ chức 21 lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, thu hút 928 lượt người tham gia, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, HTX cho 130 lượt người; tư vấn, hỗ trợ 16 HTX vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX hỗ trợ 3,8 tỷ đồng cho các HTX trên địa bàn tỉnh đầu tư sản xuất, kinh doanh...; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, trang bị kiến thức quản trị kinh doanh cho đội ngũ cán bộ HTX nhằm đổi mới tư duy phát triển kinh tế, tiếp cận thị trường, kết nối với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ đó, kinh tế HTX có bước phát triển mới về số lượng, chất lượng; hoạt động được nâng cao với nhiều loại hình dịch vụ, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đàm Văn Độ cho biết: Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế HTX gắn với chuỗi giá trị, tạo động lực cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, xây dựng NTM gắn với thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân. Tích cực triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, phát triển sản phẩm OCOP, chú trọng đầu tư xây dựng vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh. Qua đó, tạo sức mạnh tổng hợp của các HTX tiếp tục đóng góp xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, phấn đấu xây dựng hình thức tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu của tiêu chí số 13 trong xây dựng NTM, qua đó góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Hoàng Hà