Quýt hôi (hay còn gọi là quýt hoi hay cây quýt rừng) là loài cây bản địa, thường mọc trên sườn núi cao huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Trước đây, ít ai biết rằng cây quýt rừng này sẽ có ngày trở thành cây trồng chủ lực, sản phẩm hàng hóa giúp nhiều nông dân thoát nghèo.
Thu nhập trăm triệu nhờ trồng quýt hôi
Cây quýt hôi vốn mọc tự nhiên trên sườn núi cao, tại các thôn, bản xa trung tâm huyện miền núi Bá Thước, cây đã có từ 100 năm trước và mọc trên sườn núi cao thuộc núi rừng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Cây có quả nhỏ và có hương thơm đặc biệt, ăn vào thấy đậm lưỡi, mát họng, thông mũi. Nhận biết đây là loại dược liệu quý nên người dân thường dùng vỏ quýt làm trà uống chữa bệnh ho hen, lá quýt được dùng chế biến các món ăn dân tộc Thái.
Quýt hôi là loại dược liệu quý nên người dân thường dùng vỏ quýt làm trà uống chữa bệnh ho hen. |
Để phục hồi và phát triển giống quýt này, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, những năm gần đây, UBND huyện Bá Thước đã vận động người dân trồng cây quýt hôi, đồng thời tuyên truyền, hỗ trợ bà con chăm sóc, tỉa cành, bón phân đúng quy trình và thời kỳ. Đến nay, huyện Bá Thước đã có gần 800 hộ trồng quýt hôi trên diện tích 80 ha, tập trung tại các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, Cổ Lũng, Lũng Niêm.
Bên cạnh đó, mùa thu hoạch quýt hôi từ tháng 11 năm trước đến tháng 1 năm sau. Mỗi năm 1 ha quýt thường cho sản lượng 6 tấn, thu nhập 90 triệu đồng/ha, để cải thiện thêm nhu nhập nhiều hộ dân đã mở thêm dịch vụ trải nghiệm, giá trị của những quả quýt này lại càng tăng lên, đó là kết hợp kết nối với các điểm du lịch trên địa bàn, mở dịch vụ trải nghiệm tham quan và hái quýt.
Ông Ngân Văn Hiên, nông dân tại xã Thành Sơn cho biết, gia đình ông trồng giống quýt này từ năm 1997, tới nay đã có một vườn quýt rộng 3 ha. Nhờ tuân thủ kỹ thuật, cũng như chăm sóc, bón phân đầy đủ, tới nay vườn quýt đang cho thu nhập 150 triệu đồng/năm, sản phẩm quýt luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Để nâng cao thu nhập, gần đây, gia đình ông đã chuyển sang trồng quýt hôi gắn với du lịch sinh thái với một lượng khách đến tham quan hàng tuần ổn định, nhờ đó gia đình đã thoát nghèo. Ông Hà Đức Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn, huyện Bá Thước, cho hay những năm gần đây xã định hướng phát triển quýt hôi, các hộ trồng quýt hàng năm có thống kê lại tổng diện tích mà bà con muốn trồng, lập danh sách lên, để xã kết hợp với viện nghiên cứu để cung cấp giống cho bà con.
Cây quýt hôi được người dân mở rộng diện tích, thay vì chỉ mọc dại trên rừng như trước đây. |
Để tìm đầu ra cho sản phẩm, UBND xã đã kết hợp cùng hợp tác xã, các doanh nghiệp để tiêu thụ quýt hôi. Gần như lượng quýt hôi không đủ cung cấp cho bên ngoài. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình nơi đây trồng quýt hôi gắn với phát triển du lịch cộng đồng vì nơi đây gắn với Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
‘Thoát nghèo’ nhờ cây dược liệu
Bên cạnh cây quýt hôi, Bá Thước còn nổi tiếng với vùng đất phát triển cây dược liệu, giúp nông dân thoát nghèo. Từ chỗ chỉ trồng để sử dụng trong gia đình, cây chè đắng của gia đình ông Trương Công Thứ, thôn Giàu Cả, xã Lương Ngoại (Bá Thước) đã trở thành cây hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao khi được HTX Dược liệu Pù Luông liên kết bao tiêu sản phẩm.
Ông Thứ cho biết: Năm 2022, sau khi HTX Dược liệu Pù Luông triển khai, thu mua cây chè đắng, gia đình tôi đã mở rộng diện tích sản xuất lên gần 1.000 m2 trong vườn nhà. Sau 8 tháng nhân giống, cây chè đắng cho thu hoạch. Sản lượng khoảng 4 tấn, doanh thu hơn 8 triệu đồng. Hơn nữa, loại cây trồng này không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, công chăm sóc lại có thể lưu gốc nhiều năm nên phù hợp với điều kiện sản xuất của đa phần người dân. Nhờ liên kết bền vững với HTX, gia đình tôi và nhiều hộ tại địa phương đang triển khai mở rộng diện tích sản xuất, đưa cây chè đắng thay thế cho các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp.
Cây chè đắng đang dần được thay thế cho các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp.
HTX Dược liệu Pù Luông đang thực hiện liên kết với 160 hộ dân của hai huyện Bá Thước và Cẩm Thủy để sản xuất dược liệu với tổng diện tích 55 ha. Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX cho biết: HTX đã tìm kiếm và đấu mối với một số công ty dược cung ứng khoảng 5.000 tấn dược liệu/năm. Do đó, nhu cầu dược liệu của HTX rất lớn, đây chính là điều kiện để HTX tiếp tục liên kết với người dân, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích sản xuất cây dược liệu thay thế cho các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp.
Để đẩy mạnh hỗ trợ người dân phát triển dược liệu bền vững, 80 hộ dân nghèo, cận nghèo của 2 xã Thiết Ống và Lũng Cao (Bá Thước) được hỗ trợ vật tư sản xuất gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học để sản xuất cây dược liệu.
Đây là những hộ dân tham gia dự án “Mô hình phát triển cây dược liệu hữu cơ trên địa bàn xã Thiết Ống và Lũng Cao huyện Bá Thước” do Văn phòng Quốc gia giảm nghèo bền vững chủ trì, đặt hàng và giao Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa tổ chức thực hiện từ tháng 8/2023.
Tại lễ bàn giao, hơn 11,9 tấn phân bón hữu cơ tre xanh, 535,5 lít chế phẩm sinh học Organic tre xanh và 238 lít thuốc bảo vệ thực vật FasFix 150 được bàn giao cho các hộ dân tham gia dự án.
Sau thời gian triển khai thực hiện, mô hình đã đưa một số giống cây dược liệu, như: xạ đen, ngải cứu, hương nhu... vào sản xuất thay thế cho những diện tích sản xuất ngô, lúa, sắn hiệu quả kinh tế thấp. Điều đáng lưu ý của mô hình chính là toàn bộ diện tích dược liệu sản xuất đã được HTX dược liệu Pù Luông liên kết, bao tiêu sản phẩm với giá thành ổn định. Tổng diện tích dược liệu đã được triển khai thực hiện khoảng 11,2 ha.
Hiện nay, diện tích cây ngải cứu của mô hình đã cho thu hoạch lứa đầu tiên với tổng sản lượng khoảng 35 tấn. Theo tính toán của người dân, giá trị kinh tế của dược liệu ước khoảng 180 đến 200 triệu đồng/ha cao hơn trồng lúa ngô từ 2-3 lần. Hơn nữa, sản xuất cây dược liệu không đòi hỏi kỹ thuật cao, khá phù hợp với trình độ sản xuất của người dân. Đây được kỳ vọng là mô hình sản xuất triển vọng, góp phần giảm nghèo hiệu quả cho người dân địa phương.
Tháng 10/2023, các đơn vị triển khai thực hiện dự án đã tổ chức bàn giao hơn 320.000 cây xạ đen, 320.000 cây ngọc hoàn, 312.000 cây ngải cứu giống cho các hộ dân tham gia mô hình, mở rộng diện tích triển khai thực hiện dự án.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt
Từ những giải pháp linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương, tình hình kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo của huyện Bá Thước đạt những kết quả tích cực. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện Bá Thước đạt 5.882 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,86%, cận nghèo 30,28%; đến nay có 3 xã và 82 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...
Ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách đầu tư phát triển bền vững và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội mà đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh so với bình quân của cả tỉnh. Đặc biệt, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo của cả nước.
Trong khi đó, ông Phạm Đình Minh, Bí thư Huyện ủy Bá Thước nhìn nhận, câu chuyện thoát nghèo không phải một sớm một chiều mà là cả một hành trình phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân. Trên hành trình đó, người dân phải là chủ thể, đóng vai trò quyết định, khi người dân có ý chí phấn đấu, thật sự nỗ lực thì chính họ sẽ vận dụng tối đa sức lao động, tư liệu sản xuất vốn có cùng với sự đồng hành của chính quyền địa phương thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo sẽ đạt kết quả cao.
Để đạt được những mục tiêu đề ra, năm 2023, huyện Bá Thước sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trước mắt, huyện đề ra kế hoạch tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 14,2%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 11%; công nghiệp - xây dựng tăng 16,2%; dịch vụ tăng 16,1%; thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 35.000 tấn; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 64,4%; tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 18,91% (giảm 4,95% so với cùng kỳ).
Mai Trang