Một trong những hướng đi của Bá Thước để hoàn thành các kế hoạch giảm nghèo của từng năm đó là phát triển sản phẩm có ưu thế cạnh tranh. Trong đó nhận thấy dược liệu phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, người dân lại có kinh nghiệm chăm sóc loại cây này. Bởi vậy, nếu phát triển tốt, những sản phẩm từ dược liệu sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường và cho giá trị kinh tế cao gấp 3-4 lần so với các cây trồng truyền thống.
Tạo sinh kế, tăng thu nhập
Phát huy thế mạnh địa phương cùng với mong muốn bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên bản địa, huyện Bá Thước đã tạo điều kiện, hỗ trợ người dân một số địa phương phát triển cây dược liệu theo hướng bền vững.
Tiêu biểu như xã Thành Lâm vốn là địa phương có rất nhiều cây sói rừng. Được sự hỗ trợ của một tổ chức nước ngoài và Viện Môi trường và Phát triển bền vững (VESDI), dự án phát triển bền vững cây sói rừng để cải thiện sinh kế tại xã Thành Lâm đã được hình thành từ năm 2021.
Từ những hộ ban đầu, đến nay, mô hình trồng và phát triển cây sói rừng đã thu hút được 100 hộ dân trong xã tham gia trồng ngay tại vườn nhà và trên đất rừng với tổng diện tích gần 73ha. Không chỉ áp dụng kỹ thuật từ ươm giống, làm cỏ, quản lý sâu bệnh…, người dân còn được hướng dẫn cách phơi, sấy và chế biến thành các sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường.
Hiện, loại dược liệu này không chỉ dừng ở cây thuốc mà còn là cây ăn được (chè uống, ăn quả), cây cảnh, cho tinh dầu với mùi hương độc đáo và phục vụ rất tốt cho chế biến thành các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…Về kinh tế của cây sói rừng, người dân trồng trong vòng 2 năm sẽ cho thu hoạch. Giá thu mua cả cây khô sẽ vào khoảng 30.000 đồng/kg.
Việc triển khai thực hiện Dự án Hỗ trợ cộng đồng xã Thành Lâm phát triển bền vững cây sói rừng không chỉ giúp cải thiện sinh kế và tăng cường sức khỏe miễn dịch cộng đồng người Thái trong xã (góp phần chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe) mà còn tạo thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Từ một xã vùng sâu vùng xa của huyện với 98% người dân là đồng bào dân tộc Thái gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, đến nay diện mạo xã Thành Lâm đã có những thay đổi đáng kể. Nếu như năm 2019, thu nhập bình quân của người dân chỉ khoảng 19 triệu đồng/người/năm thì đến nay đã đạt khoảng 41 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 15,5% năm 2019 hiện đã giảm xuống dưới 10%. Việc phát triển và chế biến dược liệu cũng được cho là điểm thuận lợi giúp người dân xã Thanh Lâm phát triển du lịch cộng đồng, tạo dấu ấn và sản phẩm du lịch cho khách đến tham quan, trải nghiệm.
Không chỉ ở xã Thành Lâm, xã Thành Sơn cũng đang phát triển mô hình trồng cây dược liệu với sự tham gia của HTX dịch vụ du lịch Pù Luông. HTX đang hướng dẫn người dân trồng cây xạ đen, chè đắng, cà gai, hoạt ngọc, ngải cứu... trên quy mô 5ha. Chỉ tính riêng cây chè đắng, trên diện tích 1.000 m2, sau 8 tháng nhân giống, cây này cho thu hoạch với sản lượng 4 tấn, doanh thu hơn 8 triệu đồng. Hơn nữa, loại cây trồng này không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, công chăm sóc lại có thể lưu gốc nhiều năm nên phù hợp với điều kiện sản xuất của đa phần người dân.
Do liên kết được với doanh nghiệp sản xuất dược liệu nên ngoài người dân trong xã Thành Sơn, HTX còn liên kết với 160 hộ dân 8 xã trong huyện Bá Thước và huyện Cẩm Thủy để sản xuất, bao tiêu 60ha dược liệu theo hợp đồng. Theo tính toán, mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường khoảng 5.000 tấn dược liệu giúp mang lại giá trị kinh tế khoảng 300-350 triệu đồng/ha/năm. Một số loại dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao, như: mã tiền, hà thủ ô đạt 400 triệu đồng/ha. Nguồn thu này được đánh giá là cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác.
Điểm nhấn từ Giảo cổ lam
Là địa phương có nhiều diện tích rừng với các loài cây dược liệu đa dạng, nhưng trước đây, việc khai thác nguồn cây dược liệu của người dân trên địa bàn huyện Bá Thước không có sự quản lý, hướng dẫn đã dẫn đến rất nhiều loài cây thuốc suy giảm về số lượng, một số loài có nguy cơ mất nguồn gen.
Người dân tộc Thái xã Thành Lâm phát triển cây sói rừng. |
Trước thực trạng này, việc huyện khuyến khích và hỗ trợ người dân phát triển các dược liệu theo chuỗi giá trị hàng hóa gắn với xây dựng một số dự án bảo tồn và phát triển một số dược liệu quý hiếm. Điều này được cho là phù hợp với mục tiêu của chương trình bảo tồn và xây dựng bền vững nguồn gen dược liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Thanh Hóa.
Một trong số đó là dự án “Bảo tồn, phát triển, sản xuất cây dược liệu Giảo cổ lam” vì đây là cây phân bố rộng, nằm ở trên núi của các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng, Lũng Cao và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc huyện Bá Thước.
Những năm trước đây, loài cây này mọc nhiều, nhưng do nhu cầu tiêu thụ lớn nên tình trạng người dân khai thác ồ ạt, không có ý thức bảo tồn khiến loài cây này đang có nguy cơ cạn kiệt. Vì vậy, cán bộ kỹ thuật đã tổ chức các lớp tập huấn và trực tiếp tham gia mô hình liên kết nên các hộ tham gia mô hình đã biết giữ gìn, bảo tồn cây dược liệu giảo cổ lam. Đồng thời, họ còn biết nhân giống, tận dụng diện tích đất dưới tán rừng, chân núi đá, vườn nhà để trồng thâm canh tăng năng suất mà không phụ thuộc vào nguồn dược liệu từ tự nhiên, chủ động tạo nguồn dược liệu tại chỗ.
Hiện, đầu ra cho sản phẩm giảo cổ lam rất tốt, thường cung không đủ cầu. Sản phẩm được bán cho các đơn vị như Công ty Dược Đông Á, hoặc các tư thương và người dân tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định,… và các huyện trong tỉnh Thanh Hóa. Hiện, loại dược liệu này được đánh giá là sản phẩm đặc trưng có thương hiệu trên địa bàn huyện Bá Thước vì đã được sơ chế, đóng gói, chế biến theo quy trình khoa học.
Với diện tích 4.000m2, cây giảo cổ lam có thể tận thu cả ngọn, lá, thân. Ngọn, lá tươi bán giá 30 nghìn đồng/kg; lá già, thân sao khô thành chè và bán với giá dao động khoảng 200 nghìn đồng/kg. Những nguồn thu này giúp mỗi năm, mỗi hộ trồng giảo cổ lam có thu nhập trên dưới một trăm triệu đồng.
Giúp người dân sống khỏe
Có thể thấy, dược liệu đã trở thành một trong những cây trồng hàng hóa, giúp người dân trên địa bàn huyện Bá Thước giảm nghèo, nâng cao thu nhập.
Điển hình như gia đình ông Nguyễn Đại Hải (xã Điền Trung) nhờ liên kết với HTX Pù Luông trồng dược liệu mà mỗi sào (khoảng 360m2), gia đình có thu nhập khoảng 20-25 triệu đồng. Tính thu nhập bình quân hàng năm từ cây dược liệu, gia đình ông đang thu về từ 500 – 600 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại địa phương.
Ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, cho biết cây dược liệu đã đóng góp không nhỏ vào quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và cũng là điểm nhấn trong phát triển kinh tế, giảm nghèo ở Bá Thước. Nhiều người nhớ đến Bá Thước là nhắc đến cây dược liệu vì đã giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất từ nhỏ lẻ, tự phát, giá trị thấp sang trồng trên quy mô lớn, có sự đầu tư và cho giá trị cao. Đồng thời, phát triển cây dược liệu theo hướng chuyên canh, hàng hóa còn giúp gìn giữ, bảo tồn những nguồn gen quý, từng bước đưa cây dược liệu trở thành cây trồng mũi nhọn, có thương hiệu trên thị trường.
Dược liệu hiện là một trong những loại cây chính được khuyến khích phát triển, đầu tư tại Bá Thước. Theo thống kê, trồng dược liệu góp phần tích cực vào quá trình nâng cao thu nhập và giảm nghèo của huyện. Năm 2022, tổng giá trị sản xuất của huyện Bá Thước đạt 5.882 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 23,86%, cận nghèo 30,28%; đến nay có 3 xã và 82 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...
Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng và dược liệu, đẩy mạnh trồng, cải tạo, phục tráng và bảo tồn phát triển các loại cây dược liệu bản địa quý hiếm…Phấn đấu cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 9,82%; giảm bình quân giai đoạn 4,91%. Tỷ lệ hộ cận nghèo toàn huyện giảm còn 10,18%.
Tùng Lâm