Năm 2015, Hội Làm vườn huyện Bá Thước đã hướng dẫn 7 hộ gia đình dân tộc Mường, xã Ái Thượng cải tạo vườn tạp, đầu tư làm giàn trồng gấc ở trên, trồng gừng ở dưới và thành lập HTX nông sản Bá Thước. Nhận thấy được tiềm năng của cách làm này, các hộ gia đình đã tích cực tham gia.
Phát huy các thế mạnh
Người dân tham gia mô hình được hỗ trợ kỹ thuật cải tạo vườn tạp cũng như cung cấp những kiến thức cơ bản để trồng gừng, gấc. Các thành viên có nhu cầu mua giống, mua phân bón sẽ được giới thiệu đơn vị cung cấp đạt chất lượng, giá cả hợp lý.
Nhờ đó, vụ thu hoạch đầu tiên, hiệu quả so với trồng lúa gấp 3 - 4 lần, giúp một số hộ thoát nghèo và có thể làm giàu. Nhận thấy rõ hiệu quả của mô hình trồng gấc, gừng, nhiều hộ nông dân huyện Bá Thước đã học tập và làm theo.
Nhiều thế mạnh về nông nghiệp được người dân Bá Thước hiện thực hóa nhờ được dạy nghề. (Ảnh TL) |
Đến nay, HTX nông sản Bá Thước có 17 hộ gia đình tham gia, cùng nhiều hộ nông dân liên kết. Mô hình HTX cũng cho thấy tính ưu việt, phù hợp với nhiều đối tượng lao động địa phương, nhất là lao động nữ.
Chị Trương Thị Huấn, thành viên HTX cho biết quy trình trồng gấc, gừng rất đơn giản, ít chăm sóc, không tốn giống, phân bón. Cây gấc trồng 1 năm mà có thể thu hoạch trong 5 - 6 năm.
"Khi tham gia HTX, gia đình tôi dành toàn bộ thời gian lao động để trồng gấc. Nhờ mô hình này, đời sống của gia đình từng bước thay đổi, trong nhà đã sắm sửa được nhiều đồ đạc. Cũng như gia đình tôi, các hộ khác đều được hướng dẫn làm phân vi sinh từ chất thải gia súc, rác thải nông nghiệp để bón cho gấc, gừng. Đồng thời, các hộ dân đã biết sơ chế gấc để bán. Riêng phần hạt được sơ chế để làm thuốc xoa bóp, còn vỏ quả để làm phân vi sinh", chị Huấn nói.
Bên cạnh các nghề nông nghiệp, huyện Bá Thước cũng đẩy mạnh đào tạo các nghề phi nông nghiệp, đặc biệt là các dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.
Năm 2018, anh Hà Văn Dậu, xã Thành Sơn đã đăng ký học lớp kỹ thuật chế biến món ăn do Trung tâm GDNN - GDTX huyện Bá Thước liên kết với Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch Thanh Hóa đào tạo. Sau 3 năm miệt mài học tập anh đã tốt nghiệp và đi làm tại một khu du lịch với mức lương khởi điểm hơn 7 triệu đồng/tháng.
Anh Dậu cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở xã nghèo, bố mẹ làm nông nghiệp, quanh năm lam lũ nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Lớn lên tôi quyết tâm đi học kiếm lấy cái nghề để lo cuộc sống sau này. Hiện nay, tôi đã đi làm, có thu nhập ổn định lo cho bản thân và giúp đỡ bố mẹ”.
Thêm các nguồn lực hỗ trợ
Theo thống kê, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có hơn 20.000 lao động trên địa bàn huyện Bá Thước đã được đào tạo nghề, trong đó trên 10.000 lao động có việc làm, hơn 2.000 người đi xuất khẩu lao động.
Huyện sẽ ưu tiên thêm nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo nghề. (Ảnh TL) |
Được biết, nhằm thu hút thêm nguồn vốn đào tạo nghề, huyện đã phối hợp với các ban ngành địa phương đẩy mạnh tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, miền núi.
Cùng với đó, huyện gắn việc rà soát trên cơ sở nhu cầu thực tế, xác định danh mục nghề đào tạo với làm tốt công tác định hướng, tư vấn nghề cho người lao động trong việc lựa chọn nghề, tham gia học nghề và giải quyết việc làm sau học nghề. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: đan mũ bẹ ngô, dệt thổ cẩm, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, thêu ren đính cườm...
Mặc dù các ban ngành trong huyện đã rất quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tuy nhiên các khó khăn do thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên, học viên đa số trình độ thấp... đã trở thành những “chướng ngại vật” trong quá trình thực hiện công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở huyện miền núi Bá Thước.
Thực tế cho thấy, với các huyện miền núi nghèo như Bá Thước, các cấp quản lý cần có thêm chính sách hỗ trợ đặc biệt cho giáo viên dạy nghề, hỗ trợ vốn, cơ sở vật chất hợp lý để việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả cao, hoàn thành chỉ tiêu đề ra.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bá Thước phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65% trên tổng số người trong độ tuổi lao động. Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, huyện tiếp tục tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, theo doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người học...
Bá Thước cũng đặt mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để hiện thực hóa điều này, cùng với việc thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn cũng được huyện chú trọng thực hiện.
Nhật Minh