Đáng chú ý, với những đóng góp tích cực của các HTX, doanh nghiệp, Đắk R'lấp đã hình thành được hàng loạt chuỗi liên kết sản xuất cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi heo. Các chuỗi sản xuất này đều có quy mô khá lớn, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, trở thành điểm tựa cho các hộ tham gia.
Chuyển biến mạnh mẽ
Bên cạnh hỗ trợ thành lập các chuỗi liên kết giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp, huyện đã vận động, hỗ trợ người dân ứng dụng khoa học, công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm đạt các tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đó, Đắk R'lấp chú trọng khâu thu hoạch, chế biến các loại nông sản nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều HTX, hộ dân trên địa bàn đã chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ.
Người nông dân Đắk R'lấp đang thay đổi tư duy trong sản xuất, theo hướng giàu khoa học - kỹ thuật (Ảnh: Hưng Nguyên/BĐN). |
Đơn cử, trước đây, người trồng cà phê ở xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) gặp rất nhiều khó khăn về thị trường. Cà phê sau thu hoạch chủ yếu phơi khô, xay xát rồi bán cho tư thương khiến đầu ra không ổn định.
Trước đòi hỏi của thực tế, năm 2020, HTX Nông nghiệp thương mại Công Bằng Đắk Ka được thành lập với mục tiêu liên kết các hộ dân trồng cà phê theo hướng chất lượng cao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.
Ông Trần Văn Phú, Giám đốc HTX, cho biết khi tham gia sản xuất cà phê chất lượng cao, nông dân phải tuân thủ các quy trình về trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế một cách nghiêm ngặt. Mỗi vụ, người trồng chia ra thành nhiều đợt thu hoạch, bảo đảm đạt tỷ lệ quả chín trên 90%.
“Cách làm này tuy mất nhiều công hơn, nhưng bù lại, sản phẩm được HTX thu mua với giá cao hơn so với thị trường. Hiện nay, sản phẩm cà phê của HTX được Hiệp hội Cà phê đặc sản thế giới đánh giá cao, đạt từ 80 – 90 điểm theo thang điểm của Viện Chất lượng cà phê CQI”, anh Phú chia sẻ.
Để gia tăng hiệu quả, chất lượng sản phẩm, HTX đã đầu tư xây dựng hơn 2.000m2 nhà xưởng phục vụ sơ chế, chế biến cà phê, trong đó có 800m2 nhà kính. HTX đầu tư máy móc chế biến cà phê đặc sản. Sản phẩm cà phê bột của HTX đạt OCOP hạng 3 sao.
Chìa khóa thành công
Đáng chú ý, trước đây, nông dân ở Đắk R'lấp chủ yếu tập trung vào phát triển trồng cây lâu năm như cà phê, hồ tiêu, điều… Nhưng đến những năm gần đây, các hộ bắt đầu kết hợp chăn nuôi với trồng trọt đã mở ra hướng đi mới bền vững và thu nhập cao hơn.
Một trong những điểm sáng là mô hình nuôi gà thả vườn dưới tán cây cà phê của HTX Nông nghiệp Toàn Phát ở xã Quảng Tín. Hiện, HTX đã tập hợp được hàng trăm hộ chăn nuôi, chia thành 4 nhóm: gà, heo, dê, bò. Các vật nuôi này đều được chăn thả vườn dưới tán cây cà phê, cây điều, cây tiêu.
Riêng nhóm nuôi gà có hơn 50 hộ tham gia, chăn nuôi các giống gà lai chọi, gà J lai Dabaco, gà thả vườn Japfa… được HTX bao tiêu sản phẩm. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất 12.000 con gà thịt, đầu ra ký hợp đồng với một số doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM...
Nhờ đổi mới phương thức sản xuất, nông dân Đắk R'lấp ngày càng giàu lên (Ảnh: Hưng Nguyên/BĐN). |
Ông Đào Văn Xuyên ở thôn Tư, xã Quảng Tín, thành viên HTX Toàn Phát cho biết, trước đây chỉ độc canh cây cà phê, lợi nhuận rất bấp bênh, nhiều mùa giá bán cà phê rớt xuống dưới giá thành, bị thua lỗ.
Đến nay, với 1,5 ha cà phê, gia đình thu hoạch khoảng 4 tấn/năm, doanh thu khoảng 120 triệu đồng, trừ tiền thuê lao động, phân bón, chi phí tưới nước, còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Cùng với đó, bình quân một năm, ông Xuyên nuôi thêm 2 lứa gà, mỗi lứa thả nuôi 3.000 con, thu về hàng trăm triệu đồng.
Có thể thấy, diện mạo ngành nông nghiệp huyện Đắk R’lấp ngày càng khởi sắc, tạo đà cho nông dân vươn lên thoát theo làm giàu. Để có được kết quả trên, theo UBND huyện, địa phương đã ban hành nghị quyết về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Cùng với đó, huyện ban hành kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp theo các tiêu chuẩn như VietGAP, hữu cơ…
Minh chứng, thời gian qua, huyện đã tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi liên kết. Đến nay, toàn huyện đã có 20 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trên 500 ha ứng dụng một phần công nghệ cao.
Các diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao đóng vai trò quan trọng, là tiền đề để huyện nhân rộng mô hình nông nghiệp tiên tiến trong thời gian tới. Đặc biệt, huyện đang có 20 HTX, 10 tổ hợp tác hoạt động trong nông nghiệp, tạo điểm tựa vững chắc liên kết nông dân trong sản xuất.
Phát huy nền tảng
Bên cạnh nền tảng về phương thức sản xuất, huyện Đắk R’lấp cũng chú trọng hoàn thiện hạ tầng nông thôn, xây dựng tương đối bài bản, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa của Nhân dân.
Toàn huyện hiện có 40 công trình thủy lợi, trong đó có 31 hồ chứa, 9 đập dâng, đáp ứng nhu cầu nước tưới cho trên 85% diện tích cây trồng các loại...
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp đề ra, kinh tế nông nghiệp hàng năm ở Đắk R'lấp đã có sự tăng trưởng, chuyển dịch đúng hướng. Nhiều người dân trên địa bàn đã thực sự làm giàu được với sản xuất nông nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Đắk R'lấp đều xây dựng các kế hoạch sản xuất, phân công đội ngũ chuyên môn theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, vật nuôi của người dân.
Các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn trồng trọt, chăn nuôi; đưa những giống cây trồng mới, cây chủ lực để người dân học tập, áp dụng. Từ đó, nhiều hộ dân đã từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi.
Cùng với việc tập trung nâng cao năng suất, thời gian tới, huyện định hướng, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp, các HTX, tổ hợp tác theo chuỗi giá trị.
Lệ Chi