Giang Sơn Đông thuộc vùng miền núi khó khăn của huyện Đô Lương, quỹ đất nông nghiệp chiếm hơn 450 ha/1.800 ha đất tự nhiên, chủ yếu là đất vườn đồi. Những năm qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, xã đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật…
Thu tiền tỷ từ cây bưởi
Nhờ mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi diện tích vườn tạp kém hiệu quả sang trồng cây bưởi Diễn theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường, không ít hộ gia đình ở xã Giang Sơn Đông đang gặt hái thành công, vươn lên làm giàu bền vững.
Bưởi đang là một trong những cây trồng thế mạnh ở Đô Lương. |
Gia đình ông Đào Danh Bảy là một trong những hộ điển hình trong phát triển kinh tế vườn ở Giang Sơn Đông. Những năm trước, ông đã trồng nhiều loại cây, nhưng năng suất, hiệu quả không cao, chỉ đến khi chuyển đổi sang trồng bưởi Diễn, thu nhập của gia đình mới bắt đầu được cải thiện.
Khoảng 3 năm trở lại đây, 800 cây bưởi cho lợi nhuận 250 - 300 triệu đồng mỗi năm. Theo ông Bảy, để bưởi Diễn phát triển và sinh trưởng tốt, ông chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa, tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường.
Tương tự, gia đình anh Thái Văn Dương, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xóm Thịnh Đồng, cũng đang có thu nhập bình quân 120 - 150 triệu đồng/năm từ vườn bưởi Diễn quy mô gần 350 gốc. Anh Dương cho hay, năm 2015, được sự hỗ trợ của Tổ hợp tác, gia đình anh chuyển đổi gần 1 ha trồng lúa sang trồng cây bưởi Diễn theo quy trình VietGAP.
Bưởi Diễn là loại cây không quá khó tính, chỉ cần xử lý hố trồng bằng vôi, bón thêm phân chuồng, nước tưới ổn định là có thu hoạch. Ưu điểm của bưởi Diễn là tuổi thọ cao từ 20 - 30 năm mới phải trồng lại; cây càng nhiều tuổi, rễ cây bám đất, ăn sâu vào đất thì chất lượng quả càng cao.
“Nếu nắm vững kỹ thuật, thuận đầu ra, với 1 ha trồng bưởi Diễn, các hộ sản xuất có thể thu về trên dưới 250 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí”, anh Dương hồ hởi nói.
Đẩy mạnh liên kết
Không chỉ ở Giang Sơn Đông, nhờ hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, huyện Đô Lương đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung, với các sản phẩm chủ lực, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm, kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ.
Điển hình như mô hình trồng dược liệu gắn với chiết xuất chế biến tinh dầu với tổng diện tích 20 ha của HTX thực phẩm sạch chế biến tinh dầu dược liệu Đô Lương. Những năm qua, HTX đã liên kết và trở thành điểm tựa trong tổ chức sản xuất cho thành viên, nông dân liên kết, đồng thời thu mua 100% sản phẩm.
Hay như mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm rau các loại giữa HTX nông sản an toàn Trung Sơn và Công ty Vincommerce thu mua toàn bộ sản phẩm rau, củ, quả, rau gia vị các loại do HTX sản xuất ra... Hiện, đã có trên 11 mặt hàng nông sản của HTX được siêu thị Winmart đặt hàng tiêu thụ.
Quá trình phát triển kinh tế ở Đô Lương có dấu ấn đậm nét của các HTX, doanh nghiệp. |
Nhiều mô hình sản xuất có ứng dụng hệ thống tưới hoàn toàn tự động, bán tự động được đưa vào sản xuất đem lại hiệu quả thiết thực như mô hình sản xuất Nho Hạ Đen trong nhà kính tại xã Thịnh Sơn với quy mô 4.000m2, mô hình sản xuất rau trong nhà lưới tại xã Thịnh Sơn với quy mô 3.000m2, xã Trung Sơn 2.000m2, và xã Lạc Sơn 2.000m2...
Bên cạnh đó, còn có 8 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà màng, gieo trồng trên giá thể, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt hoàn toàn tự động với tổng diện tích 40.900m2, mang lại lợi nhuận bình quân khoảng hơn 600 triệu đồng/ha/năm. Mô hình tổng hợp trồng rừng, trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi trên quỹ đất rừng tại các xã: Giang Sơn Đông, Giang Sơn Tây, Hồng Sơn, Nam Sơn... hiệu quả đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Thêm động lực phát triển
Có một đặc điểm dễ thấy ở Đô Lương là quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp đang được đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ theo hướng hiện đại, với sự tham gia tích cực của các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, từ đó hình thành các chuỗi giá trị, mang lại lợi ích bền vững cho người dân.
Ngành nông nghiệp huyện cũng tích cực tìm kiếm thị trường, chủ động xây dựng, nâng tầm thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa; thu hút và triển khai các dự án đầu tư để chuyển dịch lao động nông thôn và thúc đẩy khu vực nông thôn phát triển, từ đó nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp truyền thống, huyện đang đẩy mạnh trồng, thâm canh, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, khuyến khích phát triển trồng rừng kết hợp với chăn nuôi, trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Chuyển đổi từ rừng keo nguyên liệu, khai thác gỗ non sang trồng và kinh doanh, khai thác rừng gỗ lớn... gắn với quản lý rừng bền vững và thực hiện cấp chứng chỉ rừng (FSC).
Hàng loạt dự án được triển khai trên địa bàn huyện được kỳ vọng góp phần phát triển kinh tế rừng theo chuỗi giá trị từ giống, quản lý rừng bền vững, trồng rừng chất lượng cao, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị lâm sản. Đến năm 2025, huyện phấn đấu khai thác gỗ rừng trồng 135.000 m3.
Cùng với đó, huyện chú trọng duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống cũng như phát triển nghề mới, đến nay toàn huyện có 24 làng có nghề. Trong 2 năm gần đây, huyện đã công nhận thêm 2 làng nghề sản xuất Chổi đót tại xã Bắc Sơn và Nồi đất xã Trù Sơn, nâng tổng số làng nghề trên địa bàn huyện lên 7 làng.
Các làng nghề hoạt động sản xuất kinh doanh khá hiệu quả, tạo được nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Các HTX, làng nghề đã tham gia xây dựng, phát triển và từng bước tiêu chuẩn hóa gần 20 sản phẩm đặc sản của địa phương để xây dựng các sản phẩm OCOP.
Với những kết quả đã đạt được, diện mạo kinh tế huyện Đô Lương liên tục phát triển, an sinh xã hội đảm bảo, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn trên dưới 1%, thu nhập bình quân đầu người cũng ngày càng gia tăng.
Lệ Chi