Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất có truyền thống phát triển hồ tiêu, điều mà ông Trần Quang Sơn trăn trở, đau đáu tìm lối đi riêng chính là câu hỏi vì sao người dân lại lãng quên "kho báu" kinh nghiệm mà tổ tiên để lại?. Rồi ông quyết định sẽ trồng hồ tiêu bằng phương pháp hữu cơ, bởi chỉ có bằng cách này, nghĩa là chọn con đường sản xuất nông nghiệp xanh mới có thể phát triển bền vững.
Con đường "Xanh" không bằng phẳng
Vậy là ông tự bật "công tắc" trong đầu mình dù biết rằng khó khăn đang chờ trước phía trước. Ông bắt tay gây dựng cánh đồng trồng tiêu hữu cơ trên diện tích 6ha và tự nhủ sẽ dùng những sản phẩm sạch, chất lượng để thu hút khách hàng và từng bước thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, người dân về sản xuất hữu cơ.
Theo ông Sơn, vùng Tây Nguyên với đất đỏ bazan màu mỡ, khí hậu thích hợp cho việc phát triển cây hồ tiêu. Tuy nhiên, người dân mình lại không biết “xài” những thứ có sẵn đó để phát triển và xây dựng thương hiệu cho cây hồ tiêu. Đó là điều đáng tiếc!
“Song tôi nghĩ, dù muộn còn hơn không, vấn đề nằm ở chỗ phải biết cách làm thế nào để người dân thấy sản xuất tiêu theo hướng sạch, hữu cơ. Đây là con đường duy nhất để giải quyết những khó khăn, nhất là đưa tiêu xuất khẩu ra thị trường thế giới”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, con đường màu xanh hữu cơ không hề dễ dàng. Nhiều người hay nói: Ghét ai thì… xúi người đó làm nông nghiệp hữu cơ. Vì người ta biết việc làm nông nghiệp hữu cơ dễ thất bại vì không có nhiều sự hỗ trợ, canh tác không tránh khỏi sâu bệnh... Nhiều người làm một thời gian cũng phải quay trở lại làm nông nghiệp vô cơ.
Ông Trần Quang Sơn bên sản phẩm tiêu hữu cơ. |
Chấp nhận mất mát, thiệt thòi, ông vẫn kiên trì áp dụng biện pháp sinh học, tức là dùng vi sinh vật phân hủy phân động vật (heo, gà, bò…) bón cho cây. Khi thu hoạch xong, ông tiếp tục bù một lượng phân để cây phục hồi, chứ không thể ép tiêu ra tiếp lứa mới ngay lập tức.
Nhờ thấm nhuần những triết lý trong sản xuất hữu cơ, cánh đồng tiêu của ông đã trở thành một nông trại tuần hoàn theo đúng quy luật tự nhiên. Ở đó, không chỉ có cây tiêu xanh tốt, ra trái đúng mùa, không bị dịch bệnh mà con người cũng cảm thấy vui và có trách nhiệm với những gì mình đang làm.
Lựa chọn của ông dần thu hút được người dân trên địa bàn xã Nam Yang. Mọi người cùng nhau thành thành lập tổ liên kết, sau đó, phát triển thành HTX nông nghiệp dịch vụ Nam Yang. Đến nay, HTX có 16ha được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn của Mỹ.
Giữ sắc tiêu đỏ
Là người chịu khó học hỏi và quan sát, ông Sơn nhận thấy, thông thường, tiêu khi chín đều có màu đỏ nhưng khi trải qua quá trình phơi khô thì đều chuyển sang màu đen. Chuyện sản xuất hạt tiêu đen quá quen thuộc với người dân và người tiêu dùng nên khó khẳng định được thương hiệu. Nhất là khi nguồn cung vượt ngưỡng cầu, nếu không có sản phẩm độc đáo, mang tính bứt phá thì người dân khó cạnh tranh trên thị trường.
Để tìm cơ hội cho chính mình, ông quyết định sản xuất hạt tiêu đỏ chất lượng cao vì đây vốn là dòng sản phẩm đắt tiền, chỉ chiếm 1% sản lượng hồ tiêu thế giới. Nếu thành công, sản xuất tiêu đỏ chính là hướng đi giúp người dân cải thiện thu nhập.
Theo ông Sơn, thực chất đã có nơi sản xuất hồ tiêu đỏ bằng cách ngâm tiêu chín trong dung môi bảo quản. Cách làm này tuy nhanh nhưng không giữ được mùi vị đặc trưng. Thay vào đó, ông nghĩ đến việc tạo ra một chiếc máy sấy nhằm giữ được hương vị và màu sắc của hạt tiêu chín cây.
Nghĩ là làm, đầu tiên, ông thực hiện theo cách “làm tới đâu, hay tới đó”, nếu hư thì làm lại. Ông góp nhặt các vật dụng, những linh kiện từ những máy móc cũ rồi kết hợp với những chiếc bóng đèn của tia hồng ngoại để tạo thành máy sấy. Tuy nhiên, do tranh thủ thời gian nên việc nghiên cứu máy móc hơn một năm vẫn chưa đi vào đâu. Nhiều lúc nản, ông nghĩ hay là bỏ đi?
Tuy nhiên, được sự động viên của người thân, ông tiếp tục tháo ra, lắp vào những thanh sắt, bóng đèn, hệ thống điện... Sự nhiệt huyết giúp ông quên cả ngày đêm để hoàn thành sản phẩm. Sau những tháng ngày mày mò sáng chế, ông đã thiết kế thành công chiếc máy sấy tiêu sạch bằng tia hồng ngoại.
Bên ngoài chiếc máy được làm bằng những tấm sắt được phủ lớp chống rỉ, bên trong là hệ thống đèn và các khay dùng để đặt tiêu. Do được lắp đặt chế độ hẹn giờ nên khi tiêu khô, máy sẽ tự động ngắt.
Tiêu đỏ có màu sắc bắt mắt khi sấy bằng máy hồng ngoại. |
Nhờ sự quyết tâm đến cùng, con đường mà ông vạch ra đã đến được vạch đích. Chiếc máy sấy tiêu sạch sử dụng ánh sáng hồng ngoại vẫn giữ được vị ngọt và màu đỏ của vỏ, vị cay nồng đặc trưng của hạt tiêu. Thành phẩm hạt tiêu vì vậy cũng bắt mắt và giữ hương vị hơn.
Điều tâm đắc nhất của “nhà sáng chế” Trần Quang Sơn là có thể phân biệt được tiêu vô cơ và tiêu hữu cơ thông qua quá trình sấy. Tiêu vô cơ, tiêu có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, qua nhiệt của bóng hồng ngoại thì màu đỏ sẽ “xỉn” hơn so với tiêu hữu cơ.
Nếu chiếc máy sấy tiêu ở ngoài thị trường có giá vài chục triệu đồng thì đối với chiếc máy này, giá chỉ từ 5-10 triệu đồng. Nhờ đó, nhiều người đã tìm đến ông Sơn để đặt mua về phục vụ sản xuất. Hiện, ông đang làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu độc quyền để thuận lợi hơn trong khâu thương mại hóa, giúp người dân nâng cao chất lượng nông sản, đặc biệt là chất lượng hồ tiêu.
Đáng chú ý, ngay cả khi thị trường tiêu đang trầm lắng do cung vượt cầu, giá hồ tiêu xuống thấp thì tiêu do ông Trần Quang Sơn sản xuất nói riêng và của các thành viên HTX Nam Yang không hề rơi vào cảnh tồn kho. Giá tiêu hữu cơ, đặc biệt tiêu đỏ cao gấp 3-4 lần so với tiêu thường, nhưng làm ra đến đâu bán hết đến đó. Đặc biệt, tiêu của HTX đã được thị trường Pháp chấp nhận.
Sắc đỏ của tiêu hữu cơ cũng chính là màu may mắn mỗi khi Tết đến xuân về nên ông Sơn hi vọng đây sẽ là tín hiệu vui giúp người trồng tiêu gặt hái hái được những thành công trong năm tới.
Huyền Trang