Theo đại diện UBND huyện, thời gian qua, Định Hóa đã triển khai hỗ trợ người dân, các HTX xây dựng các mô hình sản xuất rau an toàn theo công nghệ mới. Sau một thời gian đi vào hoạt động, những mô hình này từng bước khẳng định được tính ưu việt trong sản xuất.
Ứng dụng công nghệ cao
Đến thăm mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của HTX Nông sản an toàn ATK Định Hóa (xã Phượng Tiến) với diện tích nhà màng của HTX lên tới 8.000m2, ai cũng thấy rõ sự đổi mới trong tư duy của các thành viên.
Anh Hoàng Đình Lập, Giám đốc HTX chia sẻ trước đây, gia đình anh sản xuất theo phương pháp thông thường nên phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết. Mỗi khi nắng nóng, mưa bão, sương muối, các loại cây trồng sinh trưởng, phát triển kém và phát sinh nhiều sâu bệnh, dẫn đến năng suất và sản lượng thấp. Được sự hỗ trợ của huyện, năm 2019, gia đình quyết định chuyển sang mô hình trồng dưa lê siêu ngọt, dưa lưới, dưa chuột trong nhà màng.
Khu vực nhà lưới trồng dưa lê siêu ngọt của HTX. |
Nhà màng được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm kết hợp bón phân sinh học, ngoài ra, HTX còn thả thêm ong để giúp hoa thụ phấn.
Nhờ đó, các loại cây trồng ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết và cho năng suất tốt hơn hẳn. Ngay từ lứa đầu tiên, sản lượng dưa tăng 30-40% so với trồng dưới điều kiện tự nhiên. Do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nên hoàn toàn không ô nhiễm môi trường. Các loại dưa trồng trong nhà màng đảm bảo các chỉ tiêu an toàn và được người tiêu dùng ưa chuộng. Nhiều đơn vị còn đặt hàng trước khi sản xuất.
Anh Hoàng Đình Lập cho biết HTX có thể thu về trên 10 tấn dưa các loại/vụ. Ngoài ra, các thành viên còn cung cấp ra thị trường khoảng 1,5-2 tấn rau củ/tháng. Mặt hàng này cũng được bà con rất ưa chuộng do HTX áp dụng quy trình sản xuất an toàn, hiện đại.
Đẩy mạnh canh tác an toàn, hữu cơ
Định Hóa là huyện miền núi, tuy điều kiện tự nhiên phù hợp để phát triển nông nghiệp nhưng do thói quen nên việc lạm dụng thuốc BVTV khiến nông sản gặp khó khi xây dựng thương hiệu. Môi trường, sức khỏe nhân dân cũng bị đe dọa.
Theo cán bộ chuyên môn của địa phương, ở một số xã, do không tuân thủ đúng quy trình, khuyến cáo của các cơ quan chức năng nên một lượng lớn thuốc BVTV đã tồn đọng trong môi trường đất, làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, hoạt động của vi sinh vật có ích khiến đất đai bị suy kiệt.
Nhìn nhận được mối nguy hại đến môi trường từ nguồn tồn dư thuốc BVTV, phân hóa học, chất xả thải…, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường. Tại hầu hết các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung tại các xã đều được khuyến cáo để giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, không sử dụng các thuốc ngoài danh mục, nông dân dần chuyển đổi sang phương thức canh tác an toàn, hữu cơ, sinh học.
Các thành viên HTX Kim Phượng chăm sóc rau an toàn. |
Hiện nay, ngoài HTX sản xuất nông sản an toàn ATK Định Hóa, còn có các mô hình sản xuất bền vững khác như: HTX Chăn nuôi sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng, HTX nông nghiệp Quyết Thắng… Các HTX này đã thực hiện sản xuất theo hướng VietGAP, đa dạng các loại hình sản xuất nhằm tận dụng các nguồn phế phụ phẩm.
Ông Hứa Văn Tú, thành viên HTX Kim Phượng cho biết, canh tác theo quy trình VietGAP đã giúp giảm thiểu việc dùng phân bón, thuốc trừ sâu. Từ đó, người dân tiết kiệm được chi phí đầu tư và bảo vệ sức khỏe, môi trường hơn.
Theo đại diện Phòng NN&PTNT huyện, những năm gần đây, ngoài việc khuyến khích người dân, HTX phát triển các sản phẩm nông sản an toàn, huyện Định Hóa còn hỗ trợ trực tiếp các mô hình xây dựng nhà màng để thực hiện sản xuất theo chuỗi.
Trong thời gian tới, Phòng NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu với UBND huyện để có những cơ chế, chính sách thuận lợi hơn nữa, kịp thời đến với các hộ dân, HTX sản xuất nông sản an toàn. Bên cạnh đó, những sản phẩm có chất lượng, đặc trưng của địa phương cũng sẽ được hỗ trợ để phát triển thành sản phẩm OCOP.
Huyền Trang