Tháng 1/2017, HTX chè an toàn Thanh Hà được thành lập, với mục tiêu thay đổi công nghệ sản xuất, xây dựng thương hiệu chè chất lượng cao. Vào HTX, toàn bộ quy trình chăm bón, thu hoạch chè của các thành viên, hộ liên kết được thay đổi, sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Khẳng định tên tuổi
Ông Lê Xuân Thanh - Phó Giám đốc HTX cho biết: “HTX đang phát triển 18ha chè an toàn, năng suất bình quân đạt trên 20 tấn/ha, tổng sản lượng đạt hơn 300 tấn/năm. Không chỉ tạo lợi ích cho thành viên, hộ liên kết, HTX đang góp phần thay đổi phương thức sản xuất, nâng tầm thương hiệu của cả làng nghề”.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đang đẩy mạnh quá trình cơ giới hóa gắn với an toàn lao động (ATLĐ), nâng cao chất lượng sản phẩm. Với nguồn lực tự thân và sự hỗ trợ từ địa phương, HTX đang đầu tư mạnh cho công nghệ chế biến, đóng gói, thiết kế mẫu mã.
Các thành viên và hộ liên kết được hỗ trợ để đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới, với nhiều máy móc hiện đại như máy vò, máy quay, máy sao... góp phần giải phóng sức lao động, đảm bảo ATLĐ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, gia tăng lợi nhuận.
Nhờ sản xuất an toàn, nhiều năm qua, làng nghề chè Thanh Hà luôn đảm bảo tốt các tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng với trồng và chế biến chè, các dịch vụ vận tải, ươm cây giống... cũng góp phần giúp thương hiệu “chè Thanh Hà” ngày càng khẳng định tên tuổi trên thị trường.
Thương hiệu chè Thanh Hà ngày càng được khẳng định nhờ sản xuất an toàn |
Nâng tầm thương hiệu
Chị Vũ Thị Phượng – thành viên liên kết của HTX chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 1ha chè PH1, LDP2... Vào HTX, tôi được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về trồng, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng quy trình chăm sóc theo đúng kỹ thuật, đảm bảo ATLĐ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường”.
“Sản xuất thuận lợi, chúng tôi tự tin mở rộng sản xuất, đầu tư mua máy hái chè, sao chè, máy vò... để tiết kiệm công lao động, nâng cao năng suất. Sản phẩm chè khô làm ra đảm bảo an toàn, chất lượng cao, được thị trường đón nhận, doanh nghiệp về tận nhà thu mua với giá 250.000 - 300.000 đồng/kg”, chị Phượng tiếp tục.
Dưới sự dẫn dắt của HTX, sự đoàn kết của người trồng chè và sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, tháng 4/2018, làng nghề chế biến chè Thanh Hà chính thức được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận làng nghề an toàn.
Bà Đinh Thị Kiều An – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Sơn cho biết: “Huyện đang dành nhiều sự quan tâm cho việc xây dựng thương hiệu chè Thanh Sơn, bắt đầu từ việc xây dựng thương hiệu chè an toàn chất lượng cao ở Thanh Hà”.
Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực hỗ trợ người trồng chè mở rộng diện tích, nâng cao công nghệ sản xuất, chế biến nhằm nâng cao chất lượng, đồng thời đưa sản phẩm chè của HTX tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại.
“Để xây dựng được thương hiệu, bên cạnh cải tiến mẫu mã, HTX chè Thanh Hà cần phát triển sản xuất bền vững, an toàn, kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng, tổ chức nghiên cứu, phối trộn các giống chè khác nhau nhằm tạo ra sản phẩm chè ngon, tạo ấn tượng với người tiêu dùng”, bà An nhấn mạnh.
Đức Huy