Cây ăn quả là hướng đi mới ở Ia Bă |
Chuyển đổi cây trồng
Sau nhiều năm gắn bó với cây cà phê, năm 2015, gia đình anh Đặng Văn Tâm (thôn Chư Hậu 6) quyết định chuyển đổi hơn 4 ha diện tích cà phê năng suất thấp sang trồng cây ăn quả.
Nhờ chú trọng sản xuất an toàn, mô hình cây ăn quả của anh Tâm đang phát triển ổn định và cho hiệu quả vượt trội. Chanh tứ quý đang là loại cây chủ lực được anh Tâm triển khai hơn 2.000 cây, còn lại là bơ với hơn 500 cây, sầu riêng 300 cây, mít 200 cây, bưởi và na thái mỗi loại hơn 100 cây…
“Hiện, bình quân mỗi năm cây chanh đem lại cho gia đình tôi khoảng 400 triệu, các loại khác khoảng 100 triệu. Việc triển khai nhiều loại cây giúp tôi đảm bảo sự đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng được mùa mất giá”, anh Tâm chia sẻ.
Đáng chú ý, khác với khi trồng cà phê, khi triển khai mô hình trồng cây ăn quả, anh Tâm đã nghiên cứu, cập nhật quy trình sản xuất an toàn, tuân thủ nghiêm các quy định trong quá trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, các quy định về an toàn lao động (ATLĐ).
Đơn cử, trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, anh Tâm lựa chọn các loại thuốc trong danh mục cho phép, tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng liều lượng, đúng loại, đúng thời gian, đúng cách). Khi phun thuốc, anh Tâm trang bị đầy đủ các dụng cụ bảo hộ (găng tay, khẩu trang, ủng…) để tránh ảnh hưởng sức khỏe, đảm bảo ATLĐ.
Thành công của gia đình anh Tâm là một trong nhiều điểm sáng trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng an toàn trên địa bàn Ia Bă. Bên cạnh cây ăn quả, nhiều mô hình cũng cho hiệu quả cao như cà tím Nhật, chanh dây, sachi, khoai lang…
Các mô hình sẽ được phát triển theo hướng an toàn |
Tăng cường liên kết
Số liệu thống kê cho thấy toàn xã Ia Bă đang có hơn 153 ha cây ăn quả, 30 ha khoai lang, 27 ha chanh dây. Người dân đã chuyển đổi thành công hơn 57 ha hồ tiêu bị chết, năng suất thấp sang trồng các loại cây khác.
Ông Puih Hláo – Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Những năm qua, để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, xã đã khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, trồng dâu nuôi tằm theo hướng hàng hóa, chú trọng ATLĐ, vệ sinh thực phẩm…”.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả, phong trào liên kết trong sản xuất được các hộ sản xuất trên địa bàn xã đẩy mạnh. Kết quả, nhiều nhóm hộ, tổ hợp tác được hình thành, dẫn dắt thành viên phát triển sản xuất theo hướng an toàn, hiệu quả.
Điển hình như Tổ hợp tác trồng cây ăn quả thôn Thanh Bình, đang thu hút 16 thành viên, sản xuất trên tổng diện tích hơn 28 ha. Bên cạnh các hoạt động trao đổi kỹ thuật, hoàn thiện sản xuất, Tổ hợp tác đang đẩy mạnh quảng bá để khẳng định chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Anh Lê Văn Lực – Tổ trưởng Tổ hợp tác, cho hay: “Trong quá trình sản xuất, để đảm bảo hiệu quả bền vững, các thành viên của Tổ luôn chú trọng quy trình sản xuất an toàn, quy định về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, nhằm năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện, Tổ đang thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu, gắn tem truy xuất cho sản phẩm”.
Việc liên kết hình thành các HTX, tổ hợp tác, nhóm hộ là bước đi thông minh giúp các hộ sản xuất trên địa bàn xã Ia Bă tự tin phát triển sản xuất hiện đại gắn với ATLĐ, đồng thời nâng cao nội lực, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Sáu Ngạn