Gà bản địa thả vườn là loại gà kiến địa phương hoặc gà lai giữa mẹ là giống lương phượng, tam hoàng với bố là gà kiến địa phương. Gà được chăn nuôi thả vườn, đồi và cho ăn lúa, hạt bắp xay nên cho thịt rất thơm ngon, an toàn sinh học, được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
Mở rộng thị trường nhờ tham gia THT
Thời gian trước, ở xã Hòa Phong chỉ có ông Huỳnh Truyền (thôn Cẩm Toại Trung) là có “thâm niên” trên 10 năm nuôi gà thả vườn theo kiểu nông dân. Vì đất đai nhỏ hẹp, ông đã mua 2 máy ấp trứng thủ công loại nhỏ đặt ngay trong nhà, mày mò tìm hiểu kỹ thuật làm sao cho trứng nở đạt tỷ lệ cao.
Máy ấp trứng có công suất cao, giúp nhân giống gà bản địa thả vườn nuôi theo hướng an toàn sinh học để đáp ứng yêu cầu thị trường (Ảnh: TL) |
Tháng 4/2017, xã Hòa Phong thành lập THT Gà Kê Sơn, ông Truyền là một trong 6 thành viên của THT. Tới tháng 11/2017, ông được Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thành phố hỗ trợ 50% để mua 1 máy ấp trứng tự động công suất 500 quả, trị giá 10 triệu đồng. Từ đó đã giúp ông yên tâm trong sản xuất gà giống con.
Hiện nay, mỗi tháng, ông Truyền xuất 4 đợt gà giống, mỗi đợt 200 con. Từ khi tham gia THT, ông mở rộng được thị trường qua các thành viên của tổ nên bán được số lượng nhiều hơn.
Ngoài cung cấp gà giống, các thành viên trong THT còn nuôi gà thương phẩm. Các hộ nuôi gà đều mở sổ ghi chép về chế độ thức ăn, tiêm vắc xin... Tổ trưởng Nguyễn Hồng Thuyên đứng ra thu mua gà của các thành viên, tổ chức giết mổ có chứng nhận của thú y, đóng gói bao bì đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT và Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm thành phố, người dân nắm được cơ bản về chăm sóc, nuôi dưỡng gà, bảo đảm gà sạch. Hàng năm, các thành viên trong THT cấp ra thị trường gần 5.000 gà thịt thương phẩm, trên 15.000 gà giống.
Phát triển nghề nuôi gà đồi
Đến với mô hình chăn nuôi gà ở nhà chị Đặng Thị Trần Lịch (xã Hòa Phú). Nhà chị Lịch nằm bên quốc lộ 14G (đường ĐT 604 cũ), sau nhà, một bên là ngọn đồi nhỏ, một bên là đất thấp trũng quanh năm ẩm ướt. Chị đã thuê xe cơ giới cạp bớt một vạt đồi, đem đất lấp xuống chỗ trũng, tạo điều kiện thích hợp cho việc nuôi “gà đồi”.
Chị Đặng Thị Trần Lịch đang chăm sóc đàn gà của mình (Ảnh: TL) |
Ở đây, chị cho gà ăn bắp, lúa, rau muống, chuối... Đặc biệt, lúa chị cất công nấu nở ra búp hoặc ngâm nước cho nẩy mầm. "Gà ăn những thức này không ngon mới lạ", chị Lịch cười nói.
Thêm vào đó, chị còn sắm một máy ấp trứng mi-ni được gần 5 năm nay. Không chỉ chủ động được giống gà, mà còn cung cấp cho bà con xa gần có nhu cầu.
Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến ngư-nông-lâm, chị là một trong 11 hộ ở hai xã Hòa Phong và Hòa Phú được hỗ trợ triển khai mô hình chăn nuôi gà đồi, gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học và hỗ trợ cho chị một máy ấp trứng tự động công suất 500 quả.
Theo tính toán, nuôi 100 con gà theo hình thức thả đồi, thả vườn thì trong 4, 5 tháng thu lãi khoảng trên 3 triệu đồng.
Từ hiệu quả bước đầu của các mô hình nhân giống gà địa phương quy mô nông hộ, chăn nuôi gà địa phương thả đồi, vườn theo hướng an toàn sinh học, xã Hòa Phú đã thành lập THT chăn nuôi gà địa phương.
THT ra đời đã tạo cơ sở ban đầu nhằm hỗ trợ các hộ chăn nuôi là thành viên THT trong khâu cung cấp con giống gà địa phương, chia sẻ kinh nghiệm trong kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm…
Việc hình thành 2 THT này đã góp phần phát triển nghề nuôi gà đồi, gà thả vườn bằng con giống địa phương có khả năng thích nghi tốt, khả năng đề kháng bệnh cao, chất lượng thịt, trứng thơm ngon, giá trị kinh tế cao thích hợp với điều kiện chăn nuôi nông hộ khai thác tốt lợi thế diện tích vườn, đồi trong kinh tế hộ hiện nay tại các xã trung du, miền núi.
Bên cạnh đó đã tạo thu nhập, giải quyết việc làm tạo nguồn cung cấp sản phẩm chăn nuôi tại chỗ có chất lượng, giá trị kinh tế cao cho thị trường tiêu thụ sản phẩm gia cầm của thành phố.
Nhật Nam