Năm 2023, Ba Vì phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022, thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, hạn chế tối đa hộ nghèo phát sinh, không để hộ tái nghèo.
Phát triển HTX từ mô hình công nghệ cao
Hết năm 2022, toàn huyện hiện có 118 HTX đang hoạt động, trong đó có 16 HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 10 HTX ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và 18 HTX được cấp các loại giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn hoạt động có hiệu quả đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn, hình thành liên kết chuỗi từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Điển hình là mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao của HTX Dịch vụ sinh thái Ba Vì, xã Tản Lĩnh đã mang lại hiệu quả kinh tế, mỗi một lứa lợn thịt xuất chuồng, HTX thu về khoảng 30 tỷ đồng.
![]() |
Các HTX ở Ba vì đã thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của sản xuất hàng hóa. |
Việc chăn nuôi công nghệ cao đã làm thay đổi cả phương thức sản xuất truyền thống, đem lại sự đa dạng về chủng loại và tăng chất lượng, đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu. Ngoài ra, còn giảm được chi phí công lao động như tưới nước thủ công, phòng trừ bệnh cho vật nuôi.
Quan trọng hơn, sự thành công của các mô hình HTX với sự liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài đã chứng minh cho mục tiêu chăn nuôi chất lượng cao, đáp ứng được sự mở rộng mô hình chăn nuôi trong sự hội nhập nhằm tăng giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Nên, Giám đốc HTX cho hay, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao là một giải pháp quan trọng, một hướng đi đúng cần được nhân rộng trên quy mô cả nước để tạo ra sự chuyển đổi căn bản của nền nông nghiệp Việt Nam.
Từ đó tạo ra hiệu quả kinh tế, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, đáp ứng kịp thời các yêu cầu của sản xuất hàng hóa. Đồng thời, là cơ sở cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống người dân.
Đời sống vật chất, tinh thần được nâng cao
Hiện Ba Vì đang tập trung phát triển kinh tế tập thể, HTX, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu kinh tế, phát huy những mô hình kinh tế trọng điểm. Theo đó, huyện xác định Chương trình OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn hoạt động có hiệu quả đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn, xóa đói, giảm nghèo.
Nằm dưới chân núi Tản Viên, xã Ba Vì là xã duy nhất ở Hà Nội có người Dao sinh sống. Những năm gần đây, cây dược liệu được chính quyền địa phương đưa vào quy hoạch phát triển và mở rộng diện tích trồng. Hướng đi đúng đắn này đang mở ra cơ hội xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương.
HTX Nam dược Tản Viên Sơn, thôn Bát Đầm, xã Tản Lĩnh đã liên kết với một số hộ dân trên địa bàn xã Ba Vì và một số xã lân cận của huyện Ba Vì trồng và phát triển sản xuất cây dược liệu.
Chị Lý thị Hiền, thành viên HTX đang thoăn thoắt chuẩn bị những bài thuốc gia truyền phục vụ khách hàng thủ đô. Vừa bốc thuốc, chị kể, hàng ngày, chồng và hai con của chị vào rừng hái thuốc. Chị ở nhà chế biến, bốc thuốc cho khách thập phương. Vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm, gia đình chị đã xây được căn nhà mới khang trang.
Không chỉ chị Hiền, rất nhiều người Dao sống dưới chân núi Tản Viên đã có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ nghề bốc thuốc nam truyền thống được lưu giữ hàng trăm năm nay.
Để phát huy tiềm năng lợi thế, tạo ra được các sản phẩm chất lượng tốt từ đinh lăng, góp phần phát triển kinh tế của địa phương,
![]() |
Hiện Ba Vì đang tập trung phát triển kinh tế tập thể, HTX, phát huy những mô hình kinh tế trọng điểm. |
Chị Lăng Thị Châm, Giám đốc HTX Nam dược Tản Viên Sơn chia sẻ, HTX đã đầu tư nhà máy sản xuất thuốc nam hiện đại, đạt tiêu chuẩn (GMP), làm ra nhiều sản phẩm là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, các loại trà thảo dược, mỹ phẩm dược liệu… từ các bài thuốc nam cổ truyền người Dao.
Các sản phẩm OCOP 4 sao của HTX là Trà Bổ Thận, Cao Dưỡng Khớp, Bổ Phế, Nước rửa vùng kín An nữ nhi, Dầu gội từ thảo dược An nữ nhi.
Nhờ đó góp phần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm, thuốc của các thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có nguồn tiêu thụ dồi dào, mang lại lợi ích cho bà con trong xóa đói, giảm nghèo, từng bước tiến tới làm giàu.
Với sự hỗ trợ của các sở, ngành thành phố Hà Nội và huyện Ba Vì, đến nay các hộ dân đều đã biết đóng gói bao bì, in nhãn mác, truy xuất nguồn gốc. Một số nghệ nhân đã tiếp cận được với các kênh bán hàng trực tuyến (online), livestream và liên kết với các nhà thuốc để đưa sản phẩm thuốc Nam (chủ yếu là dạng cao) vào tiêu thụ…
Dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong bảo tồn và phát triển, Ba Vì xác định nghề thuốc Nam vẫn sẽ là lĩnh vực kinh tế quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả hơn chương trình xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.
Thời gian tới, Ba Vì sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ những tổ chức, cá nhân mở rộng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh hoạt động sơ chế, chế biến cây thuốc Nam nhằm tạo ra những sản phẩm tiện lợi, phù hợp thị hiếu tiêu dùng và đòi hỏi của thị trường. Từ đó góp phần cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Dao.
Hiệu quả từ chính sách hỗ trợ
Theo bà Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, số hộ nghèo, cận nghèo hiện tập trung chủ yếu ở vùng xa trung tâm, vùng khó khăn, nên mục tiêu giảm nghèo bền vững càng khó thực hiện.
Hiện khu vực nông thôn của Hà Nội vẫn còn gần 29.000 hộ cận nghèo với. Một số địa phương có số hộ cận nghèo còn cao như: Ba Vì, Phú Xuyên, Ứng Hoà, Thạch Thất, Chương Mỹ… Trong đó, huyện Ba Vì là địa phương có số lượng hộ nghèo lớn nhất.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, huyện đã hoàn thành nhiều đồ án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi. Đây là cơ sở, điều kiện quan trọng để phát triển tổng thể kinh tế - xã hội một cách toàn diện, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế tại các xã miền núi đạt hơn 10%/năm. Công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số được các cấp, ngành của huyện triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả.
Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2008 lên 55,6 triệu đồng người/năm năm 2022; thu nhập bình quân đầu người 7 xã miền núi là 50,1 triệu đồng/người. Trong đó, xã Tản Lĩnh có sự bứt phá về thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 55,2 triệu đồng, tăng gấp 2,55 lần so với năm 2008.
“Song song đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, các xã miền núi Ba Vì tập trung thực hiện tốt công tác giảm nghèo. Nhờ vậy, huyện Ba Vì tiếp tục giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh”, ông Đỗ Quang Trung chia sẻ.
Hoàng Hằng