Nhơn Sơn là xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi của huyện Ninh Sơn, là nơi sinh sống của 11 dân tộc. Kinh tế chủ yếu ở xã là sản xuất nông nghiệp với diện tích 2.279,83 ha. Hiện nay địa phương này cũng là một điểm sáng của huyện về phát triển kinh tế hợp tác theo hướng liên kết chuỗi.
Nhìn từ điểm sáng Nhơn Sơn
Cách đây 3 tháng, tại xã Nhơn Sơn đã ra mắt HTX Yến sào Nam Dương Ninh Thuận. Ban đầu có 7 thành viên, tổng số vốn góp là 1 tỷ đồng. Ngành nghề hoạt động chủ yếu của HTX là thu mua yến thô, sơ chế chế biến sản phẩm từ tổ yến, cung cấp thiết bị nhà nuôi chim yến, liên kết các cơ sở sơ chế chế biến tổ yến, tư vấn kỹ thuật xây dựng nhà nuôi chim yến và kỹ thuật nuôi chim yến.
Nhơn Sơn đang là điểm sáng của huyện Ninh Sơn về phát triển kinh tế hợp tác theo hướng liên kết chuỗi. |
Còn hồi tháng 3/2023, tại thôn Lương Cang 2, xã Nhơn Sơn đã ra mắt HTX dịch vụ và chăn nuôi Nhơn Sơn, gồm 9 thành viên với tổng số vốn điều lệ là 1 tỷ đồng, hoạt động ở 2 nhóm sản xuất kinh doanh: Chăn nuôi (bò, dê, cừu, gia cầm, chế biến, bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt, chế biến thức ăn chăn nuôi) và trồng trọt (trồng, mua bán các loại cây trồng, hoạt động dịch vụ sau thu hoạch, bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất khác sử dụng trong nông nghiệp).
Hoạt động của HTX này hướng tới mục tiêu tạo việc làm cho một số lượng người dân của địa phương, liên kết để hướng dẫn, chuyển giao con giống, tiến bộ khoa học kỹ thuật và đầu tư; tạo ra khối lượng lớn sản phẩm đạt năng xuất, có chất lượng cao trên cơ sở quản lý và giám sát tốt các công đoạn từ khâu tổ chức sản xuất, chăm sóc đến tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, HTX dịch vụ và chăn nuôi Nhơn Sơn có chiến lược nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm so với canh tác nông nghiệp, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra tốt nhất cho các thành viên. Đồng thời 100% sản phẩm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, có nguồn gốc rõ ràng sẽ được HTX tiêu thụ qua hợp đồng và có nguồn gốc rõ ràng.
Ngoài ra, nói đến xã Nhơn Sơn còn phải nhắc đến HTX Nho táo Nhơn Sơn. HTX này được thành lập cách đây 4 năm, hiện đang liên kết với một doanh nghiệp tại Tp.HCM sản xuất táo theo hướng an toàn, VietGAP, quy mô 5 ha, năng suất bình quân đạt 35 tấn/ha/vụ. Hoặc có thể kể thêm Tổ hợp tác sản xuất lúa giống thôn Lương Tri ở xã Nhơn Sơn đang liên kết với doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất lúa giống.
Khẳng định được vai trò của HTX, tổ hợp tác
Từ việc phát triển kinh tế hợp tác như trên, tin rằng sẽ có nhiều đóng góp quan trọng hơn nữa vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tính đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều và hộ cận nghèo đa chiều của toàn xã Nhơn Sơn chỉ còn chiếm 2,65%. Thu nhập bình quân đầu người ở xã hồi năm trước đạt 52,4 triệu đồng/năm. Xã Nhơn Sơn đã được UBND tỉnh Ninh Thuận công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Chăn nuôi cừu giúp người dân Ninh Sơn nâng cao đời sống. |
Thời gian tới, với mục tiêu phấn đấu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã Nhơn Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác để không còn hộ nghèo. Nhất là phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả với sự góp sức của các HTX, tổ hợp tác nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với địa phương nêu trên, trong những năm qua, các địa phương khác trên địa bàn huyện Ninh Sơn đã từng bước khẳng định được vai trò của HTX, tổ hợp tác trong việc kết nối, tạo dựng uy tín, giúp các hộ thành viên nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế.
Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, chính quyền huyện Ninh Sơn đã triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo tại địa phương đều giảm.
Trong năm 2023, huyện Ninh Sơn chú trọng đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ nông nghiệp cơ sở để hỗ trợ người dân quản lý sản xuất, quản trị doanh nghiệp, đẩy nhanh hình thành các tổ nhóm liên kết sản xuất, các HTX nông nghiệp.
Đặc biệt là đẩy mạnh phát triển xây dựng các mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ nhóm, HTX sản xuất để chuyển đổi hình thức sản xuất tiêu thụ thụ động sang sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng. Huyện cũng xây dựng mô hình liên kết chuỗi theo chiều dọc từ cung cấp vật tư đầu vào, quy trình sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm.
Bên cạnh đó, Ninh Sơn còn tăng cường liên kết trong khu vực kinh tế hợp tác để thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sản xuất an toàn theo VietGap, GlobalGap... đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng của đơn vị tiêu thụ sản phẩm.
Hiện tại, Ninh Sơn có 75 chuỗi liên kết với trên 50 tác nhân tham gia gồm các doanh nghiệp, hộ dân sản xuất và các HTX liên kết. Các xã Nhơn Sơn, Mỹ Sơn, Lâm Sơn, Lương Sơn, Quảng Sơn, Hòa Sơn và thị trấn Tân Sơn là địa phương thực hiện tốt liên kết sản phẩm của các khâu sản xuất, tiêu thụ, chế biến với các sản phẩm chủ lực: Lúa, bắp, táo, ớt, lợn.
Hiệu quả liên kết chuỗi
Điển hình về liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác và HTX ở Ninh phải kể đến mô hình sản xuất lúa giống của CTCP giống cây trồng Đông Nam liên kết với Tổ hợp tác Tổ 5 (ở xã Mỹ Sơn), Tổ hợp tác sản xuất lúa giống thôn Lương Tri (ở xã Nhơn Sơn) sản xuất với diện tích khoảng 350 ha, năng suất lúa bình quân 65-70 tạ/ha, sản lượng khoảng 2.750 tấn. Hoặc như mô hình sản xuất lúa thương phẩm của Công ty Lộc Trời liên kết với HTX Tân Lập 2 (ở xã Lương Sơn) với diện tích 50 ha, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, sản lượng đạt khoảng 350 tấn.
Phát triển liên kết chuỗi giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác và HTX giúp người dân Ninh Sơn thoát nghèo bền vững. |
Hay như mô hình sản xuất bắp nhân giống giữa CTCP giống cây trồng Đông Nam liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mỹ Sơn, quy mô 250 ha, năng suất bình quân đạt 65-70 tạ/ha, sản lượng 1.750 tấn. Ở huyện còn có 28 mô hình liên kết sản xuất trong chăn nuôi lợn luôn ổn định và duy trì bình quân 3 lứa/năm với lượng tổng đàn trên 28.000 con.
Xác định sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Ninh Sơn đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, ổn định tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân, hướng đến về đích huyện nông thôn mới trước năm 2025.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Ninh Sơn có hơn 20 cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi với tổng diện tích trên 200 ha; cho hiệu quả kinh tế trên 1 ha đạt 612,8 triệu đồng, tăng 7,6 lần so với sản xuất truyền thống.
Nhiều công nghệ mới, tiên tiến được áp dụng vào sản xuất như: Sản xuất trong nhà màng, nhà kín gắn với công nghệ tưới tiết kiệm nước, trồng cây trên giá thể, thủy canh, nuôi cấy mô trong sản xuất hoa; công nghệ lai tạo giống trong chăn nuôi, nuôi vỗ béo bò, dê, cừu bằng phương pháp ủ chua thức ăn; xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường bằng công nghệ khí sinh học; sử dụng các chế phẩm vi sinh trong công nghệ xử lý đệm lót sinh học.
Từ việc phát triển kinh tế hợp tác, thực hiện hiệu quả các chuỗi liên kết và ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần giúp cho đời sống người dân trong huyện Ninh Sơn ngày càng nâng lên.
Tính đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ở huyện miền núi này đã tăng lên gần 48 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hồi năm trước giảm 3%, đưa tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện xuống còn 6,39%. Mong rằng các HTX, tổ hợp tác ở vùng đất này ngày càng phát triển hiệu quả để tiếp tục kéo giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở Ninh Sơn trong thời gian tới.
Thanh Loan