Bồn bồn là một loài thực vật giống như cỏ mọc trên các đồng ruộng vào mùa mưa nhưng có phần lõi dùng làm thực phẩm. Trước đây, khi làm ruộng, người dân Tân Hưng Đông rất sợ bồn bồn bởi đây là loài sinh sôi rất nhanh và khó diệt. Nhưng nay, không ít hộ dân đã trồng bồn bồn để làm kinh tế, trong đó có các thành viên HTX Đông Hưng.
Trồng bồn bồn phục vụ chế biến
Theo Ban giám đốc HTX, trước đây, phần lớn diện tích đất trũng của địa phương được người dân tận dụng để trồng lúa nhưng không hiệu quả bởi không có đường tháo nước. Tuy nhiên, khi cấy lúa không phù hợp với vùng đất bùn lầy thì cây bồn bồn lại phát triển mạnh. Chính vì vậy, UBND xã đã hướng người dân sang trồng loài cây này. Bồn bồn trồng rất đơn giản, không cần phải tốn công chăm sóc, chỉ khi qua nhiều đợt khai thác thì bón kèm một ít phân, cho nên chi phí đầu tư gần như không đáng kể.
Anh Lê Hiền Đệ, thành viên HTX cho biết bồn bồn mỗi năm thu hoạch 7 - 8 lần, cách 1 tháng là có thể thu hoạch 1 lần. Nhà anh có 3 công đất (mỗi công bằng 1.000m2) trồng bồn bồn, mỗi tháng thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng.
Bồn bồn phát triển trong đầm lầy nên khi thu hoạch người dân phải lội xuống dưới nước. |
Để đáp ứng nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm, ngoài bán nguyên liệu thô, HTX Đông Hưng chú trọng vào khâu chế biến. Ngó bồn bồn được làm thành dưa, sau đó đóng gói và có tem truy xuất nguồn gốc. Trong quá trình sản xuất, HTX không sử dụng hóa chất tạo mùi hoặc chất tẩy trắng nhằm bảo đảm chất lượng.
Trung bình 1 kg bồn bồn tưới có giá bán ra thị trường khoảng 30 - 35 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, khi chế biến thành dưa muối, giá tăng lên là 45 - 50 nghìn đồng/kg. Nhờ sản phẩm đạt chất lượng nên đều được các nhà hàng, khách sạn ở Cà Mau, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội… đặt mua.
Trung bình mỗi ngày, HTX xuất 200 - 250kg dưa bồn bồn. HTX đang hướng dẫn người dân phát triển vùng nguyên liệu trên diện tích 30ha, thu hút 30 hộ dân tham gia. Ngoài ra, HTX còn đứng ra thu mua bồn bồn cho người dân, nhờ đó, diện tích bồn bồn của xã đã lên đến 120ha.
Nâng thu nhập, thúc đẩy nông thôn mới
Khi cây bồn bồn phát triển thì đời sống người dân cũng dần được nâng lên. Nhiều hộ đã thoát được nghèo nhờ loài cây này. Chị Nguyễn Mỹ Liêm (xã Tân Hưng Đông) cho biết, gia đình chị hiện có 5 công bồn bồn, trung bình mỗi năm có thể thu về 70 - 80 triệu đồng.
“Trồng bồn bồn, bà con còn tận dụng được hết nguồn lao động trong gia đình tham gia vào quá trình sản xuất. Người không có đất sản xuất có thể được các hộ khác thuê nhổ bồn bồn hoặc vận chuyển, sơ chế nên thu nhập cũng ổn định”, ông Đặng Việt Hưng, Chủ tịch HĐQT HTX, cho biết.
Năm 2010, Tân Hưng Đông vẫn còn 8/12 ấp có tỷ lệ hộ nghèo từ 11% trở lên. Tuy nhiên đến nay, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống dưới 3%. Đây là điều kiện thuận lợi để xã thúc đẩy nông thôn mới.
Theo đại diện UBND xã, trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn ở mức cao nên việc huy động người dân xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn. Đến nay, xã phát huy được vai trò của mô hình kinh tế hợp tác, ngoài 2 tổ hợp tác thì HTX bồn bồn Đông Hưng góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế nông thôn.
Mới đây, HTX đưa dưa bồn bồn tham gia OCOP nhằm góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phát triển theo chuỗi giá trị gia tăng. Đó cũng là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Người dân ấp Láng Tượng (Tân Hưng Đông) xây dựng khu vườn kiểu mẫu. |
Hiện, xã Tân Hưng Đông đạt được 12/19 tiêu chí nông thôn mới. Các tiêu chí chưa đạt gồm lộ giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm. Hầu hết, các tiêu chí chưa đạt chủ yếu do thiếu nguồn vốn đầu tư, địa phương cũng đang tích cực huy động nhằm đáp ứng kịp thời các tiêu chí, nhất là đối với lĩnh vực đường giao thông nông thôn và trạm cấp nước sạch.
Còn đối với HTX Đông Hưng, dù rất hào hứng với những kết quả đã đạt được nhưng Chủ tịch Đặng Việt Hưng cũng có những lo lắng nhất định, bồn bồn của HTX Đông Hưng nói riêng, của Cái Nước nói chung đã có thương hiệu, có thị trường khá lớn. Tuy nhiên, các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu bồn bồn còn khá ít, thêm nữa phải phụ thuộc vào mùa vụ và sản lượng nguyên liệu. Những điều này là bất khả kháng và hoàn toàn bất lợi khi tham gia thị trường lớn hơn, mang tính chuyên nghiệp hơn. "Chính vì vậy, HTX rất mong nhận được sự hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để mở rộng diện tích sản xuất đi đôi với đầu tư chuyên nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm", ông Hưng nói.
Hiện, HTX hướng đến kết hợp trồng bồn bồn với nuôi cá nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Theo các thành viên, khu vực trồng bồn bồn tại địa phương là vùng ngọt hóa, rất thích hợp với việc nuôi cá đồng. Kế hoạch sản xuất của HTX nhận được sự đánh giá cao của UBND xã. Theo đó, thời gian tới, địa phương sẽ hỗ trợ nguồn con giống cho bà con, chủ yếu là cá thác lác cườm, cá rô…
Hy vọng rằng những hướng đi cụ thể của HTX Đông Hưng sẽ là một trong những lực đẩy giúp địa phương rút ngắn thời gian về đích. Vì theo UBND xã, kế hoạch xây dựng nông thôn mới kéo dài đến 2025 nhưng khi phát huy được thế mạnh nội lực và huy động được nguồn đầu tư từ xã hội hóa, Tân Hưng Đông sẽ cố gắng đạt chuẩn nông thôn mới vào khoảng năm 2023.
Huyền Trang