Lâm Bình là huyện vùng cao có độ che phủ rừng đạt gần 80%, trong đó các loại cây như tre, nứa phát triển xanh tốt quanh năm… Tuy nhiên, người dân chủ yếu chỉ trồng tre, nứa bán thô hoặc dùng làm tường rào chứ chưa chú trọng khai thác kết hợp chế biến để nâng cao giá trị. Trong khi đó, những sản phẩm làm từ tre nứa đang được thị trường ưa chuộng.
Sản xuất bền vững
Tận dụng rừng "tre vàng” tại địa phương, HTX An Nhiên Phát đã đầu tư máy móc kết hợp với đôi bàn tay khéo léo của người lao động để tạo thành những chiếc thìa, dĩa, cốc, bát, ống hút tiện dụng, hay những chiếc giỏ, làn, khay lạ mắt.
Đặc trưng nổi bật của các sản phẩm này là được làm bằng chất liệu tre nứa, 100% sản xuất không hoá chất, sản phẩm có thời gian sử dụng lâu bền. Nếu người dùng bỏ đi thì những sản phẩm cũng dễ phân huỷ, nên thân thiện với môi trường.
Anh Chẩu Thanh Phương, Giám đốc HTX cho biết, để làm ra một sản phẩm từ tre, nứa không hề đơn giản, từ việc chọn cây tre già, thẳng, không bị sâu bệnh đến các công đoạn xử lý nguyên liệu bằng cách ngâm, sấy nhiều lần để chống mọt, mốc tốn rất nhiều thời gian. Người thợ phải có tay nghề giỏi mới cho ra được những thành phẩm đẹp, vân màu đồng đều mà vẫn giữ vẻ mộc mạc, bình dị, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng.
Anh Chẩu Thanh Phương, Giám đốc HTX giới thiệu sản phẩm với khách hàng. |
Trong quá trình sản xuất, HTX luôn quan tâm đến vấn đề làm sao để hạn chế rác thải và bảo đảm có nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất lâu dài. Chính vì vậy, khi khai thác tre, HTX chỉ lấy những cây thân già, không chặt trụi cả bụi, không cắt cây hết một lượt.
Trong quá trình sản xuất, nguyên liệu được tận dụng triệt để, những cây tre có vanh lớn thì làm bát, nhỏ hơn thì làm cốc, bộ ấm chén uống trà, phần thừa thì tận dụng để làm thìa, dĩa. Ngay cả cật tre cũng tạo hình thành những chiếc dao cắt bánh ngọt nhỏ xinh... Điều này đã giúp HTX đa dạng các sản phẩm, bảo đảm sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường.
Khẳng định thương hiệu sản phẩm
Nếu làm thủ công, các sản phẩm từ tre, nứa trông sẽ thiếu thẩm mỹ, dễ bị mốc và tốn thời gian. Do đó, HTX đã nghiên cứu và đầu tư mua máy hấp, máy sấy, máy chà, máy cắt, máy đục, máy khoan, máy khắc, máy đánh bóng…
Dù có sự hỗ trợ của máy móc, nhưng theo các thành viên, một sản phẩm cũng cần ít nhất là 24 giờ để hoàn thành và trải qua gần 10 công đoạn như thu hoạch, hấp nhiệt để ép hết chất đường trong tre, sấy, cắt phôi, định hình, chà thô, chà mịn, khắc và tinh chỉnh. Khi có đầu tư về máy móc cùng với sự sáng tạo của người thợ, các sản phẩm dần có hồn cốt và khẳng định được giá trị trong cuộc sống.
Để đưa sản phẩm ra thị trường, ngoài bán hàng trực tiếp, HTX đã thành lập trang “Handmade trai bản” trên facebook, chuyên giới thiệu các sản phẩm của thành viên, được sự đón nhận nồng nhiệt của nhiều người tiêu dùng. Bắt đầu từ những đơn hàng nhỏ lẻ, rồi có những đại lý tìm đến tận nơi xem, đặt mua sản phẩm. Các thành viên cũng chủ động mang sản phẩm đi nhiều nơi để tiếp thị, đơn hàng cứ thế ngày một nhiều lên.
HTX đang thu hút các bạn trẻ ở địa phương tham gia làm thành viên. |
Trung bình mỗi tháng, HTX cung cấp cho thị trường từ 1.800 - 2.300 sản phẩm các loại, doanh thu gần 50 triệu đồng. Từ mạng xã hội, HTX cũng kết nối và xây dựng được với đại lý bày bán, giới thiệu sản phẩm tại khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Trong đó, tại Hà Nội có 6 điểm phân phối, Đà Nẵng có 1 điểm và TP Hồ Chí Minh có 2 điểm. Giá bán tương đối đa dạng, từ 2 nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng, tùy vào độ khó làm ra sản phẩm.
Hiện nay, ngoài tuyển thêm thanh niên nhàn rỗi trong vùng về hướng dẫn, đào tạo nghề, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho họ, HTX còn thu mua tre, nứa của người dân trong vùng. Đồng thời, HTX khuyến khích bà con trồng thêm tre để giữ đất, giữ rừng và nhận bao tiêu với giá ổn định.
Với ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, HTX được các ban ngành địa phương đánh giá cao vì không chỉ nâng giá trị của cây tre, nứa mà còn góp phần cùng cả nước thực hiện phòng chống rác thải nhựa.
Như Yến