Hiện nay, số xe khách xuất bến Mỹ Đình chỉ bằng 30% so với trước dịch (Ảnh: TL) |
Đại dịch Covid-19 như “cú đấm trời giáng”, buộc các doanh nghiệp và các HTX vận tải phải thu hẹp sản xuất kinh doanh để cầm cự. Hầu hết các loại hình vận tải đều gặp khó trong "bão". Các chuyến xe khách “lay lắt” qua ngày, các chuyến xe hàng “vật vã” mưu sinh. Ngành hàng không và đường sắt cũng trong tình cảnh đìu hiu tương tự.
Bờ vực phá sản
Cảnh chung hiện tại ở một số bến xe trong TP Hà Nội như Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm, Gia Lâm là sân đỗ xe khách "vắng như chùa Bà Đanh", thi thoảng mới có xe về bến và xe đi. Tại bến xe Nước Ngầm, lượng xe chở hàng hoá cũng ít đi trông thấy, mỗi ngày chỉ có một vài chuyến xe tải từ phía Nam chở hàng ra và một vài chuyến xe chở hàng đi.
Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (đơn vị sở hữu hãng xe Sao Việt), từ đầu tháng 5/2021 đến nay, 100% xe khách của đơn vị gần như dừng hoạt động do không có khách. Doanh nghiệp có 100 xe, chỉ có 2-3 xe chạy để duy trì tuyến. Hiện, tuyến Hà Nội - Lào Cai chỉ thu được 2 triệu đồng/chuyến, trong khi chi phí vận hành tốn khoảng 7,5 triệu đồng.
“Lượng khách đi lại ít, thu không đủ bù chi cho một chuyến đi chứ đừng nói là bù lỗ cho những ngày xe nằm không. Vì thế, cứ chạy là lỗ, mà không chạy thì khách bỏ. Lái xe và công nhân viên của doanh nghiệp phải nghỉ việc hàng loạt”, ông Bằng nói.
Tương tự, nhiều HTX vận tải cũng đang "lao đao" trước đại dịch lần thứ 4. Đơn cử như HTX Vận tải Chùa Hang (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), từ đầu làn sóng thứ ba của dịch Covid-19 đến nay, cả ba loại hình kinh doanh vận tải cố định, hợp đồng và xe buýt gần như bị “đóng băng”. Hồi đầu tháng 4, hoạt động vừa phục hồi thì tiếp tục bị giáng thêm "đòn" thứ tư khiến HTX chưa ký được một hợp đồng dịch vụ vận chuyển nào.
Tại Cao Bằng, các HTX vận tải cũng đang hết sức khó khăn. Điển hình như các HTX cổ phần Hợp Thành, HTX Vận tải số 1, HTX Vận tải số 5... hiện chỉ duy trì được 20% công suất hoạt động.
Để giảm bớt chi phí, ngoài việc duy trì hoạt động cầm chừng (cho người lao động nghỉ chờ việc, làm việc luân phiên, cắt giảm chuyến xe), một số HTX đổi hướng sang chuyển phát nhanh, kinh doanh các mặt hàng xăng dầu hay dịch vụ sửa chữa ô tô...
Trao đổi với báo chí, ông Lý Trường Sơn, Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho hay, khi các doanh nghiệp vận tải xe khách hoạt động cầm chừng, phía các bến xe cũng rơi vào cảnh “thất thu” vì vắng phương tiện vào bến. Trước 30/4, tần suất xe xuất bến khoảng 800 lượt/ngày, hiện nay chỉ còn khoảng 30% (350 lượt xe/ngày) nhưng cũng rất vắng khách. Nếu dịch Covid-19 kéo dài và lan rộng ra các tỉnh như hiện nay, doanh nghiệp và bến xe sẽ rất khó khăn.
Ông Trần Thiện Cảnh, đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, hiện đơn vị đã phải tạm dừng chạy hàng loạt đôi tàu địa phương và tuyến Bắc - Nam, bởi khách đi quá ít vì lo ngại dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành.
Tình cảnh cũng tương tự tại Hải Phòng. Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hôi Vận tải ô tô Hải Phòng cho hay, nhiều đơn vị vận tải khách đang “sống dở chết dở” vì "xe chạy cũng chết mà không chạy cũng chết". Đợt bùng phát dịch lần này đã khiến CTCP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng phải tạm dừng hoạt động khoảng 80% số đầu xe. Trong số các xe còn hoạt động, lượng khách cao nhất trên mỗi xe cũng chỉ đạt khoảng 20%.
Cần hỗ trợ cấp thiết
Một số chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát như một "cú đấm bồi" khiến doanh nghiệp, HTX chưa biết bao giờ mới có thể hồi phục hoàn toàn. Đặc biệt, đối với các HTX quy mô thường nhỏ, sức chịu đựng yếu hơn, nếu dịch bệnh lần này kéo dài thì tình hình sẽ tồi tệ hơn rất nhiều.
Trước bối cảnh Covid-19 còn tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX vận tải tồn tại, sớm phục hồi và đương đầu với khó khăn, Bộ GTVT đã có đề xuất một số chính sách hỗ trợ cho ngành vận tải và đề nghị Bộ KH&ĐT báo cáo Thủ tướng.
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất cho phép kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ, cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa; hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán cho các doanh nghiệp. Đối với đường sắt, kiến nghị cho phép lùi thời gian thực hiện Nghị định số 65/2018 về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe thêm 3 năm...
Các bến xe đìu hiu vắng khách, nhiều doanh nghiệp chỉ còn 20% xe hoạt động (Ảnh: TL) |
Với doanh nghiệp, HTX vận tải đường bộ, Bộ GTVT kiến nghị cho phép kéo dài hiệu lực của Thông tư số 112/2020 về mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021; kéo dài thời gian giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với xe khách và 10% với xe tải đến hết năm nay. Đồng thời, giảm thuế giá trị gia tăng về 0%, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch, cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2021; không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến.
Bên cạnh đó, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại tiếp tục có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX vận tải bằng việc giảm hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay; giãn nợ bao gồm cả gốc và lãi từ 6 - 12 tháng cho các doanh nghiệp vận tải...
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, các ngân hàng cần cho doanh nghiệp vay theo hình thức tín chấp theo gói vay ngắn hạn với lãi suất ưu đãi để doanh nghiệp nhanh chóng có tiền trả lương cho người lao động và quay vòng sản xuất.
“Hiện, rất nhiều người lao động không có việc làm hoặc có việc nhưng thu nhập rất thấp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không có doanh thu nhưng vẫn phải duy trì bộ máy vận hành. Mặt khác, cần miễn đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp, miễn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp, như vậy doanh nghiệp mới có điều kiện phục hồi”, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội đề xuất.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Hải Sơn