Long Thạnh là xã thuần nông, có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp ở huyện Thủ Thừa. Tuy nhiên, những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng hạn mặn đến sớm và kéo dài khiến các vùng sản xuất bị thu hẹp. Để ứng phó, xã đã chủ động đẩy mạnh dạy nghề, giúp nông dân chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập.
Nâng cao thu nhập nhờ học nghề
Anh Lê Anh Duy là một trong những nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn xã Long Thạnh, hiện đang sở hữu khu trang trại tổng hợp rộng hơn 2 ha kết hợp giữa trồng cây ăn quả (thanh long, chanh không hạt) và nuôi lợn hữu cơ.
Được học nghề giúp người nông dân nâng cao kiến thức, vững tin sản xuất (Ảnh TL). |
Anh Duy cho biết, những thành công hiện tại là nhờ vào việc anh chịu khó học hỏi, tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề do chính quyền địa phương tổ chức về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp.
Qua các khóa dạy nghề của địa phương, anh Duy học được nhiều kiến thức, áp dụng vào thực tế, nên với diện tích đất hơn 2 ha, mỗi năm anh thu lãi gần 100 triệu đồng và tạo việc làm cho 11 lao động tại địa phương.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Duy còn tích cực chia sẻ, dạy nghề cho những nông dân có nhu cầu trong xã. Trong 3 năm qua, anh đã chia sẻ kinh nghiệm giúp hàng chục hộ trong xã phát triển mô hình chăn nuôi, trồng trọt, nên nhiều hộ đã vươn lên khá giả.
Không chỉ có nông nghiệp, trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn xã Long Thạnh cũng đang có nhiều mô hình dạy nghề hiệu quả. Điển hình như mô hình đan lát lục bình ở ấp 1 của chị Lê Thị Điền.
Chị Điền cho biết, mô hình hiện có 30 thành viên tham gia, đa phần là nữ. Các lao động tham gia mô hình chuyên làm các công đoạn thực hiện đan lát lục bình đơn giản, dễ làm và thực hiện theo mẫu của Công ty Kim Hoa ở tỉnh Tiền Giang.
Thông qua chị Lê Thị Điền, Công ty Kim Hoa đến giao mẫu, hướng dẫn cách làm và sau 2 tuần đến nhận thành phẩm. Mỗi sản phẩm thực hiện có giá từ 50 - 75 ngàn đồng.
Nhờ sự hướng dẫn tận tình của chị Lê Thị Điền, các chị em trong Tổ đan lát ở địa phương có nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú như: Đan thùng với nhiều kích cỡ khác nhau, đan kệ, dệt chiếu, dệt thảm…
Một người chỉ cần vài giờ là có thể học thành thạo các thao tác và một tháng có thể kiếm được trên 2 triệu đồng từ nghề đan lục bình. Do nguồn nguyên liệu có sẵn ở địa phương nên nguồn thu nhập ổn định.
Học nghề để tự tin chuyển đổi
Ở xã Long Thạnh còn có HTX Nuôi trồng thủy sản Long Thạnh là điển hình trong công tác đào tạo nghề, mở ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng chục hộ nông dân.
Các HTX có vai trò đặc biệt quan trọng trong phối hợp dạy nghề, tạo việc làm (Ảnh TL). |
Trước đây, HTX phát triển 2 cây trồng chủ lực là mía và lúa, nhưng do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, đất đai bị thoái hóa, nên cây lúa, mía không còn cho thu nhập cao. Năm 2017, các thành viên HTX thống nhất chuyển đổi sang nghề nuôi trồng thủy sản.
Anh Cao Khánh, Giám đốc HTX cho hay, việc chuyển đổi mô hình từ trồng trọt sang chăn nuôi là một quá trình dài, đòi hỏi sự chủ động, nỗ lực rất lớn của HTX. Để phát huy hiệu quả mô hình mới, HTX đã chủ động cho thành viên tham gia các khóa tập huấn, lớp đào tạo nghề của địa phương.
Đơn cử, năm 2017, khi quyết định chuyển đổi sang mô hình mới, xã cử 3 cán bộ tham gia khóa đào tạo kỹ thuật nuôi ếch kéo dài 3 tháng do xã phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Thủ Thừa tổ chức. Trong quá trình học, cán bộ HTX nắm chắc quy trình nuôi, chọn tạo giống, phòng trừ dịch bệnh, đo chất lượng nước…, sau đó truyền lại kiến thức và kinh nghiệm cho thành viên.
Nhờ chú trọng vào việc học nghề, nâng cao trình độ, HTX Nuôi trồng thủy sản Long Thạnh đã duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Đến nay, HTX thu hút được hơn 80 hộ nông dân (cả thành viên và hộ liên kết), chủ yếu là thanh niên, nuôi thủy sản trên diện tích gần 50 ha.
Rõ ràng, hiệu quả của các chương trình đào tạo nghề nông thôn ở Long Thạnh đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo dấu ấn trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, xã cần đẩy mạnh việc tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp với thực tế địa phương, nhất là mở rộng độ tuổi tham gia học nghề. Trong các lớp dạy nghề nông nghiệp cần tăng thời gian thực hành trong quá trình học, tăng cường công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và liên kết các HTX, doanh nghiệp để người lao động có việc làm sau học nghề…
Nhật Minh