Vì là xã ven biển, đất canh tác nông nghiệp ở Quỳnh Lương có tỷ lệ pha cát rất cao, khiến năng suất cây lúa truyền thống rất thấp. Nếu không có cuộc “cách mạng” chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng rau hàng hóa theo hướng VietGAP, thân thiện môi trường, thì đến nay có thể đói nghèo vẫn sẽ gắn chặt với người dân địa phương.
Thay đổi tư duy sản xuất
Bà Nguyễn Thị Lan, nông dân trồng rau xã Quỳnh Lương, cho hay cơ sở khoa học để gia đình bà mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ lạc vụ Xuân, vừng Hè Thu, ngô - rau vụ Đông sang rau VietGAP 4 mùa là bởi những cánh đồng cát pha trên địa bàn xã khi được cải tạo tốt rất thích hợp để trồng rau.
Quỳnh Lương đang xây dựng thành công vùng trồng rau VietGAP chất lượng cao (Ảnh TL). |
Mặt khác, ở Quỳnh Lương có hệ thống mạch nước ngầm cạn đa dạng, chỉ cần đào giếng sâu 2m đã có nước sạch để tưới thoải mái. Các hộ nông dân giàu kinh nghiệm, nên có điều kiện trồng và chăm sóc rau dễ dàng, thời tiết gần biển, mùa hè không nóng lắm, mùa đông ít mưa không gây hại cho cây con.
“Rau Quỳnh Lương là rau sạch tuyệt đối, vì được bón hoàn toàn bằng phân chuồng ủ hoai, dùng thảo dược như gừng tươi, tỏi, ớt cay giã nhuyễn để phun đuổi côn trùng. Chúng tôi trồng bằng cái tâm của mình, trước tiên là cho gia đình sử dụng rồi sau đó mới xuất ra thị trường, nên người tiêu dùng có thể hoàn toàn yên tâm”, bà Lan nhấn mạnh.
Đặc biệt, để tránh gây lãng phí nguồn nước ngầm, các hộ sản xuất trên địa bàn xã đã áp dụng công nghệ cao trong việc tưới nước cho rau bằng phương pháp tưới phun theo công nghệ Israel, từ đó tạo nên những cánh đồng rau luôn luôn xanh tươi, kể cả trong những ngày nắng nóng và gió Nam Lào thổi mạnh.
Không chỉ hoàn thiện quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường, để giữ vững được thương hiệu, giúp các mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp được chặt chẽ, năm 2010, HTX sản xuất rau Phú Lương được thành lập.
Vai trò của HTX đã được thể hiện rõ khi năng suất, sản lượng rau màu không ngừng tăng lên. Giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đạt gần 300 triệu đồng/ha/năm, các hộ chuyên trồng cây hành hoa có thể đạt 500 - 600 triệu đồng/ha/năm. Nhiều hộ đã đầu tư mua sắm xe ô tô bán tải để thu mua, vận chuyển rau màu đi tiêu thụ.
Linh hoạt thích ứng thị trường
Hướng đến việc xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra ổn định cho rau màu hàng hóa, trong suốt 5 năm qua, các thành viên HTX Phú Lương đã triển khai mô hình trồng 10 ha rau màu tại khu vực đồng Nắc Am theo hướng VietGAP, chủ yếu là rau cải các loại, bắp cải, su hào, cà rốt, cà chua, súp lơ, hành hoa.
Hiệu quả trồng rau giúp nông dân Quỳnh Lương ổn định cuộc sống (Ảnh TL). |
Quy trình được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản hướng dẫn, giám sát chặt chẽ từ khâu sử dụng nước tưới, đất, phân bón, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo thời gian cách ly… Đặc biệt, lần đầu tiên, nông dân Quỳnh Lương ghi nhật ký trồng rau.
Đến nay, trên diện tích trồng rau, 100% hộ thành viên HTX tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất sạch, nói không với hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm đẹp về mẫu mã, đạt tiêu chuẩn về chất lượng.
Theo đó, mô hình sản xuất rau sạch của HTX Phú Lương đã được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 1 đánh giá và công nhận sản xuất rau đạt tiêu chuẩn VietGAP từ cách đây 5 năm.
Đáng chú ý, bên cạnh sản xuất sạch, các thành viên HTX Phú Lương và người trồng rau ở Quỳnh Lương luôn chủ động đa dạng các loại rau canh tác. Sản xuất loại rau gì nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu thị trường trong các thời điểm khác nhau.
Bên cạnh đó, UBND xã đã khuyến khích, hỗ trợ HTX và các hộ trồng rau địa phương mở rộng thị trường, kết nối với nhiều doanh nghiệp, đại lý buôn bán rau sạch ở nhiều tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Hà Nội, Hải Phòng…
Đến nay, hầu hết các đối tác sau khi hợp tác đã đặt niềm tin hoàn toàn vào chất lượng rau, củ, quả của Quỳnh Lương, qua đó giải hết bài toán thị trường tiêu thụ cho người sản xuất. Rau, củ, quả các loại ở đây chưa bao giờ thừa ế, chỉ có giá bán có khi cao, khi thấp tùy theo thị trường.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng an toàn sinh thái, duy trì vị thế “thủ phủ” rau xanh toàn tỉnh. Xã chủ trương xây dựng rau xanh trở thành nông sản thế mạnh đặc trưng, mở hướng xây dựng kinh tế bền vững cho người dân địa phương.
Mỹ Chí