Với điều kiện thời tiết ôn hòa, cây trồng và thảm thực vật tự nhiên đa dạng, nghề nuôi ong trên địa bàn xã Ôn Lương được phát triển từ nhiều thập niên trước. Tuy nhiên, trước đây, các hộ chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm truyền thống nên nên năng suất và sản lượng mật không cao.
Nâng cao chất lượng
Mọi chuyện dần thay đổi kể từ năm 2014 khi HTX nông nghiệp an toàn xã Ôn Lương được thành lập, hoạt động như một “mỏ neo” kết nối các thành viên, hộ liên kết phát triển theo hướng hàng hóa, chú trọng chất lượng, thay vì chạy theo số lượng.
Mô hình nuôi ong mật ở Ôn Lương đang phát triển tích cực với sự tham gia của HTX (Ảnh TL). |
Giám đốc Nguyễn Quốc Xứng cho hay, ngay từ những ngày đầu, HTX đã quyết định nuôi ong theo hướng hữu cơ, vừa đáp ứng được nhu cầu thị trường, vừa phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương với địa hình nhiều đồi núi, độ che phủ rừng lớn.
Theo đó, HTX tiến hành sản xuất bài bản theo quy trình hữu cơ, VietGAP, an toàn sinh thái, nhằm tạo ra một dòng sản phẩm mật nguyên chất từ ong rừng sạch, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Anh Phan Hải Đăng, xóm Nà Tủn, thành viên liên kết của HTX chia sẻ: “Nuôi ong hữu cơ là trong quá trình nuôi không sử dụng hóa chất, các chất có nguồn gốc phi tự nhiên, không tác động đến con ong trong quá trình sản xuất”.
Xác định mục tiêu rõ ràng, HTX đã tính toán để đặt các trại ong trong vùng nguyên liệu có bán kính tối thiểu 3km. Vùng nguyên liệu để phục vụ đàn ong phải bảo đảm không bị ô nhiễm, cách xa nhà máy, khu công nghiệp, đường giao thông…
Người nuôi ong chỉ cho ong ăn trong điều kiện khí hậu không thuận lợi và thức ăn này cũng phải bảo đảm có nguồn gốc hữu cơ. Đặc biệt khi ong bị bệnh, HTX tiến hành cách ly đàn ong ngay và tiến hành điều trị bằng các axit hữu cơ.
Nhờ sản xuất khoa học, với 200 đàn, mỗi năm, gia đình anh Đăng bán ra thị trường khoảng 1,2 tấn mật, thu về trên dưới 100 triệu đồng. Anh cùng các thành viên HTX đang hướng tới mở rộng quy mô đàn ong để nâng cao giá trị kinh tế.
Xây dựng thương hiệu
Sau khi đã cơ bản hoàn thiện quy trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, HTX Ông Lương đã tích cực phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai kế hoạch phát triển thương hiệu.
Cần thêm nguồn lực đầu tư để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mật ong Ôn Lương (Ảnh TL). |
Tính đến trước năm 2020, hầu hết sản phẩm mật ong HTX làm ra đều phải tự tìm thị trường tiêu thụ với giá rẻ và không ổn định. Từ cuối năm 2020, được sự quan tâm, hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí từ Chi cục PTNT tỉnh, mật ong của HTX không còn là sản phẩm thô mà đã có bao bì, mẫu mã bắt mắt, có tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Nhờ vậy, sản phẩm mật ong Ôn Lương ngày càng gia tăng sức nhận diện trên thị trường, được nhiều người tiêu dùng biết đến và tìm mua. Giá bán mật ong cũng tăng lên, đạt bình quân 150 - 200 nghìn đồng/lít, cao hơn 20-30% so với trước.
Đến nay, HTX nông nghiệp an toàn xã Ôn Lương có 13 thành viên. Trong đó, có 5 thành viên nuôi ong mật với khoảng 500 đàn. Sản lượng mật bình quân mỗi năm của HTX là khoảng 3 tấn. Hiện, HTX đang tiếp tục mở rộng thêm thành viên và phát triển đàn ong về số lượng, chất lượng.
Theo lãnh đạo UBND xã Ôn Lương, nhiều năm qua, sản phẩm mật ong của xã nói riêng, huyện Phú Lương nói chung đều có chất lượng tốt. Song, do chưa tạo dựng được thương hiệu đặc trưng nên người tiêu dùng có thể ít biết đến mật ong Phú Lương.
Nhận thấy điều này, xã đã chủ động phối hợp với Chi cục PTNT tỉnh để tổ chức hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong cho HTX nông nghiệp an toàn xã Ôn Lương.
Cùng với đào tạo nghề nuôi ong lấy mật cho người dân, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ trên 60 triệu đồng để HTX tạo dựng được thương hiệu mật ong, có chỗ đứng trên thị trường. Thực tế đã chứng minh, cách hỗ trợ này phù hợp với nhu cầu của người dân và đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục lồng ghép, phát huy hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ các hộ nuôi ong trên địa bàn, đặc biệt là thêm "lực đẩy" cho HTX Ôn Lương nâng cao vị thế, phát huy vai trò đầu tàu dẫn dắt các hộ nuôi ong tại địa phương phát triển theo hướng bền vững, gia tăng giá trị sản phẩm.
Lệ Chi