Theo thống kê, trên địa bàn xã Kỳ Tân đang có trên 200 ha trồng ngô sinh khối, thu hút gần 500 hộ tham gia sản xuất. Trên vùng đất bãi ven sông Con, xã đang làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch diện tích trồng ngô tập trung để nông dân thuận lợi đưa máy móc vào gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch.
Tạo ra sản phẩm sạch
Được sự hỗ trợ của địa phương, đặc biệt là sự đồng hành của HTX nông nghiệp xã Kỳ Tân về kỹ thuật, ông Thân Tiến Tường đang triển khai hơn 1 ha ngô sinh khối, năng suất trung bình đạt 40 - 45 tấn/ha/vụ, mỗi năm 2 - 3 vụ.
Trồng ngô sinh khối đang cho thu nhập cao, giúp người dân Kỳ Tân cải thiện cuộc sống (Ảnh TL). |
Ông Tường cho biết, mỗi ha ngô sinh khối có thể thu hoạch trên 40 tấn/vụ, kéo dài trong thời gian trên dưới 80 ngày, thu về 30 - 40 triệu đồng. So với trồng ngô lấy hạt trước đây không chỉ giảm chi phí thu hoạch, rút ngắn thời gian chăm sóc hơn một tháng, mà tiền thu về lại cao hơn khoảng 15 triệu đồng.
Theo ông Tường, để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu cao của các đối tác thu mua, HTX yêu cầu các hộ liên kết canh tác ngô theo quy trình hữu cơ, nói không với các hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng, các loại thuốc diệt cỏ.
Thay vào đó, các hộ ưu tiên phân chuồng hoai mục, phân hữu cơ, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường, tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất an toàn sinh thái. Nguồn nước dẫn vào ruộng phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm.
Tương tự, gia đình ông Hồ Văn Phú cũng đang phát triển hơn 6 sào trồng ngô sinh khối. Ông Phú chia sẻ, những năm trước, 6 sào ruộng của gia đình ông trồng luân canh mỗi năm 1 vụ ngô, 1 vụ lúa, tuy nhiên việc lạm dụng hóa chất độc hại khiến đất đai bị thoái hóa, thị trường bấp bênh nên hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2018, gia đình ông tham gia dự án trồng cây ngô sinh khối theo hướng an toàn sinh thái, thời vụ được rút ngắn nên thuận lợi để thâm canh tăng vụ, cho hiệu quả cao hơn.
Nhờ chủ động được nguồn thức ăn sạch, ông Phú đầu tư chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng, mang lại nguồn thu nhập khá, bên cạnh bán nguyên liệu cho doanh nghiệp.
Hình thành chuỗi liên kết
Theo lãnh đạo UBND xã Kỳ Tân, qua 3 năm triển khai, cây ngô sinh khối cho thấy thời gian sinh trưởng ngắn, ít chịu ảnh hưởng tiêu cực của thời tiết hơn so với ngô hạt nên thuận lợi cho bố trí thời vụ.
Kỳ Tân chủ động hình thành liên kết chuỗi để nâng cao giá trị sản xuất ngô sinh khối (Ảnh TL). |
Thị trường tiêu thụ ngô sinh khối hiện nay rất thuận lợi, kỹ thuật trồng cơ bản áp dụng tương tự quy trình trồng ngô lấy hạt nhưng mật độ trồng dày hơn nên người dân dễ dàng nắm bắt thực hiện. Khác biệt ở mô hình trồng ngô sinh khối là quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường.
Để có được những thành công hiện tại, hàng năm, UBND huyện Tân Kỳ đã tổ chức hội nghị liên kết, kết nối cung cầu với các công ty, các chủ trang trại chăn nuôi trâu bò quy mô lớn trong và ngoài huyện để liên kết thu mua cây ngô cho người dân Kỳ Tân, cùng các địa phương khác.
Trong đó, Công ty sữa TH trueMilk đang là đơn vị có sự liên kết bền chặt với các hộ trồng ngô sinh khối trên địa bàn xã Kỳ Tân nói riêng và toàn huyện Tân Kỳ nói chung. Trước khi bước vào vụ sản xuất, các hộ sản xuất được công ty ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Để bà con yên tâm gắn bó và mở rộng diện tích trồng ngô sinh khối, Công ty đã triển khai nhiều chính sách kích cầu cho bà con nông dân như hỗ trợ 100% giống ngô trồng vụ 3, xây dựng thêm các mô hình trồng ngô sinh khối theo hướng an toàn sinh thái.
"Đối với sản xuất vụ 1 và vụ 2, Công ty hỗ trợ cho bà con vay giống, phân bón, hỗ trợ hoàn toàn máy móc để cắt và bốc cây ngô nhằm giảm chi phí thuê nhân công cho người trồng ngô. Đồng thời, Công ty còn cam kết với nông dân là sản xuất cây ngô sinh khối đến đâu sẽ được thu mua hết đến đó", đại diện UBND xã Kỳ Tân cho hay.
Thành công bước đầu từ mô hình trồng ngô sinh khối, với sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương đang mở ra hướng đi mới đầy tiềm năng ở Kỳ Tân.
Đây là động lực để các hộ nông dân Kỳ Tân tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa trong các mô hình liên kết, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp an toàn sinh thái, bền vững trong những mùa vụ tiếp theo.
Nhật Minh