Từ chỗ chỉ một vài người nuôi ong nhỏ lẻ, đến nay xã Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang) đã có hàng chục hộ phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Liên kết từ cấp xã
Ông Nguyễn Quang Đài (thôn Mỹ Ngọc, xã Đức Lĩnh) trước đây ông chỉ nuôi thử nghiệm một số đàn ong dưới tán cây rừng tự nhiên nhưng đến nay gia đình đã có trên 100 đàn ong sinh trưởng, phát triển tốt. Nghề nuôi ong cũng giúp gia đình ông có nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm nên đời sống kinh tế gia đình đã ổn định.
Đặc biệt, nhận thấy lợi ích từ nghề nuôi ong, HTX nuôi ong Đức Lĩnh đã được thành lập, thu hút ông Đài và nhiều là các hộ nghèo, cận nghèo, thương binh, bệnh binh, người khuyết tật… cùng tham gia. Với quy mô khoảng 800 đàn, HTX đang hướng dẫn thành viên, người dân áp dụng quy trình VietGAP vào nuôi ong cũng như đầu tư thêm máy móc để thu hoạch. HTX cũng hỗ trợ nhiều hộ dân về đầu ra cho mật ong nên nghề nuôi ong ngày càng phát triển. Cùng với số đàn ong của HTX Đức Lĩnh, đến nay, xã này đã phát triển được khoảng 2.000 đàn ong.
Chính vì vậy, nuôi ong đang được cho là hỗ trợ người dân rất tốt trong nâng cao thu nhập, giảm nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chỉ còn 3,75%. Nhiều hộ dân có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng/năm từ nuôi ong hàng hóa.
Không chỉ tại xã Đức Lĩnh, tại xã Ân Phú cũng đang phát triển khá mạnh nghề nuôi ong lấy mật. ông Phùng Đăng Anh (thôn 3, xã Ân Phú) - thành viên HTX nuôi ong Ân Phú, cho biết từ một hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhờ được chính quyền địa phương và HTX tiếp sức đến nay, gia đình đã có cuộc sống ổn định hơn với nguồn thu từ 80-90 triệu đồng/năm từ nuôi ong lấy mật.
Ông Dương Thế Đạt, Giám đốc HTX Ân Phú cho biết, nghề nuôi ong lấy mật cho hiệu quả kinh tế khá tốt nên thu hút nhiều thành viên tham gia. Nếu như năm 2022, HTX có 25 hộ thành viên với khoảng 275 đàn ong thì nay đã tăng lên 27 thành viên với gần 300 đàn.
Theo thống kê, hiện toàn xã Ân Phú có khoảng 40 hộ nuôi ong với hơn 500 đàn. Trong đó, HTX Nuôi ong Ân Phú đã xây dựng thành công sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Để nghề nuôi ong lấy mật ở địa phương ngày một phát triển, sản phẩm mật ong ngày càng vươn ra các thị trường lớn, chính quyền địa phương đang vận động các hộ tham gia HTX để đồng nhất chất lượng sản phẩm, từ đó có thể nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Đến liên kết cấp huyện
Hiện nay, hầu hết các xã trên địa bàn huyện Vũ Quang đều phát triển nghề nuôi ong mật. Có được điều này là nhờ huyện có diện tích rừng đồi trồng cây keo lấy gỗ nguyên liệu và hiện đang có hơn 3.000 ha đã được trồng cây ăn quả. Đây là điều kiện thuận lợi thúc đẩy nghề nuôi ong cả về chất lượng và số lượng suốt thời gian qua. Đến nay, toàn huyện đã có 1.100 hộ đầu tư nuôi ong với khoảng hơn 9.000 đàn. Nhờ được áp dụng kỹ thuật nên mật ong Vũ Quang luôn có màu sắc đẹp, chất lượng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.
![]() |
Phát triển nghề nuôi ong đang giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo. |
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết nghề, nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc người nuôi phải kiên trì, tỉ mỉ và nắm rõ đặc tính của ong để có chế độ chăm sóc phù hợp từng giai đoạn, từng mùa, nhất là vào thời điểm mùa xuân. Chính vì vậy, nhằm nâng cao hiệu quả trong phát triển ngành nghề này, huyện đã phối hợp cùng các xã phát triển các chương trình dự án đào tạo nghề nuôi ong đồng thời khuyến khích người dân dành nhiều thời gian, công sức tìm tòi, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nuôi ong nội địa.
Bên cạnh đó, huyện còn có chương trình dự án nuôi ong xóa đói giảm nghèo để hỗ trợ cho người dân. Những hộ gia đình đăng ký xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật sẽ được hỗ trợ 4 đàn ong, đồng thời tập huấn kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ xúc tiến đầu ra.
Không chỉ dừng ở việc phát triển HTX, tổ hợp tác nuôi ong ở các xã, huyện còn phát triển được Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang. Theo đó, nuôi ong mật không chỉ dừng ở quy mô hộ mà còn phát triển nên thành HTX và Liên hiệp HTX nhằm kiểm soát được chất lượng toàn bộ sản phẩm trong huyện, từ đó mở rộng thị trường đầu ra.
Đặc biệt, việc thành lập Liên hiệp HTX nhằm giúp các hộ trong tổ hợp tác, HTX cùng thống nhất trong quản lý chất lượng, giá cả, nhãn mác, thương hiệu để tạo thuận lợi cho việc liên kết với doanh nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm.
Nhận thức được vai trò của việc tạo dựng thương hiệu, đến nay Liên hiệp HTX Ong và Dịch vụ nông nghiệp Vũ Quang đã thu hút được 5 HTX và 1 THT, gồm: HTX Thọ Điền, HTX Đức Lĩnh, HTX Đức Bồng, HTX Đức Giang, HTX Ân Phú và THT thị trấn Vũ Quang.
Mở rộng quy mô cấp huyện
Nhờ áp dụng kỹ thuật và đề cao tính liên kết trong sản xuất nên nghề nuôi ong ở Vũ Quang dự tính có thể giúp người dân thu về hơn 13 tỷ đồng/ năm. Nếu phát triển bền vững, giá trị kinh tế từ ngành nghề này sẽ tiếp tục tăng.
Hiệu quả từ phát triển nghề nuôi ong theo hướng hàng hóa bền vững đã giúp huyện đẩy nhanh công tác giảm nghèo. Cuối năm 2022, toàn huyện chỉ còn 466 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 5.17% (giảm 70 hộ, giảm 0,78% so với đầu năm 2022). Tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ còn 490 hộ, chiếm tỷ lệ 5,44% (giảm 102 hộ, giảm 1,13% so với đầu năm 2022).
Là địa bàn huyện có dân số đông, để giúp người dân thoát nghèo, nâng cao thu nhập, thời gian qua, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, huyện luôn quan tâm hỗ trợ, định hướng sản xuất nông nghiệp cho bà con. Việc nuôi con gì và trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao luôn được cấp ủy, chính quyền đầu tư học hỏi và thí điểm. Trong đó, nghề nuôi ong vốn manh nha phát triển trên địa bàn huyện từ năm 2002 nhưng hiệu quả chưa cao do người dân chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Vì vậy, huyện đã xây dựng thí điểm các mô hình nuôi ong tại một số xã, thành lập tổ hợp tác, HTX để nhân rộng trên địa bàn.
Cách làm này không chỉ giúp bà con xóa đói, giảm nghèo hiệu quả mà còn tạo niềm tin tuyệt đối với nhân dân. Hiệu quả thu nhập từ nuôi ong lấy mật là thực tế quan trọng thay đổi tư duy làm kinh tế của người dân, hình thành nên chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, để đưa sản phẩm đặc trưng của Vũ Quang vượt ra khỏi địa phương, hướng ra thị trường rộng lớn hơn.
Hiện, huyện cùng tỉnh Hà Tĩnh phát triển các chuỗi nuôi ong. Theo đó, thay vì chỉ nằm trong quy mô huyện, Vũ Quang sẽ cùng các huyện khác cùng liên kết để xây dựng thương hiệu mật ong Hà Tĩnh.
Tuy nhiên, để làm được điều này, địa phương sẽ phải tạo thêm các điều kiện để thành lập tổ hội, HTX nuôi ong lấy mật. Các mô hình này phát triển mạnh mẽ sẽ tạo cơ hội cho bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật mới, từ đó thay đổi được thói quen nuôi ong truyền thống, từng bước nâng cao chất lượng mật, tạo thuận lợi trong xây dựng thương hiệu. Mặt khác, tổ hội, HTX sẽ giúp nông dân yên tâm đầu tư phát triển đàn ong, đưa mật ong trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Tùng Lâm