Phú Diên được nhiều người ví là địa phương sống trên "biển bạc" vì lợi thế xã ven biển - đầm phá. Điều này cũng đang giúp người dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo. Một trong những thế mạnh đó là phát triển nghề làm nước mắm và du lịch.
Khai thác lợi thế địa phương
Hiện nay, xã có HTX Chế biến Phú Diên đang tích cực hỗ trợ người dân sản xuất và bán sản phẩm theo chuỗi giá trị hàng hóa. Điều thuận lợi là các thành viên và hộ liên kết trong HTX đều chủ động được nguồn nguyên liệu nhờ hoạt động khai thác biển. HTX tập trung sản xuất hai sản phẩm là nước mắm ruốc và nước mắm cá, ngoài ra còn chế biến các mặt hàng hải sản, nông sản để đa dạng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân địa phương.
Hiện, thu nhập của mỗi thành viên HTX tại thời điểm mùa vụ bình quân khoảng 400 nghìn đồng/ngày, người làm công khoảng 300 nghìn đồng/ngày. Sản phẩm được cung cấp cho các đại lý, các cửa hàng tạp hóa, những người buôn bán nhỏ tại chợ trong tỉnh. Ngoài ra, HTX còn cung cấp sản phẩm cho một số nhà hàng ở TP. Hồ Chí Minh.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, HTX đang phối hợp với UBND xã Phú Diên và Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để xây dựng sản phẩm OCOP nước mắm Phú Diên. Bởi, khi xây dựng thành công và nước mắm truyền thống Phú Diên được chứng nhận sản phẩm OCOP sẽ được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn nhiều hơn, việc cung ứng sản phẩm ra thị trường sẽ bền vững, nâng cao số lượng. Theo đó, thu nhập của các thành viên HTX và người lao động trên địa bàn cũng được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Mặt khác, nâng cao chất lượng nước mắm cũng là động lực để xã phát triển du lịch biển. Điều thuận lợi là xã đã được huyện và tỉnh hỗ trợ đầu tư bãi tắm Phú Diên với các tuyến đường dẫn ra bãi tắm, hệ thống điện chiếu sáng đã được gắn trụ, điểm thể dục thể thao, điểm check-in bên bờ biển… Xã cũng đầu tư trồng cây cối, xây dựng công viên, đồng thời giải phóng mặt bằng để xây lô, quầy phục vụ kinh doanh, ăn uống cho khách đến tắm biển, du lịch.
Xã còn hỗ trợ người dân làm homestay, mở dịch vụ để thu hút khách du lịch tham quan 45 ha rừng ngập mặn trên địa bàn, vì đây đang là điểm đến hấp dẫn.
Hỗ trợ đúng và trúng
Việc phát triển du lịch và nghề đánh bắt, chế biến hải sản, nước mắm mang lại nguồn thu không hề nhỏ cho người dân trong xã Phú Diên. Ngoài ra, đây còn là cơ hội thúc đẩy phát triển ngành nghề khai thác biển của một số địa phương lân cận trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, vì người dân Phú Diên đẩy mạnh thu mua thủy hải sản về chế biến.
Theo thống kê, hiện toàn xã Phú Diên chỉ còn 116 hộ nghèo với 298 khẩu, 200 hộ cận nghèo với 727 khẩu. Đây là động lực để xã Phú Diên tiếp tục phấn đấu đến năm 2025, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,83%, hộ cận nghèo giảm dưới 3%.
Nghề làm nước mắm đang giúp nhiều người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo. |
Để người dân tập trung phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thời gian qua, xã Phú Diên bám sát quan điểm chỉ đạo giảm nghèo bền vững của huyện giai đoạn 2021 - 2025 là “xác định rõ nguyên nhân nghèo và xây dựng phương án thoát nghèo theo từng địa chỉ cụ thể cho từng hộ nghèo”.
Chính vì vậy, ngoài chú trọng hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và các HTX trong đào tạo nghề, xã còn thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Để nguồn hỗ trợ từ chương trình, dự án giảm nghèo đến được đúng đối tượng, xã đã đến từng hộ nghèo, khảo sát thu thập thông tin về đặc điểm, điều kiện sống, trên cơ sở đó đã xác định mức độ thiếu hụt, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo để hỗ trợ sinh kế cho phù hợp.
Trong đó, xã hỗ trợ sinh kế thông qua nguồn vốn quỹ người nghèo, hỗ trợ nguồn giống, thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ xuồng máy, máy nổ để đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ vốn cho người dân đầu tư kinh doanh tạp hóa; hỗ trợ nhu cầu kinh doanh may mặc, hỗ trợ vốn cho HTX chế biến và quảng bá sản phẩm nước mắm…
Việc hỗ trợ này của xã đã trao sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển việc làm, góp phần tạo động lực để các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống và góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
Giải "bài toán" nhân lực
Tuy nhiên, có một điều đáng quan tâm hiện nay ở Phú Diên đó chính là tình trạng thanh niên thoát ly nông thôn nhiều, mô hình kinh tế tập thể, HTX còn ít nên xã vẫn gặp khó khăn nhất định trong công tác phát triển kinh tế, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Ngay như HTX Chế biến Phú Diên cũng đang đối mặt với thực trạng về nhân lực đi biển và phát triển HTX. Nhiều ngư dân đi biển và người gắn bó về nghề làm nước mắm giờ đã lớn tuổi hoặc là thợ tay ngang nên không hào hứng với nghề đi biển.
Ông Trần Văn Phương, Giám đốc HTX Chế biến Phú Diên chia sẻ, vì thiếu nhân lực nên nhiều khi vào mùa biển mà không có người ra khơi nên HTX từng rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu chế biến.
Còn về du lịch, việc thiếu nhân lực trẻ khiến địa phương khó phát triển các mô hình liên kết, khó ứng dụng chuyển đổi số vào làm dịch vụ, xúc tiến thương mại và liên kết với doanh nghiệp lữ hành.
Trước thực trạng trên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, để tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, Phú Diên cần tiếp tục lấy lợi thế, thế mạnh là đầm phá để phát triển.
Để làm được điều này, chính quyền xã cần phải có quyết tâm cao, đoàn kết, cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, HTX, nhất là trong việc hỗ trợ họ phát triển theo chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ. Hiện, một trong những thế mạnh của Phú Diên là du lịch nhưng địa phương lại chưa hình thành được tổ hợp tác, HTX nào trong lĩnh vực này.
Chính vì vậy, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng Phú Diên cần định hướng, hỗ trợ người dân thành lập, tổ hợp tác, HTX du lịch vì đây cũng là một trong những việc cần làm trong xây dựng nông thôn mới. Khi có tổ hợp tác, HTX sẽ là “điểm nhấn” du lịch biển, khách du lịch có thể vui chơi trên đầm phá, sau đó có những trải nghiệm thú vị về ngành nghề truyền thống của địa phương như làm nón, làm nước mắm, làm ruốc do HTX, tổ hợp tác phát triển… Bên cạnh đó, HTX cũng sẽ giúp Phú Diên kết nối với các tour du lịch, để việc phát triển đảm bảo dài hơi, bền vững.
Để giải quyết bài toán thiếu lao động, tỉnh và huyện đang hỗ trợ xã trong việc đào tạo nguồn nhân lực và xem xét để có những cơ chế, chế độ đãi ngộ phù hợp, nhất là chính sách khuyến khích ngư. Trong đó có chú trọng hỗ trợ đầu tư phát triển công nghệ cho ngư dân, bảo đảm đầu ra cho hải sản để người dân yên tâm bám biển, gắn bó với nghề truyền thống.
Tùng Lâm