Chuối hột mồ côi là cây trồng bản địa ở xã vùng cao Phước Bình (huyện Bác Ái). Đây là giống chuối quý với nhiều công dụng chữa bệnh, được mệnh danh là “thần dược” của đồng bào Raglai. Cây chủ yếu mọc tự nhiên trên núi cao và một phần được người dân đưa vào trồng trên các sườn rẫy với diện tích khoảng 20 ha.
Khai thác lợi thế cây chuối hột mồ côi
Theo ông Đa Rót Hà Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Bình, thời gian tới xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích bà con mở rộng diện tích trồng chuối hột mồ côi nhằm khai thác lợi thế từ cây bản địa, giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Hiện nay, một số nông dân trên địa bàn xã đang mở rộng diện tích trồng chuối hột mồ côi đã được chuyển giao kỹ thuật nhân giống để trồng trên đất rẫy.
Cùng HTX, tổ hợp tác khai thác lợi thế từ cây chuối hột mồ côi giúp người dân xã Phước Bình vươn lên thoát cảnh nghèo khó. |
Cách đây 3 năm, sản phẩm Chuối hột mồ côi Phước Bình được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh và có tiềm năng lớn để phát triển thành sản phẩm đạt chuẩn 5 sao. Điều này có sự đóng góp của Tổ hợp tác chuối hột mồ côi xã Phước Bình và HTX sản xuất kinh doanh nông sản chất lượng an toàn thực phẩm Phước Bình.
Tổ hợp tác chuối hột mồ côi Phước Bình đã đẩy mạnh chế biến và liên kết đầu ra với các đơn vị trong và ngoài tỉnh Ninh Thuận. Ngoài mục tiêu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ cây chuối hột mồ côi, tổ hợp tác còn bảo tồn giống cây đặc sản quý hiếm này bằng các hoạt động trồng và khai thác bền vững.
Còn HTX sản xuất kinh doanh nông sản chất lượng an toàn thực phẩm Phước Bình đã đầu tư vào trồng trên diện rộng với hy vọng xây dựng sản phẩm đặc trưng của địa phương Phước Bình và tăng thu nhập cho bà con người đồng bào trên địa bàn xã, tạo thu nhập, giúp bà con có một hướng mới phát triển kinh tế nông nghiệp, hạn chế việc phá rừng và khai thác các sản vật từ rừng. Mỗi năm HTX thu mua từ các thành viên và xuất bán khoảng 1,5 – 2 tấn chuối hột khô.
Hiện nay Phước Bình đang đẩy mạnh phát triển mô hình liên kết trồng chuối hột mồ côi theo chuỗi giá trị với tổ hợp tác, HTX và doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn, chuyển giao cho các hộ dân, tổ hợp tác, HTX các kỹ thuật trồng, thu hái, chế biến chuối hột mồ côi ở dạng quả tươi, quả ép khô, hạt khô, rượu chuối hột đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ việc khai thác thế mạnh của cây chuối bản địa như vậy của tổ hợp tác và HTX đã góp phần tích cực vào giảm nghèo, vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân xã Phước Bình - vốn từng là xã nghèo, cách đây 10 năm có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm đến 45%. Không chỉ với cây chuối, xã này đã phát triển đa dạng cây trồng từ cây bản địa như mì, lúa, bắp, đậu…Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh qua từng năm, từ cách đây 2 năm, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 4,46%.
Liên kết với nông dân trồng dưa lưới
Bên cạnh việc khai thác lợi thế từ cây bản địa như ở Phước Bình thì huyện Bác Ái đang phát triển những cây trồng có giá trị kinh tế cao thông qua mô hình của các HTX để nâng cao hiệu quả sản xuất và giúp giảm nghèo cho người dân địa phương.
HTX Công nghệ cao Nam Miền Trung đang liên kết với nông dân xã Phước Tiến (huyện Bác Ái) trồng dưa lưới công nghệ cao. |
Đơn cử như HTX Công nghệ cao Nam Miền Trung, tại thôn Suối Đá, xã Phước Tiến đã năng động tìm được hướng đi riêng, xây dựng khu nông trại nhà kính 2 ha, liên kết với nông dân sản xuất dưa lưới.
HTX cam kết cung ứng một phần đầu vào đáp ứng số lượng, chất lượng sản phẩm, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu 100% sản phẩm mà nông dân đăng ký cùng liên kết sản xuất với giá ổn định. HTX triển khai mô hình mẫu đáp ứng yêu cầu để nông dân tham quan tìm hiểu, cùng hợp lại trong chuỗi liên kết để tạo ra sản phẩm có chất lượng, thương hiệu. Hàng năm HTX đưa ra thị trường trên 230 tấn dưa lưới chất lượng cao, đạt doanh thu trên từ 6-7 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trọng Hạnh, Giám đốc HTX, cho biết: Để đứng vững trong nền kinh tế thị trường, HTX đã chủ động xây dựng chiến lược kinh doanh cụ thể, đầu tư dây chuyền sản xuất công nghệ cao, đảm bảo cung cấp cho thị trường sản phẩm dưa lưới an toàn với giá cả phù hợp.
HTX này đã tham gia Chương trình OCOP với sản phẩm dưa lưới Sun Farm, kết quả được hội đồng đánh giá và xếp hạng đạt 3 sao sao cấp tỉnh trong năm 2022. Sản phẩm OCOP đã góp phần khẳng định giá trị sản xuất, tạo động lực cho HTX đẩy mạnh sản xuất, mở rộng diện tích lên gần 6 ha, sản lượng khoảng 450 tấn/năm để đưa thương hiệu dưa lưới của HTX ngày càng được nhiều người biết đến.
Không dừng lại ở việc đưa sản phẩm quả dưa lưới tươi với chất lượng tốt nhất ra thị trường, HTX Công nghệ cao Nam Miền Trung cũng sẽ nghiên cứu để đầu tư xây dựng, chế biến sâu để cho ra các chủng loại sản phẩm đa dạng được chế biến từ dưa lưới như: Nước ép dưa lưới, dưa lưới sấy, bột dưa lưới hòa tan, kem dưa lưới, kẹo dưa lưới…
Hoạt động hiệu quả của HTX này đã góp phần quan trọng vào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Tính đến tháng 7/2023, xã Phước Tiến đã hoàn thành 13/19 tiêu chí nông thôn mới và đang nỗ lực thực hiện các tiêu chí còn lại. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh qua từng năm, trong năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,7%.
Xác định việc nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí quan trọng, vừa là động lực, vừa là mục tiêu để xây dựng nông thôn mới thành công, chính quyền xã Phước Tiến cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế hợp tác nhằm giúp các hộ dân vươn lên làm giàu.
Sản xuất lúa gạo công nghệ cao
Hoặc có thể kể thêm mô hình sản xuất lúa gạo công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp Dịch vụ tổng hợp Phước Chính ở xã Phước Chính (huyện Bác Ái). Hồi năm 2022, HTX đăng ký tham gia sản phẩm gạo sạch Phước Chính và được hội đồng đánh giá, xếp hạng đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Bác Ái đang cần tiếp tục phát triển cây trồng có giá trị kinh tế với “bà đỡ” là các HTX, tổ hợp tác. |
Phước Chính là xã thuần nông, cuộc sống của người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Nhằm giúp người dân nâng cao năng suất và chất lượng hạt gạo, cách đây 3 năm, HTX đã liên kết với 70 nông hộ đồng bào Raglai canh tác 40 ha với giống lúa Đài Thơm 8 theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ban đầu, HTX hỗ trợ về giống lúa mới, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua 3 năm triển khai, mô hình không chỉ giúp nâng cao năng suất, sản lượng hạt gạo mà còn làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân ở địa phương.
Trung bình mỗi vụ, nông dân thu hoạch cung cấp cho HTX Phước Chính khoảng 75 tấn thóc, chế biến trên 50 tấn gạo cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng. Giá lúa Đài Thơm canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP có giá bán cao hơn 20 - 30% so với lúa canh tác theo phương pháp truyền thống, qua đó giúp nông dân địa phương nâng cao thu nhập.
Đến nay, diện tích canh tác mỗi vụ của HTX đạt gần 70 ha với giống lúa chủ lực là Đài Thơm 8, sản lượng gạo sạch cung ứng ra thị trường trên 50 tấn/vụ. Sản phẩm gạo của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng, thị trường tiêu thụ mở rộng ra các tỉnh, thành phố, như: Tp.HCM, Bình Dương và Lâm Đồng. Qua đó, góp phần đưa sản phẩm đặc thù của địa phương đến người tiêu dùng, giúp người dân nâng cao thu nhập.
Có thể thấy, việc giải quyết bài toán giảm nghèo tại huyện Bác Ái rất cần hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Nhất là cần khai thác được lợi thế của cây trồng bản địa và những cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Điều này không chỉ vừa giúp giảm nghèo mà còn đóng góp vai trò lớn vào xây dựng nông thôn mới. Hiện nay toàn huyện Bác Ái đã đạt chuẩn 4/9 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới cấp huyện. Bộ mặt nông thôn của huyện đã có nhiều thay đổi, ngày một khang trang, hiện đại, sáng, xanh, sạch đẹp hơn.
Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện giảm còn 34,81%, cận nghèo 8,78%. Để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và đạt các tiêu chí còn lại trong xây dựng nông thôn mới thì huyện Bác Ái còn nhiều việc phải làm, trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là cần phát triển kinh tế hợp tác và phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cần hiệu quả hơn nữa nhằm tạo sinh kế cho người dân địa phương có thu nhập ổn định.
Thanh Loan