Nhiều HTX đã vươn lên phát triển đưa huyện Chư Sê trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh. Hiện nay trên địa bàn huyện có gần 30 HTX hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo cuộc sống cho người dân.
Trụ cột giảm nghèo bền vững
HTX Cà phê Tân Nông Nguyên, tổ 2, thị trấn Chư Sê với ngành nghề sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê. Tham gia HTX có 150 thành viên, trong đó 80 thành viên góp 90 ha cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh.
Để các thành viên yên tâm sản xuất, vươn lên làm giàu từ cây cà phê, HTX cung cấp dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng và kịp thời vụ.
HTX hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo cuộc sống cho người dân. |
Đồng thời, HTX mở các lớp tập huấn, định hướng cho thành viên về quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê nhân đảm bảo chất lượng để cung ứng cho 1 doanh nghiệp có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước với giá cao hơn. Cách làm này đã được các thành viên HTX đón nhận và thực hiện đúng cam kết từ lúc chăm sóc đến thu hoạch, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận cao hơn so với sản xuất cà phê theo phương pháp truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc HTX Cà phê Tân Nông Nguyên cho biết: “Sau thời gian hoạt động, HTX đã thành công trong việc tuyên truyền, vận động các thành viên thay đổi nhận thức về sản xuất, chế biến cà phê nhân đảm bảo các tiêu chí thị trường đặt ra. Trong 90 ha cà phê của các thành viên, hiện nay, HTX lựa chọn và xây dựng vùng nguyên liệu hơn 30 ha cà phê chất lượng cao để đầu tư chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư hệ thống máy móc sơ chế hiện đại đáp ứng yêu cầu của đơn vị thu mua xuất khẩu”.
Theo ước tính của ông Hòa, với 90 ha cà phê, bình quân mỗi năm, các thành viên HTX thu hoạch được 150-200 tấn cà phê nhân. Tùy vào giá cả thị trường, nếu từ 30 ngàn đồng/kg cà phê nhân trở lên, HTX thu về khoảng 8 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận được chia vào quỹ hỗ trợ sản xuất, phần còn lại chia cho các thành viên theo tỷ lệ sử dụng dịch vụ của HTX.
Là thành viên HTX Cà phê Tân Nông Nguyên, ông Phạm Kim Thơi (làng Queng Mép, xã Dun) cho hay: “Gia đình tôi góp 2,5 ha cà phê kinh doanh để tham gia HTX từ lúc thành lập đến nay. Vào HTX, các thành viên hưởng lợi rất nhiều, được cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo chất lượng; đầu ra sản phẩm được HTX bao tiêu với giá ổn định và cao hơn thị trường; được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến cà phê… Điều đó giúp các thành viên yên tâm đầu tư sản xuất theo hướng bền vững. Hiện gia đình tôi từ hộ nghèo đã vươn lên trở thành hộ khá giả ở địa phương nhờ tham gia HTX”.
Thoát nghèo từ cây tiêu
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân Chư Sê đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây hồ tiêu, một loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. HTX Nông nghiệp-Dịch vụ Ia Ring thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm được thành lập nhằm liên kết với doanh nghiệp để thu hút người trồng hồ tiêu tham gia sản xuất và tiêu thụ theo hướng an toàn, bền vững.
Ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp-Dịch vụ Ia Ring cho biết, mô hình hoạt động của HTX kiểu mới liên kết với doanh nghiệp đang vận hành khá tốt. Hiện nay, HTX liên kết với các công ty cung ứng 80 tấn phân bón các loại cùng giống hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Hiện HTX đang tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm hồ tiêu do các thành viên HTX sản xuất.
Gia đình chị Trần Thị Thu ở thôn Ia Ring, xã Ia Tiêm, có 5 sào tiêu gần 2 năm tuổi. Trước đây số diện tích này gia đình chị trồng tre điền trúc để lấy măng. Tuy nhiên, do giá cả không ổn định cộng với năng suất kém, nên nguồn thu nhập mang lại thấp. Nhận thấy cây tiêu hiện nay đang mang lại giá trị kinh tế cao, hạt tiêu khô trên thị trường dao động từ 145 đến 160 nghìn đồng/kg, năm 2020 gia đình chị đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích tre điền trúc sang trồng cây hồ tiêu.
Để nắm vững về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu, gia đình chị đã học hỏi kinh nghiệm từ những hộ trồng tiêu và học hỏi qua sách, báo,… Đồng thời, để giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu, gia đình chị đã trồng cây gòn để làm trụ cho tiêu bám lên. Theo tính toán của chị, nếu trồng theo hình thức này sẽ giảm được chi phí rất nhiều so với làm trụ bằng bê tông. Hiện, gần 500 gốc tiêu của gia đình chị đang phát triển tốt và hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình trong thời gian tới.
HTX đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, giúp xóa đói, giảm nghèo. |
Là một trong những thành viên đầu tiên của HTX, ông Đặng Văn Tám-thôn Ia Ring (xã Ia Tiêm) cho biết, HTX giúp người trồng hồ tiêu tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật và đặc biệt là liên kết với “4 nhà" để tạo ra sản phẩm hồ tiêu chất lượng. Bên cạnh đó, các thành viên HTX được học tập, trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu chất lượng bền vững theo mô hình VietGAP để có giấy chứng nhận xây dựng thương hiệu trong sản xuất và tiêu thụ.
"Sau 3 năm tham gia, tôi áp dụng đúng quy trình tập huấn về phát triển hồ tiêu bền vững theo hướng hữu cơ. Theo đó, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm hơn so với trước đây. Hiện tại vườn hồ tiêu của gia đình phát triển tốt", ông Tám nói.
Tạo động lực để người dân thoát nghèo
Ông Dương Mạnh Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết, tổng nguồn vốn đầu tư trực tiếp cho công tác giảm nghèo trong năm 2022 và 2023 của huyện là 77,856 tỷ đồng. Trong đó, vốn chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 10,93 tỷ đồng; vốn chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là 39,221 tỷ đồng; vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là 27,705 tỷ đồng.
Theo ông Mẫn, để phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 8,04% xuống còn 6,04%, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 3%, năm 2023, huyện Chư Sê đã tập trung triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội.
Đặc biệt, những năm gần đây, các HTX đã hướng dẫn thành viên trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và dần tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Đa số HTX đã chú trọng đến việc kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực, hướng đến những sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế hộ gia đình, khu vực nông thôn và tăng trưởng chung của huyện.
“HTX vươn lên làm ăn có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội huyện, tạo vị trí trên thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần giảm nghèo bền vững. Đối với các HTX nông nghiệp, việc thực hiện một số chính sách đặc thù, nhất là chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý”, ông Mẫn cho hay.
Minh Thành