Thời điểm này, các vườn cam trên địa bàn huyện Hương Khê đang trong vụ thu hoạch. Nhờ cách làm độc đáo trên cùng với đầu tư chăm sóc tốt nên năng suất cam vùng đất núi Khe Mây đạt bình quân 20 tấn/ha, giá trị ước đạt 400 triệu đồng/ha.
“Hồi sức” đặc sản Khe Mây
Xã Hương Đô được biết đến là “thủ phủ” cam đặc sản Khe Mây với hơn 364 hộ trồng khoảng 360 ha. Nhờ khí hậu mùa hè ngày nóng, đêm lạnh giúp cho cây trồng dễ sinh trưởng, tạo nên đặc sản cam Khe Mây có vị ngọt đậm, thơm và giòn.
![]() |
Nhờ “mắc màn” mà những quả cam Khe Mây chín mọng được bảo vệ khỏi côn trùng mà không cần phun thuốc sâu. |
Trước đây, khi gần đến mùa thu hoạch, các loài sâu bọ "lộng hành" phá hoại gây thối quả… khiến bà con trồng cam "đánh rơi" từ vài triệu tới hàng trăm triệu đồng. Mặc dù địa phương đã sử dụng nhiều phương pháp như đặt bẫy côn trùng, xịt thuốc trừ sâu, hay bắt tay đều không hiệu quả và tốn kém.
Để bảo vệ vùng cam tránh côn trùng phá hoại, những năm qua, ngoài yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cây sinh trưởng tốt, các ngành, địa phương huyện Hương Khê đã hướng dẫn bà con sử dụng chế phẩm sinh học kết hợp phủ màn lên cây cam.
Với phương pháp phủ màn này, cây cam vừa ngăn được sâu bọ, bướm chích, vừa giúp quả mọng, đẹp và đảm bảo chất lượng, không thuốc trừ sâu.
Mùa thu hoạch cam Khe Mây bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 3 (âm lịch) năm sau. Giữa tháng 7, để tránh quả cam bị ruồi vàng, bướm và bọ xít đốt, ông Đinh Văn Oánh ở xã Hương Đô đã đặt mua hàng nghìn tấm màn lưới hình vuông của Công ty May 10 (Hà Nội), cạnh 2-5 m về trùm lên cây chống côn trùng. Mỗi ha cam ông sẽ dùng 500 chiếc màn mắc cho 500 cây.
“Tính ra mỗi màn có giá 150.000 đồng, phủ 1 cây sử dụng được tối thiểu 2 năm. Vậy mỗi năm chỉ bỏ ra 75.000 đồng/cây, nếu so với việc sử dụng các biện pháp khác thì cách làm này đắt hơn nhưng cho hiệu quả và sản phẩm sạch”, ông Oánh nói.
Cây cam Khe Mây cao khoảng 2 m, tán rộng 2,5 m, cần 2 người trùm màn. Khi đó, một người cầm sào tre nâng màn vắt qua cây, người đối diện sẽ gom màn trùm cây lại, sau đó lấy đá đè xuống đất để không bị bung ra. Một ngày, 2 người có thể trùm màn cho 80 gốc cam.
Theo ông Oánh, màn được bọc xuyên từ tháng 7 cho đến khi kết thúc vụ. Khi mắc màn, lá và quả cam vẫn hấp thụ được ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, nhược điểm duy nhất là sức nặng của màn đè lên bộ lá, ảnh hưởng tới sự sinh trưởng và phát triển của cây.
Dù vậy, đồi cam của ông luôn đạt năng suất 15-20kg quả/cây. Cứ đến mùa thu hoạch, thương lái lên tận vườn mua với giá từ 40.000-60.000 đồng/kg, xuất bán tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước... Kết thúc mỗi vụ, 10.000 gốc cam trên diện tích 20ha của gia đình ông Oánh thu về khoảng 5 tỷ đồng.
Gia tăng lợi ích, giảm thiểu chi phí
Năm nay, HTX nông nghiệp cam Khe Mây Long Nhâm (xã Hương Đô) tiếp tục nhân rộng mô hình phủ màn cây cam cho hơn 30 hộ trồng trên diện tích gần 70ha với hàng nghìn gốc cam xã Đoài và V2 đang cho thu hoạch.
![]() |
Tuy chi phí đầu tư mua màn, thuê người bọc cam hơi cao nhưng kết quả mang là rất lớn. |
Ông Đinh Văn Nhâm, Giám đốc HTX cho biết ngoài phủ màn, HTX còn hướng dẫn bà con trồng cam dùng túi bọc từng quả hoặc tự chế chất dính có mùi để bẫy côn trùng.
Tuy đầu tư ban đầu hơi cao, nhất là chi phí đặt mua màn, thuê người bọc cam nhưng kết quả mang lại là rất lớn. 100% diện tích cam của HTX được bảo vệ an toàn, không cần sử dụng thuốc trừ sâu nhưng cam vẫn không bị hư hỏng bởi sâu bọ châm chích.
Ngoài ra, với những quả cam bị hỏng, các thành viên cắt bỏ để ủ phân, tạo chế phẩm hoặc rắc vôi bột, chôn lấp xa khu vực trồng để đảm bảo cây không nhiễm bệnh.
Để phát triển vùng cam nguyên liệu của địa phương, từng bước tạo thương hiệu trên thị trường, HTX trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với Chương trình OCOP. Các quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh đều có sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ và thành viên HTX.
Thành công từ mô hình ở HTX Long Nhâm cũng như ông Đinh Văn Oánh đã có tác động mạnh mẽ đến các hộ nông dân sản xuất cam trên địa bàn và nhiều tỉnh, thành khác học hỏi. Từ đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn cho người sản xuất và chất lượng sản phẩm...
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Hương Đô cho biết: Từ khi áp dụng kỹ thuật “mắc màn” cho cam, tình trạng sâu, bướm châm chích giai đoạn quả bắt đầu chín làm quả rụng hàng loạt đã không còn là nỗi ám ảnh của bà con vùng Khe Mây.
“Vụ cam năm nay được mùa, ước tính toàn xã thu hoạch đạt sản lượng khoảng 400 tấn. Cam được mùa nhưng ảnh hưởng của dịch bệnh khiến giá bán, lượng tiêu thụ giảm. Giá cam tại vườn từ 25.000-40.000 đồng/kg, có hộ bán giá cao hơn vì đã có thương hiệu”, ông Sơn nói.
Hiện nay, người dân, HTX đang thu hoạch tiêu thụ dần bằng việc bán ra các tỉnh lẻ, đồng thời áp dụng các hình thức bán, quảng bá thương hiệu trên sàn thương mại điện tử.
Ông Sơn cho biết thêm: "Thời gian tới, ngoài tăng cường tập huấn, hướng dẫn người dân thực hiện tốt quy trình chăm sóc, Hương Đô sẽ có thêm chính sách hỗ trợ các hộ trồng cam sử dụng phương pháp “mắc màn” cho cây. Từ đó, bảo vệ thương hiệu đặc sản địa phương, giúp bà con tăng thêm thu nhập, xây dựng vùng sản xuất sinh thái bền vững".
Mai Ngọc