Cùng với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, hơn 5 năm qua, huyện Vị Xuyên đã lựa chọn các cây, con có thế mạnh để phát triển như chè hữu cơ, cây ăn quả VietGAP, đồng thời bổ sung các mô hình mới đã bắt đầu cho thấy hiệu quả tích cực trong thời gian qua như sản xuất rau công nghệ cao theo hướng an toàn sinh thái.
Chú trọng kỹ thuật sản xuất
Chè Chốt là một trong những cây trồng truyền thống của nông dân Vị Xuyên, đến nay vẫn cho thấy những tiến bộ không ngừng, với sự hình thành của các mô hình liên kết chuỗi, trong đó có các HTX.
Chè Chốt Vị Xuyên nâng tầm giá trị nhờ sản xuất theo hướng an toàn sinh thái. |
Đơn cử, vẫn là những búp chè shan tuyết cổ trên những điểm cao năm xưa nhưng nay được HTX Chè Chốt 468, xã Thanh Thủy cải tiến bằng phương pháp trồng hữu cơ, cho ra sản phẩm chè chất lượng cao hơn hẳn.
Giám đốc HTX Lý Văn Phúc cho biết: “Nhờ khí hậu thuận lợi, nguồn nước sạch dồi dào là điều kiện thuận lợi cho những cây chè Shan của thành viên HTX phát triển và đem lại tiềm năng kinh tế dồi dào. Tuy nhiên, nếu không chăm sóc đúng theo quy trình thì việc trồng trên quy mô lớn rất khó khăn”.
Để khai thác được những búp chè non, đúng kỹ thuật, các thành viên trong HTX đã phải cùng nhau học hỏi kinh nghiệm về việc hái chè, chăm sóc, làm cỏ, tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất, HTX chú trọng tiêu chuẩn sản xuất sạch, kiểm soát chặt chẽ các khâu sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Thay vì sử dụng các loại phân hóa học, HTX chuyển sang dùng phân hữu cơ vi sinh và phân ủ sinh học bón cho cây chè.
Phân hữu cơ chứa các chất dinh dưỡng khoáng đa, trung và vi lượng giúp cây chè phát triển xanh tốt lâu dài. Ngoài ra, còn cung cấp chất mùn giúp cải tạo đất, làm tăng độ phì nhiêu, độ tơi xốp, thúc đẩy bộ rễ cây chè phát triển. Phân hữu cơ khi được bón vào đất còn giúp gia tăng ổn định kết cấu đất, giúp hạn chế xói mòn, lở đất, giảm thiểu hạn hán ở khu vực đồi núi mà HTX đang canh tác.
“Nhờ sản xuất khoa học, thân thiện môi trường, giá trị cây chè của HTX Chè Chốt 468 ngày càng tăng. Những năm trước, chè thu hái xong, người dân phải đi bộ mấy chục cây số mới bán được với giá chỉ 10.000 đồng/kg chè tươi. Nhưng đến nay, vì có HTX đứng ra thu mua với giá 18.000 - 19.000 đồng/kg. Trung bình mỗi tháng, thành viên hái đúng 1 vụ và HTX đứng ra thu mua với số lượng khoảng 7 tạ chè tươi phục vụ chế biến”, Giám đốc Lý Văn Phúc cho hay.
Lan tỏa các mô hình điểm
Nếu chè là cây trồng truyền thống thì mô hình trồng rau an toàn là hướng đi mới của nhiều người dân huyện Vị Xuyên những năm qua. Theo thống kê, toàn huyện đang có gần 10 ha trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP, hữu cơ, có ứng dụng công nghệ cao.
Mô hình trồng rau an toàn đang là hướng đi mới đầy tiềm năng ở Vị Xuyên. |
HTX Học Lập, thôn Làng Vàng, thị trấn Vị Xuyên là một trong những điểm sáng trong trồng rau an toàn, tạo ra những sản phẩm sạch nhờ sản xuất thân thiện môi trường, nói không với hóa chất độc hại. Sản phẩm của HTX hiện được thị trường trong và ngoài huyện ưa chuộng, lên kệ nhiều siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
Theo lãnh đạo UBND huyện Vị Xuyên, nhờ những quyết sách mạnh mẽ từ huyện đến cơ sở; sản xuất nông nghiệp Vị Xuyên đạt nhiều kết quả quan trọng, năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm các loại cây trồng trên địa bàn huyện đều tăng.
Đơn cử, trong trồng trọt, toàn huyện có 677,6 ha cây cam các loại. Năng suất cam bình quân các năm đạt 10 - 12 tấn/ha, sản lượng đạt trên 800 tấn, cây cam đem lại nguồn thu nhập tương đối cao cho người dân.
Hiện Vị Xuyên có 2 HTX Minh Thành và HTX Hương Cam và 3 Tổ hợp tác sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGap với tổng diện tích 84,1 ha/146 hộ, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, hộ đầu tư thâm canh cho năng suất cao đạt 20 - 25 tấn/ha. Việc sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP đã cho năng suất, chất lượng cao hơn, được thị trường ưa chuộng, mang lại hiệu quả kép về kinh tế và môi trường.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, huyện Vị Xuyên đang tập trung phát triển theo quy mô trang trại, gia trại. Toàn huyện hiện có 78 trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, trong đó có 2 trang trại và 76 gia trại.
Có thể thấy, bằng việc vận dụng linh hoạt các chính sách của tỉnh và hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế điển hình, huyện Vị Xuyên đang từng bước cụ thể hóa việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh với mục tiêu cốt lõi là nâng cao giá trị thu hoạch/ha cây trồng, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng sẽ là mục tiêu chiến lược được ngành nông nghiệp huyện chú trọng trong thời gian tới.
Lệ Chi