Mô hình hội quán nông nghiệp đang lan tỏa tích cực tại Đồng Tháp (Ảnh Tư liệu) |
Lan tỏa các mô hình Hội quán
Khởi phát từ mô hình nông nghiệp Canh Tân Hội quán thành lập vào năm 2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành, đến nay Đồng Tháp đã có hơn 90 hội quán, với trên 5.000 thành viên.
90 hội quán là 90 không gian cộng đồng được thành lập theo nguyên tắc “tự nguyện, tự lực, tự quản” và được xem là “đặc sản” của vùng đất Sen hồng.
Đồng Tháp cũng là địa phương đầu tiên ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hình thành, phát huy hiệu quả mô hình hội quán dựa vào nhu cầu thực tiễn của người nông dân.
Từ hội quán đã tạo ra nhiều mô hình mới, cách làm hay như mô hình “Cây cam vườn tôi” của Đông Tân Hội quán, xã Tân Thuận Đông, TP Cao Lãnh đến nay đã bán được 40 cây, với 400 triệu đồng.
Mô hình “Cây xoài nhà tôi” của HTX Mỹ Xương, xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh. Với mô hình này, khách hàng chỉ cần một vài thao tác “click chuột” là có thể sở hữu được 1 cây xoài ưng ý (trồng tại vườn của HTX Mỹ Xương).
Khách hàng có thể theo dõi thông tin tình trạng cây xoài và được trải nghiệm hái trái khi cây đến mùa thu hoạch. Đến nay, HTX Mỹ Xương đã bán được 340 cây với doanh thu khoảng 1,3 tỷ đồng.
Các hội quán đã và đang góp phần xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho các sản phẩm đặc thù như xoài Cao Lãnh, xoài Cát chu Cao Lãnh, chanh Cao Lãnh, hoa kiểng Sa Đéc, quýt hồng Lai Vung… đồng thời, tạo nên những lợi ích tuyệt vời về môi trường sinh thái.
Chính từ mô hình hội quá, tỉnh Đồng Tháp đã và đang phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án “Làng thông minh” giúp người nông dân tự tìm hiểu về nhu cầu giáo dục, kết nối làm ăn, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
Các HTX thành lập từ hội quán nông nghiệp có nền tảng phát triển vững vàng (Ảnh TL) |
“Lên đời” HTX, hướng tới sản xuất an toàn
Từ nền tảng của các mô hình hội quán nhiều HTX đã được thành lập và trở thành điểm tựa sản xuất an toàn, bền vững, hiệu quả cao cho nông dân tại Đồng Tháp.
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp đã có 17 HTX được thành lập từ 18 Hội quán, trong đó nhiều HTX xây dựng, kết nối liên kết tiêu thụ nông sản thành công. Đáng chú ý, với nền tảng kỹ thuật sẵn có từ khi sinh hoạt trong hội quán, các HTX đặc biệt chú trọng đến sản xuất an toàn, khoa học – kỹ thuật và môi trường sinh thái.
Điển hình như HTX xoài Mỹ Xương (TP.Cao Lãnh), nhờ chất lượng vượt trội, sản phẩm của HTX đang chinh phục hàng loạt thị trường khó tính từ khắp châu Á, châu Âu đến châu Mỹ xa xôi.
Ông Võ Việt Hưng – Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, cho biết nếu như trước đây, nhà vườn chỉ dựa vào kinh nghiệm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, thì nay việc trồng xoài dựa vào kỹ thuật, công nghệ, loại bỏ các loại hóa chất gây hại cho môi trường.
“100% thành viên HTX hiện nắm vững quy trình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, được cấp mã số vùng trồng, đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường xuất khẩu. Không chỉ nâng cao lợi ích kinh tế, sản xuất sạch còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Hưng cho hay.
Sở hữu vườn xoài rộng 1,5 ha đang trong thời kỳ thu hoạch, ông Võ Hữu Hiền – thành viên HTX xoài Mỹ Xương, chia sẻ từ khi áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, gia đình đã giảm được khoảng 80% các loại phân thuốc hóa học.
“Trước đây, thông thường mỗi vụ phải tốn 8 - 10 lần phun thuốc bảo vệ thực vật, sản lượng chỉ đạt 15 - 16 tấn/ha. Áp dụng công nghệ mới chỉ cần 1 - 2 lần thuốc (được chọn lựa kỹ càng, đúng danh mục cho phép) nhưng sản lượng lại đạt đến 20 tấn/ha”, ông Hiền tiết lộ.
Hay như HTX Dịch vụ nông nghiệp Bình Hàng Trung có hơn 500 thành viên, vốn điều lệ trên 1 tỷ đồng. Bình Hàng Trung là HTX thứ 4 ở Đồng Tháp được thành lập dựa trên hoạt động của hội quán.
HTX thành lập hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên với giá cả hợp lý, hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất sạch theo hướng hữu cơ, gia tăng giá trị kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, mở rộng thị trường cho sản phẩm.
Những thành công đang có cho thấy lĩnh vực kinh tế hợp tác, HTX và hội quán đang “cộng hưởng” sức mạnh, góp phần quan trọng vào kết quả đạt được của ngành nông nghiệp Đồng Tháp.
Mô hình hội quán thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, phát huy tính chủ động, sáng tạo, cách làm hay trong sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường, trở thành nền tảng hình thành và phát triển các HTX mới.
Hưng Nguyên