Trong 5 năm qua, kinh tế nông nghiệp của Lương Sơn đã có bước chuyển mình quan trọng, góp phần củng cố thế và lực cho địa phương trong giai đoạn phát triển mới. Trên địa bàn huyện dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Phát huy lợi thế
Những điều kiện về địa hình và khí hậu giúp xã Long Sơn (Lương Sơn) có nhiều lợi thế để phát triển mô hình chăn nuôi dê. Để liên kết người dân phát triển sản xuất, nâng cao giá trị, HTX nông nghiệp Hòa Bình được thành lập vào năm 2017.
Các HTX đang góp phần phát huy những lợi thế chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn huyện Lương Sơn (Ảnh TL) |
Anh Nguyễn Mạnh Linh - đại diện HTX Hòa Bình, cho biết sau hơn 3 năm hoạt động, HTX đang phát triển ổn định, doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Để đảm bảo giá trị bền vững, HTX áp dụng quy trình chăn nuôi dê theo tiêu chuẩn VietGAP, địa điểm chăn nuôi được bố trí khoa học, gồm các khu nuôi dê chửa, dê con, kho thức ăn, khu nuôi cách ly và khu xử lý nước thải.
Chuồng trại của các hộ thành viên HTX được xây dựng kiên cố, cao ráo, được vệ sinh thường xuyên, tạo môi trường trong sạch cho vật nuôi phát triển, đồng thời hạn chế các nguồn vi khuẩn, vi sinh vật gây hại cho sức khỏe con người.
Nguồn chất thải chăn nuôi được HTX thu gom và xử lý đúng cách trước khi xả ra môi trường. Một phần chất thải được HTX tận dụng để xử lý vi sinh, ủ hoai mục thành phân bón phục vụ trồng trọt.
Nhờ chăn nuôi khoa học, HTX đang góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Hiện tại, thịt dê tươi đóng gói của HTX đang bán với giá 450.000 đồng/kg, thịt dê đông lạnh là 660.000 đồng/kg. Mức giá khá cao nhưng theo Giám đốc Nguyễn Mạnh Linh, sản phẩm của HTX làm ra đến đâu “cháy hàng” đến đó.
Ở xã Thành Lập, HTX nông sản hữu cơ Đồng Sương cũng đang khẳng định dấu ấn trong phát triển nông nghiệp sạch. HTX được thành lập năm 2017, phát triển sản xuất trên diện tích hơn 3 ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường trên 70 tấn rau, củ, quả các loại.
Giám đốc HTX Hoàng Thị Thức cho biết, ngay từ khi bắt tay vào sản xuất, HTX đã chủ trương "nói không" với lạm dụng hóa chất độc hại, ưu tiên phân bón hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc tự nhiên, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Phương thức sản xuất sạch giúp HTX Đồng Sương giảm thiểu ô nhiễm môi trường và liên tục nâng cao lợi nhuận cho thành viên, hiện đạt 5 - 8 triệu đồng/người/tháng, gấp nhiều lần so với trồng lúa truyền thống.
Đẩy mạnh liên kết
Được thành lập năm 2011, HTX rau hữu cơ Lương Sơn, xã Thành Lập đang gây ấn tượng mạnh nhờ triển khai hiệu quả liên kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và nhà doanh nghiệp.
Nhờ liên kết, nông dân nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm (Ảnh TL) |
HTX Lương Sơn hiện có 14 thành viên, sản xuất trên diện tích hơn 6.000 m2, chuyên canh các loại rau hữu cơ theo chuẩn VietGAP, với sản lượng bình quân 1,8 - 2 tấn rau/tháng.
Đáng chú ý, rau của HTX đang được canh tác theo chuẩn PSG (tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ), đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình này đòi hỏi môi trường đất, nước, giống tiêu chuẩn cao và “nói không” với hóa chất độc hại như thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ và phân hóa học.
Thực tế, những năm qua, cùng với sự phát triển của HTX, huyện Lương Sơn đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như mô hình trồng bưởi da xanh, bưởi Diễn cho thu nhập trên 350 triệu đồng/ha; trồng nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha; trồng rau hữu cơ thu nhập trên 300 triệu đồng/ha; trồng bí xanh thu nhập trên 120 triệu đồng/ha/vụ...
Dựa trên những kết quả đang có, lãnh đạo huyện Lương Sơn cho hay sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao vai trò của HTX, tổ hợp tác, tăng cường liên kết để nâng cao giá trị sản xuất.
Nhật Minh