Ngày nào chị Thu Hà (Hà Nội) cũng ra chợ để mua thực phẩm về chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, công việc tưởng chừng đơn giản nhưng với chị lại không dễ, đặc biệt trong bối cảnh thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan tại các khu chợ hiện nay.
Tuy nhiên, hiện nỗi lo đó đã được loại bỏ khi nhiều cửa hàng nông sản và thực phẩm an toàn được triển khai rất nhiều trên địa bàn TP Hà Nội với các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tem mác rõ ràng, được chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Dễ dàng quản lý
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2019, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho Hà Nội, đến nay đã xây dựng 766 chuỗi (tăng 223 chuỗi so với năm 2018).
Riêng Hà Nội duy trì và phát triển 138 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; cấp giấy xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 8 cơ sở với 18 điểm kinh doanh thực phẩm của nhiều chuỗi an toàn được sản xuất trên địa bàn thành phố và các địa phương.
Năm 2019, toàn thành phố đã cấp mã tài khoản quản trị cho 2.718 cơ sở HTX, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất - kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn (tăng 734 cơ sở so với năm 2018); đã cấp mã QRcode truy xuất minh bạch thông tin cho hơn 7.288 mã sản phẩm của 867 doanh nghiệp (tăng 34% so với năm 2018)...
Ngoài ra, Hà Nội đã hoàn thiện quy chế và vận hành thí điểm chợ thương mại điện tử, đến nay đã tạo lập hơn 200 gian hàng cho các doanh nghiệp, chuỗi giá trị, cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn trên trang giao dịch trực tuyến của chợ.
Việc xây dựng chuỗi không những bảo đảm nông sản sạch cho người tiêu dùng Thủ đô mà còn góp phần đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch trên địa bàn thành phố như: Quy hoạch chăn nuôi, thủy sản, giết mổ, sơ chế, chế biến..., từng bước hình thành các vùng nguyên liệu để doanh nghiệp thu mua sản phẩm phục vụ chế biến và xuất khẩu. Hơn nữa, các chuỗi nông sản an toàn còn làm thay đổi lớn trong nhận thức của các doanh nghiệp, hộ sản xuất về bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn cho TP Hà Nội giai đoạn 2015-2020 với mục tiêu sản phẩm rau, thịt, nông sản đưa về tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội được truy xuất nguồn gốc, xuất xứ.
Hà Nội tiếp tục cùng các tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường, khuyến khích tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tại các địa phương ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ...
Việc xây dựng chuỗi không những bảo đảm nông sản sạch cho người tiêu dùng Thủ đô mà còn góp phần đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch trên địa bàn thành phố |
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Không chỉ tạo điều kiện cho công tác quản lý, các đơn vị cung ứng nông sản cũng được hưởng lợi từ mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm an toàn nói trên.
Theo đại diện của HTX Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), trước đây, HTX đã đầu tư sản xuất 61 ha rau an toàn, cung ứng cho thị trường khoảng 2 tấn rau/ngày và đã được chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP nhưng vẫn gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ bởi tâm lý hoài nghi của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, vấn đề đã được giải quyết khi tham gia chuỗi cung ứng nông sản an toàn của thành phố, HTX không chỉ có thêm đầu ra ổn định cho sản phẩm mà còn xây dựng được niềm tin đối với khách hàng.
Tương tự, tận dụng địa thế đồi gò, khí hậu mát mẻ, những năm qua, HTX Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) đã phát triển mạnh mô hình liên kết sản xuất chè theo hướng VietGAP. Giám đốc HTX Đào Thị Quý cho biết, đơn vị đang liên kết với các hộ dân thuộc 3 xã: Bắc Sơn, Xuân Giang, Trung Giã canh tác 250 ha chè sạch. Các hộ tham gia liên kết được hỗ trợ giống, vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật và bao tiêu một phần sản phẩm.
Nhờ phương thức sản xuất theo hướng thâm canh, ứng dụng cơ giới hóa và tiêu chuẩn an toàn, sản lượng chè đạt được trung bình từ 60 – 100kg/sào/lứa. Được sự hỗ trợ của Liên minh HTX TP Hà Nội và các sở ngành, chè an toàn Bắc Sơn đã được cấp chứng nhận VietGAP và công nhận nhãn hiệu tập thể. Nhờ đó, việc tiêu thụ sản phẩm đã dễ dàng hơn.
Theo đánh giá, các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn nói chung đang giúp gia tăng từ 17 – 25% giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho xã viên, thành viên các HTX.
Nhận thức được những hiệu quả cao mà chuỗi giá trị nông sản an toàn mang lại, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ mở rộng hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR Code nhằm minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Đến cuối năm 2020 sẽ có 100% chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR Code; tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ, chợ bán lẻ đạt từ 30% - 50%.
Minh Khuê