Nổi tiếng là nông sản sạch với sản phẩm chủ lực là rau, củ, quả các loại, cung ứng cho các hệ thống siêu thị, các khu công nghiệp, nhà hàng và các cửa hàng bán lẻ trong và ngoài nước, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Tp.Đà Lạt, Lâm Đồng) còn có 2 cửa hàng rau sạch tại Tp.HCM.
“Nhân tố” HTX Anh Đào
Đây là cửa hàng đầu tiên giới thiệu với người tiêu dùng Tp.HCM về nguồn gốc xuất xứ của rau VietGAP được sản xuất tại Đà Lạt để minh chứng cho khách hàng yên tâm với cam kết chúng tôi quan tâm sức khỏe người tiêu dùng về sản phẩm của HTX.
Bởi chất lượng sạch và giá thành sản phẩm hợp lý nên thương hiệu rau VietGAP của HTX Anh Đào ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Nhất là đã và đang phân phối tại nhiều siêu thị tên tuổi ở hầu khắp các vùng miền trong nước và xuất sang một số nước châu Á với số lượng lớn. Đặc biệt, rau củ quả của HTX này lâu nay đã xâm nhập những thị trường khó tính (yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng) như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc…
Theo ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc HTX Anh Đào, ngoài đất của HTX và thành viên, Anh Đào còn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với cả trăm cá nhân, đơn vị khác với tổng diện tích đất chuyên canh rau củ theo tiêu chuẩn VietGAP lên đến gần 270 ha.
Đến nay, HTX Anh Đào đã hình thành quy trình khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế và phân phối. HTX cung cấp cây giống chất lượng cùng những loại thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục an toàn và cử kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho thành viên. Bên cạnh đó, HTX còn bao tiêu toàn bộ sản phẩm, sơ chế tại nhà xưởng rồi dùng xe đông lạnh vận chuyển đến tận các siêu thị, cửa hàng để đảm bảo rau đạt chất lượng tốt nhất.
Ngoài HTX Anh Đào, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng thành công 54 chuỗi sản xuất - kinh doanh nông sản an toàn, trong đó có 29 chuỗi rau, 17 chuỗi chè, 3 chuỗi hoa, 4 vùng chăn nuôi heo VietGAP…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khảo sát chuỗi rau an toàn của HTX ở Lâm Đồng |
Làm theo chuỗi khép kín
Lâm Đồng hiện có 125 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ với sự tham gia liên kết của 75 doanh nghiệp, 35 HTX, 42 THT, cơ sở nhỏ lẻ và 12.570 hộ nông dân.
Phần lớn nông dân, HTX đã liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 68 chuỗi liên kết đã được các tổ chức trong nước và quốc tế chứng nhận về chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm tiêu thụ qua chuỗi, đặc biệt đối với các sản phẩm rau, củ quả tươi tiêu thụ tại các thị trường cao cấp có tăng giá trị sản phẩm cao hơn 20 - 25%.
Quy trình sản xuất an toàn của các HTX trong tỉnh được tổ chức khép kín từ khâu canh tác, thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ. Sản phẩm sau thu hoạch về đến kho sẽ được bảo quản trong phòng lạnh, vận chuyển tiêu thụ bằng xe chuyên dùng, nhờ vậy giảm thiểu sự thất thoát trong khâu thu hoạch, nâng cao được chất lượng và giá trị hàng hóa.
Trong mô hình liên kết trồng - cung ứng rau sạch, cùng với doanh nghiệp, các đơn vị là HTX, THT của tỉnh Lâm Đồng luôn đóng vai trò đầu tàu, ký kết hợp đồng tiêu thụ rau với chuỗi siêu thị, nhà hàng. Trong khi đó, thành viên hoặc hộ nông dân liên kết có nhiệm vụ canh tác rau theo quy trình an toàn, đến kỳ thu hoạch chỉ việc đưa rau đến xưởng sơ chế để đóng gói, chuyển đi tiêu thụ.
Được biết, Lâm Đồng đang hướng tới mục tiêu trở thành thiên đường rau sạch. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có khoảng 15.433 ha rau sản xuất ứng dụng công nghệ cao như phương pháp thuỷ canh, công nghệ canh tác đảm bảo an toàn thực phẩm, công nghệ bảo quản sau thu hoạch…
Thanh Loan