HTX đang góp phần nâng tầm thương hiệu rau Cần Giuộc |
Điểm tựa cho nông dân
Được thành lập tư năm 2012, HTX Phước Thịnh (xã Phước Hậu) hoạt động theo hướng đa năng, đa nghề, trực tiếp cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, trang thiết bị, tổ chức sản xuất cho thành viên. HTX còn là nơi tập kết các sản phẩm rau sau thu hoạch, tiến hành sơ chế, làm sạch rau và đóng gói.
Qua 7 năm đi vào hoạt động, HTX đang có 60 thành viên, sản xuất rau công nghệ cao theo hướng an toàn trên diện tích 30 ha, trong đó có 7,2 ha rau đạt chuẩn VietGAP với các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Ông Đặng Duy Dũng – Giám đốc HTX, cho biết: “Để phát huy hiệu quả sản xuất, ngay từ khi thành lập HTX đã phát triển theo hướng hiện đại, tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh môi trường, đảm bảo tạo ra những sản phẩm chất lượng cao để phục vụ thị trường”.
Không chỉ đem lại lợi ích cho thành viên, HTX đang là điểm tựa sản xuất cho hơn 80 hộ dân liên kết trên địa bàn. Bên cạnh hỗ trợ về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, HTX đang là đơn vị cung cấp phân bón, trang thiết bị phục vụ sản xuất với giá thành hợp lý, có hỗ trợ trả chậm cho các hộ dân.
Cùng với HTX Phước Thịnh, trên địa bàn huyện Cần Giuộc đang hình thành hàng loạt HTX, tổ hợp tác phát triển trong lĩnh vực trồng rau an toàn. Cụ thể, theo số liệu thống kê, toàn huyện hiện có 16 HTX, 1 liên hiệp HTX, 22 tổ hợp tác, nhóm nông hộ chuyên sản xuất rau an toàn, với 739 nông dân tham gia.
Toàn huyện hiện có trên 1.800 ha chuyên canh rau màu, trong đó có 341 ha sản xuất rau an toàn. Thực hiện chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đã có 6 HTX được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
Rau Cần Giuộc đang được phát triển theo hướng hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường sinh thái |
Đổi mới tư duy sản xuất
Ông Ngô Bảo Quốc – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc, đánh giá: “Hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác đóng vai trò quan trọng giúp người nông dân trên địa bàn huyện tiếp cận và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất rau nói riêng”.
Sự ra đời của các HTX cũng là chìa khóa thay đổi tư duy sản xuất của người dân tại các địa phương trên địa bàn huyện, qua đó tạo nên sức bật cho các sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đơn cử như tại HTX Phước Thịnh, nhờ áp dụng sản xuất VietGAP, 100% thành viên HTX đã chuyển từ sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu sang sản xuất tập chung, xây dựng các vùng rau chuyên canh, ứng dụng khoa học – kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Thay vì lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón như trước, hiện các thành viên HTX đã nắm chắc các nguyên tắc phòng trừ dịch hại an toàn, biết cách sử dụng thiên địch, thuốc trừ sâu sinh học chế từ tỏi, ớt… để trừ sâu bệnh, vừa gia tăng giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, vệ sinh thực phẩm.
“Sản xuất rau hữu cơ bảo vệ môi trường, trồng rau trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính, sản xuất rau theo phương pháp thủy canh,... đang là định hướng phát triển xuyên suốt của huyện trong những năm qua. Trong quá trình thực hiện, các HTX là một trong những đầu tàu dẫn dắt người nông dân”, ông Quốc nhấn mạnh.
Sự tham gia của các HTX đang mang lại hiệu quả tích cực khi sản phẩm rau Cần Giuộc đang dần khẳng định chỗ đứng trên thị trường với các sản phẩm an toàn cho người sử dụng, nông dân có thu nhập ổn định và cao hơn so với cách sản xuất truyền thống trước đây.
Nhật Minh