Nằm trên độ cao 1.400m, cao nhất huyện Mù Cang Chải, có địa hình đồng đất khá bằng phẳng, quanh năm giá lạnh, nhiệt độ trung bình năm 17-18oC, Nậm Khắt có điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi để phát triển mô hình trồng hoa công nghệ cao trên quy mô lớn.
HTX hoa Nậm Khắt đang dần khẳng định vai trò tại địa phương |
Điểm tựa cho thành viên
Sau nhiều năm thử nghiệm và gặt hái thành công với mô hình trồng hoa, anh Đỗ Xuân Công cùng 7 cộng sự đã quyết định thành lập HTX hoa Nậm Khắt, hướng đến phát triển sản xuất bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Giám đốc HTX Đỗ Xuân Công chia sẻ: “Để phát triển mô hình, HTX đứng ra thuê lại hơn 10 ha đất ruộng một vụ lúa của người dân, giá thuê bình quân 35 triệu đồng/ha/năm, thời gia thuê là 10 năm. 100% diện tích sẽ được HTX quy hoạch thành vùng hoa tập trung, phát triển theo hướng công nghệ cao, đảm bảo năng suất, hiệu quả kinh tế, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái”.
Theo đánh giá từ thực tế, toàn bộ diện tích được HTX thuê lại là đất lúa một vụ, năng suất cao nhất chỉ hơn 4 tấn/ha, vì vậy HTX thuê lại với giá 5 – 6 tấn/ha, người dân lại không phải đầu tư giống, phân bón và công lao động, là mức giá phù hợp, cả hai bên cùng có lợi.
Không chỉ đứng ra thuê đất, HTX còn tao điều kiện để người dân địa phương trở thành lao động chính với mức tiền công 130.000 – 200.000 đồng/người/ngày.
Chị Nguyễn Thị Nga – thành viên HTX, chia sẻ: “Chúng tôi triển khai các loại hoa cao cấp, giá trị cao được nhập từ các nước Pháp, Italia, Trung Quốc… với đủ các loại hoa hồng, cúc, ly, lay ơn… đáp ứng mọi nhu cầu của thị trường. Dự kiến, doanh thu bình quân có thể đạt 200 – 250 triệu đồng/ha/năm”.
HTX đang phát triển theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường |
Hoàn thiện quy trình sản xuất
Chia sẻ về hoạt động của HTX, Giám đốc Đỗ Xuân Công cho hay ngoài diện tích 10 ha mà HTX thuê lại của dân, nếu hộ nào trong khu muốn phát triển mô hình trồng hoa, HTX đứng ra hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, phân bón hữu cơ và sẵn sàng bao tiêu sản phẩm.
Để phát triển sản xuất an toàn, bền vững, các vùng trồng hoa của HTX sẽ được quy hoạch một cách khoa học, tuân thủ tuyệt đối các quy trình sản xuất sạch, giải quyết triệt để “bài toán” môi trường vốn là vấn đề nan giải của không ít HTX, làng nghề trồng hoa hiện nay.
Trong quá trình trồng hoa, các hộ sản xuất, người lao động của HTX sẽ được chuyển giao khoa học – kỹ thuật mới, hạn chế sử dụng các loại hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ… nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khoẻ cho người sản xuất và cộng đồng dân cư lân cận.
Các loại phân bón vi sinh, thuốc trừ sâu sinh học được ưu tiên. Vỏ bao bì các loại luôn được thu gom và xử lý đúng cách, tránh gây ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước, không khí tại địa phương, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Đánh giá về tiềm năng của mô hình trồng hoa và hoạt động của HTX, ông Thào A Pá – Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt, chia sẻ: “Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, những năm qua, xã đã chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại gắn với bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả cao, trong đó mô hình trồng hoa là một điểm sáng. Sự ra đời của HTX không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn có đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại của xã”.
Mộc Miên