Làng rau VietGAP Thuận Nghĩa (khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong) tồn tại hàng trăm năm nay được ví như biểu tượng văn hóa thuần nông của đất võ Tây Sơn. Khối Thuận Nghĩa hiện có 470 hộ dân thì có 224 hộ dân tham gia làng rau, với tổng diện tích 36 ha.
Tạo cú hích giảm nghèo
Là một làng rau truyền thống, song phương thức sản xuất ở Thuận Nghĩa lại rất tân tiến. Các hộ sản xuất với sự dẫn dắt của HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa đang ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Đến nay, làng rau đã có 19,5 ha được công nhận là rau VietGAP với thương hiệu Lá Lành.
Giám đốc Quách Văn Cầu cho biết, HTX hiện có 6 nhóm sản xuất, được hỗ trợ để ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật. Nhờ sản xuất khoa học, HTX đang có bước phát triển ổn định, duy trì đà tăng trưởng 15 - 30%/năm về doanh thu. Theo đó, đời sống của thành viên, người lao động ngày càng được nâng cao với thu nhập bình quân 100-250 triệu đồng/ha/năm.
Làng rau Thuận Nghĩa là vùng sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao tại Tây Sơn. |
Cũng gặt hái thành công nhờ sản xuất sạch, HTX nông nghiệp Tây Bình, xã Tây Bình đang là đầu tàu dẫn dắt hàng chục hộ thành viên và nông dân liên kết phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Nhờ sản xuất khoa học gắn với bảo vệ môi trường đang giúp các cánh đồng lớn của HTX đạt năng suất bình quân 6,8 - 7,4 tấn/ha, thâm canh có thể đạt trên 7,5 tấn/ha. Các giống lúa có khả năng thích hợp trên nhiều chân đất khác nhau, khả năng chịu ngập và chịu phèn mặn khá tốt.
Gần 30 năm gắn bó với nghề trồng lúa, bà Lê Thị Hoa, khối Thuận Nghĩa cho biết, trước đây, khi chưa vào HTX, sản xuất nhỏ lẻ khiến năng suất lúa không cao, thương lái thường xuyên ép giá, thu nhập bấp bênh nên cái nghèo cứ đeo bám mãi.
“Năm 2019, tôi được tạo điều kiện tham gia vào HTX, được chuyển giao khoa học, kỹ thuật, sản xuất theo quy trình hữu cơ, giúp năng suất, chất lượng lúa được nâng lên đáng kể, đạt 5 - 7 tấn/ha/vụ. Hơn nữa, được HTX hỗ trợ bao tiêu nên giá bán cũng ổn định, thu nhập khá hơn”, bà Hoa phấn khởi nói.
Thúc đẩy vai trò của HTX
Có thể thấy, vai trò của các HTX đang thể hiện rất rõ nét trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp ở Tây Sơn. Đến nay, trên địa bàn huyện có 26 HTX nông nghiệp với 20.755 thành viên, số lao động thường xuyên là gần 300 người. Gần 100% thành viên sử dụng ít nhất 2 dịch vụ của HTX (chủ yếu là dịch vụ thủy lợi, làm đất, thu gom rác thải).
Những năm qua, số lượng HTX thực hiện liên kết với doanh nghiệp ngày càng tăng, chủ yếu trong lĩnh vực lúa giống, lúa thương phẩm, trong đó có 1 HTX được công nhận OCOP 3 sao (HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa).
Một số HTX đã mạnh dạn nghiên cứu thị trường, tiếp nhận sự hỗ trợ của các chương trình/dự án phát triển các dịch vụ, ngành nghề mới phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của thành viên như: dầu phộng (HTX nông nghiệp Thượng Giang), liên kết và tiêu thụ sản phẩm rau (HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa).
Các HTX cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như: sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, nhà màng, công nghệ tưới tự động, tưới tiết kiệm nước... Hầu hết các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện thực hiện mô hình vừa quản lý, vừa điều hành.
Các HTX tiếp tục được định hướng là điểm tựa xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nông dân. |
Thực tế đã cho thấy kinh tế hợp tác với nòng cốt là các HTX trên địa bàn huyện Tây Sơn đang trở thành chủ thể quan trọng, góp phần phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo, tạo bình đẳng giới, tạo việc làm, phát triển kinh tế bao trùm, chuyển đổi kinh tế và lao động phi chính thức sang chính thức, thích ứng biến đổi khí hậu, chuyển đổi số...
Vì vậy, thời gian tới, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ địa phương, các HTX cần phát huy nội lực, đổi mới phương thức quản lý kinh doanh, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu hội nhập, toàn cầu hóa nền kinh tế, từ đó tạo điểm tựa cho thành viên nâng cao giá trị sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Nông nghiệp gắn với du lịch
Từ hiệu quả của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hữu cơ, VietGAP, cùng những đóng góp của các HTX, doanh nghiệp, huyện Tây Sơn đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, tạo nên những giá trị xanh, bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động ngày càng mạnh.
Tại vườn ổi ruby Đài Loan của hộ bà Lê Thị Mỹ Hạnh, xã Bình Thuận, diện tích hơn 2 ha trồng 600 gốc ổi và có xen kẽ trồng mãng cầu. Để cải tạo đất và để quả ổi có chất lượng tốt, bà Hạnh sử dụng phân bón hữu cơ đạm cá, chế phẩm EM và Trichoderma.
Nhờ sản xuất sạch, cây ổi ruby cho quả to đều, ruột đỏ đẹp mắt, có mùi thơm nhẹ và giòn, rất ít hạt. Không chỉ cho năng suất cao, vườn ổi của bà Hạnh được địa phương định hướng phát triển du lịch trải nghiệm nhà vườn, cho du khách tham quan, trực tiếp chăm sóc, hái quả.
Tương tự, đến với vườn trồng rau ngò gai và rau răm gần 12 ha tại xã Tây An của anh Nguyễn Văn Hào, du khách có thể trải nghiệm tham quan khu canh tác công nghệ cao, trực tiếp trải nghiệm các khâu trồng, chăm sóc các loại rau màu…
Đáng chú ý, các nhà vườn được định hướng phát triển du lịch trải nghiệm được kết nối với vùng trồng rau Thuận Nghĩa, từ đó tạo nên một “hệ sinh thái” đa dạng cho du khách trải nghiệm. Dù mới chỉ ở giai đoạn đầu, những nếu có sự đồng hành của cả địa phương, HTX, doanh nghiệp và đặc biệt là các hộ dân, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch hứa hẹn nhiều tiềm năng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Theo báo cáo của UBND huyện Tây Sơn, từ đầu năm 2020 đến nay, doanh thu du lịch của huyện tăng đáng kể. Năm 2021 thu hút 90 nghìn lượt khách, doanh thu 3,8 tỷ đồng, năm 2022 thu hút 226 nghìn lượt/8,8 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023 đã thu hút hơn 112 nghìn lượt khách/6,2 tỷ đồng.
Du lịch đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành thương mại, dịch vụ, du lịch. Một trong những cơ sở để Tây Sơn phát triển du lịch sinh thái là trên địa bàn huyện hiện có 21 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng được các cấp công nhận, 11 khách sạn, 19 nhà nghỉ, 50 nhà hàng và 1.291 cơ sở kinh doanh cá thể hoạt động ở lĩnh vực lưu trú, ăn uống.
Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Thuận Nghĩa cho biết: “Những năm gần đây, có nhiều du khách tìm về làng rau VietGAP Thuận Nghĩa để tham quan, tìm hiểu nét văn hóa của người dân địa phương, cùng ăn ở với nông dân để trải nghiệm cách trồng rau. Đây là tín hiệu vui để tạo đà phát triển du lịch nông nghiệp sau này”.
Sáu Ngạn