Hải Hà là vùng trồng chè tập trung lớn nhất tỉnh Quảng Ninh với gần 1.000ha. Nếu như trước đây, trồng chè trên địa bàn còn mang tính tự phát và nặng tính thủ công, thì nay các hộ sản xuất đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào nhiều khâu, từ cơ cấu giống, chăm sóc, đến thu hái và chế biến...
Làm giàu với cây chè
Nhờ tăng cường đầu tư tái cơ cấu lại, cây chè Hải Hà đã tạo được vị thế nhất định trên thị trường trong và ngoài tỉnh cũng như ở một số nước. 6 tháng đầu năm 2023, sản lượng chè búp tươi trên địa bàn huyện đạt 2.880 tấn.
Việc nâng cấp các cơ sở và dây chuyền chế biến để sản xuất những sản phẩm chè chất lượng có giá trị cao cũng giúp thương hiệu chè Hải Hà ngày càng được nâng lên. Thị trường tiêu thụ chè búp tươi ổn định với mức giá bình quân 6.000 đồng/kg đối với chè trung du, 8.000-10.000 đồng/kg đối với chè Ngọc Thúy. Đời sống nhân dân vùng chè nhờ đó ngày càng được nâng cao.
Cây chè đang cho giá trị cao, xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho nông dân Hải Hà. |
Đáng chú ý, trong quá trình phát triển cây chè ở Hải Hà, vai trò của khu vực kinh tế hợp tác, HTX được thể hiện đậm nét. Từ 2 mô hình liên kết đầu tiên được thành lập năm 2018 tại xã Quảng Thành và Quảng Minh, đến nay huyện Hải Hà có 3 HTX và 16 tổ hợp tác, với trên 200 hộ tham gia.
Các HTX, tổ hợp tác hiện đang quản lý khoảng 40 ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hàng trăm ha trồng theo hướng VietGAP… Hoạt động của HTX cũng giúp việc sản xuất chè ở Hải Hà được thực hiện đúng theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo chất lượng từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.
Chị Nguyễn Thị Thơm ở xã Quảng Minh chia sẻ: “Tham gia trong tổ hợp tác liên kết sản xuất, mỗi người mỗi việc. Chè sản xuất ra bảo đảm chất lượng nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn trước rất nhiều. Đời sống, thu nhập của gia đình tôi và các hộ khác trong tổ hợp tác cũng được nâng lên”.
Đổi mới tư duy sản xuất
Để tiếp tục nâng cao vị thế cây chè, từ năm 2022 đến nay, huyện Hải Hà thực hiện Dự án cơ cấu lại ngành sản xuất chè thông qua việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và chế biến; tổ chức quảng bá và xây dựng kênh tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, huyện khuyến khích người dân tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống chè, đầu tư thâm canh diện tích chè kinh doanh theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, chú trọng khâu thu hoạch chè búp tươi, hình thành thói quen thu hái chè đạt tiêu chuẩn “1 tôm 2-3 lá”…
Đến hết năm 2022, toàn huyện có gần 2.000 hộ dân trồng chè với tổng diện tích trên 805ha, trong đó diện tích chè giống mới chiếm hơn 74%. Hiện, toàn huyện có 38,8ha chè có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP.
Không chỉ có cây chè, huyện Hải Hà đang phát triển đa dạng gồm cả nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Giá trị mang lại trên mỗi ha canh tác đồng đất Hải Hà lên tới hàng trăm triệu đồng. Những mô hình sản xuất, trồng trọt đã tạo nên vùng canh tác tập trung với mục tiêu tất cả đều hướng tớí phát triển bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao, làm giàu cho người nông dân.
Nông nghiệp tiếp tục được định vị là một trong những mũi nhọn giảm nghèo ở Hải Hà. |
Trong quy hoạch phát triển vùng sản xuất tập trung của huyện Hải Hà bao gồm 4 lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản. Đến nay, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung với quy mô diện tích lớn như: Vùng 700ha trồng chè, vùng 30ha trồng cam, vùng 150ha trồng mía tím, vùng 440ha nuôi tôm và nhuyễn thể...
Trong quá trình canh tác, phát triển sản xuất, ngoài sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương thì người nông dân nơi đây cũng không ngừng tìm tòi, học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm chủ quy trình sản xuất, biến những vùng đất trồng lúa kém hiệu quả hay những vùng đồi khô cằn, thành những cánh đồng hàng chục ha hoa màu, đem lại giá trị kinh tế cao.
Điển hình, với mong muốn sản xuất rau sạch, đạt năng suất cao, hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh, đầu năm 2019, HTX rau an toàn Trung Thái đã tìm tòi, học hỏi, thống nhất đầu tư hệ thống nhà trồng rau màng lưới. Ban đầu với 8 thành viên, nay HTX đã phát triển lên 20 thành viên tham gia.
"Chìa khóa" thành công
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đã đầu tư tổ hợp khung giàn kết hợp với phần màng mỏng, tạo ra môi trường khép kín. Với hệ thống nhà màng này đã cung cấp cho cây rau những điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất về các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng.
Cùng với đó, HTX đã lắp đặt hệ thống phun tự động giúp cung cấp đủ nước cho từng loại rau khác nhau. Nhờ đó, cũng trên 1ha đồng đất trước đây cho thu hoạch từ 80-100 triệu đồng, thì nay đã lên trên 150 triệu đồng/ha.
Ông Vũ Văn Dũng, thành viên HTX Rau an toàn Trung Thái, cho biết khi HTX lắp đặt hệ thống nhà lưới đã giúp kiểm soát các thông số của quá trình sản xuất rau như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm, khí các bo níc; tránh được tác động của thời tiết đến cây trồng, tránh nước mưa làm hỏng cây; hạn chế sự xâm nhập của các loại sâu hại, các loại côn trùng…, từ đó hiệu quả nâng lên 30-50%.
Có thể thấy, việc xác định rõ lợi thế tự nhiên, định vị được nhu cầu thị trường đã giúp Hải Hà có định hướng, giải pháp rõ ràng trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Đây là nền tảng vững chắc, thúc đẩy phát triển thế mạnh của địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung trên địa bàn.
Đến nay, toàn huyện hình thành 17 vùng sản xuất nông, lâm, thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi; hình thành và phát triển các trang trại, vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp... Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất trên từng đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập cho người nông dân.
Thời gian tới, huyện dự kiến tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, đẩy mạnh cơ giới hóa, đồng bộ các khâu trong quá trình sản xuất; phát triển hệ thống thủy lợi chủ động tưới tiêu cho vùng cây màu, cây công nghiệp, cây ăn quả; tăng cường liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển các mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới; tiếp tục phát triển các tổ liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp; phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ...
Mỹ Chí