Làng nghề Hạ Thái có lịch sử hơn 200 năm, trước sự khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường, đã có thời kỳ, làng nghề gần như bị “xóa sổ”. Nhưng, những cuộc “cách mạng” trong tư duy sản xuất, do người dân Hạ Thái thực hiện trong vòng hơn 10 năm qua, vẫn đang giúp làng nghề có những bước phát triển đáng tự hào.
“Qua cơn bĩ cực…”
Ông Đỗ Văn Thuân - Giám đốc công ty Sơn mài Mỹ Thái, kể: “Trước đây, sản phẩm của làng nghề chủ yếu được làm thủ công, với các sản phẩm “sơn son, thếp vàng” cho đồ thờ cúng, bình cảnh, tranh trang trí… Ngày nay, trước sự cạnh tranh của thị trường, các sản phẩm Hạ Thái không chỉ thay đổi về thiết kế, họa tiết, màu sắc, mà còn đẹp, lạ, bền và quan trọng là mang bản sắc riêng trong từng sản phẩm”.
Theo người dân làm nghề ở Hạ Thái, sự thay đổi về tư duy sản xuất từ thủ công, sang sản xuất công nghiệp, đa dạng hóa sản phẩm theo nhu cầu thị trường, giống như một cuộc “cách mạng” giúp cho làng nghề Hạ Thái vượt qua được giai đoạn khủng hoảng để trở lại thời hoàng kim.
Ông Đỗ Văn Thừa - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hạ Thái, cho biết: “Giai đoạn khủng hoảng 1980 - 2000 đã gần như xóa sổ làng nghề, người làm nghề đều quay lại với ruộng đồng. Phải đến khoảng sau năm 2003, với những bước đi tiên phong, đổi mới mạnh mẽ, mang tính “bước ngoặt” của những nghệ nhân như Đỗ Văn Thuận, Đỗ Tuyết Minh, Nguyễn Thị Nhì… làng nghề mới dần phục hồi, vượt qua cơn bĩ cực và phát triển mạnh mẽ như ngày nay”.
“Trước đây, các cơ sở chủ yếu dùng chất liệu sơn ta rất độc hại. Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, chúng tôi chuyển sang dùng các loại sơn dầu hạt điều, các loại sơn ngoại ít độc hại hơn. Cùng với việc áp dụng những công nghệ hiện đại, thay đổi về công đoạn phủ sơn… sản phẩm của Hạ Thái ngày càng bền, đẹp, đa dạng hơn”, nghệ nhân Hà Thị Nhì, chia sẻ.
Với những cuộc “cách mạng” trong sản xuất, nghề sơn mài tại Hạ Thái trở thành mũi kinh tế chủ lực của địa phương.
Những thay đổi về công nghệ giúp chất lượng sản phẩm sơn mài tăng lên
Thách thức ô nhiễm
Theo UBND xã Duyên Thái, với hơn 60% người dân làm nghề sơn mài, làng Hạ Thái đóng góp hơn 70% tổng giá trị kinh tế của xã. Các cơ sở sản xuất còn mở lớp đào tạo nghề, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân trong và ngoài địa phương.
Làng nghề được phục hồi, tạo ra những giá trị kinh tế cao, ổn định cuộc sống cho người dân. Nhưng đồng thời, Hạ Thái cũng phải đối mặt với nhiều thách thức cần phải vượt qua. Đó là nguy cơ mất đi “bản sắc” khi chất liệu sơn ta được thay thế bằng sơn ngoại. Đó là sự cạnh tranh của thị trường…
Trong đó, thách thức lớn nhất của làng nghề Hạ Thái là vấn đề ô nhiễm môi trường. Dù quá trình chuyển từ sơn ta sang các loại sơn ngoại giúp giảm đáng kể sự độc hại, nhưng lượng chất thải từ khói bụi, nước mài… vẫn khiến môi trường làng nghề bị ô nhiễm nặng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của không chỉ người làm nghề, mà còn của cả người dân địa phương.
Theo khảo sát tại làng nghề, các cơ sở sản xuất xen kẽ với khu dân cư, với những ống khói cao từ 5 - 8m, ngày đêm nhả khói đen ngòm, không khí xung quang luôn có mùi hắc, khó chịu. Nước mài tranh và các sản phẩm sơn mài xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm.
Theo kết quả quan trắc, nồng độ hơi xăng và dung môi hữu cơ đo được tại các xưởng sản xuất cao gấp 10 - 15 lần so với quy định. Nồng độ các chất thải rắn lơ lửng, chất hữu cơ trong nước cũng cao hơn mức bình thường… Tỷ lệ trẻ em địa phương bị mắc các bệnh viêm phế quản lên đến gần 50%. Các trường hợp chết vì ung thư mỗi năm lên đến 5 - 7 người.
Sự phát triển về kinh tế luôn cần đi đôi với bảo vệ môi trường sống, đây là cơ sở của sự phát triển bền vững. Vì vậy, nhiệm vụ cấp thiết của chính quyền địa phương và người dân làng nghề Hạ Thái là nhanh chóng bắt tay, đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và các thách thức còn tồn tại.
Văn Hiến