Lạc Tấn cùng với Đức Tân đang là hai xã điểm của huyện Tân Trụ gặt hái nhiều thành công từ mô hình trồng rau sạch theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường. Sau gần 5 năm thúc đẩy, mô hình đang cho lợi nhuận bình quân 35 – 50 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 3 – 5 lần trồng lúa truyền thống.
Chuyển hướng thành công
Số liệu thống kê của UBND xã Lạc Tấn cho thấy, đến nay nông dân địa phương đã chuyển đổi thành công hơn 23 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, hơn 70% diện tích được triển khai theo quy trình VietGAP, thân thiện môi trường.
![]() |
Sản xuất VietGAP giúp nông dân tăng chất lượng sản phẩm, cải thiện giá bán (Ảnh TL). |
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả, các hộ trồng rau trên địa bàn xã đã liên kết thành các HTX, tổ hợp tác, nhóm sản xuất để chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và được hỗ trợ tập huấn khoa học - kỹ thuật, từ đó tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Có hơn 0,5 ha đất trồng rau màu VietGAP, anh Nguyễn Việt Cường chia sẻ: “Năm 2017, gia đình tôi chuyển sang trồng rau màu vì trồng lúa hiệu quả thấp. Từ khi chuyển sang trồng rau, tham gia vào HTX, ngoài được hướng dẫn sản xuất theo quy trình sạch, an toàn, sản phẩm còn có đầu ra ổn định”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Bá cho biết trước đây, gia đình ông trồng lúa nhưng cứ được mùa, rớt giá miết và ngược lại. Vì vậy, đến năm 2016, ông quyết định chuyển sang trồng hơn 4.000 m2 rau.
Được sự hỗ trợ từ địa phương, cùng sự đồng hành của HTX, gia đình ông Bá mạnh dạn áp dụng kỹ thuật trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra những sản phẩm rau sạch, chất lượng cao, bảo đảm an toàn nên đầu ra ổn định, lợi nhuận cũng liên tục gia tăng.
Theo đại diện UBND xã Lạc Tấn, những thành công của mô hình trồng rau sạch trên địa bàn xã hiện tại có dấu ấn đậm nét của HTX Rau sạch hữu cơ Khôi Nguyên. Không chỉ giúp người dân giải “bài toán” thị trường, HTX đang là đơn vị dẫn dắt thành viên, hộ liên kết phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả cao.
Hình thành chuỗi giá trị
Ông Nguyễn Việt Thịnh – Giám đốc HTX cho hay, sự khác biệt của HTX đến từ những thay đổi trong tư duy sản xuất của thành viên, người lao động. Từ phương thức quảng canh truyền thống, phụ thuộc vào tự nhiên, các hộ sản xuất đã chủ động ứng dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
![]() |
Rau chất lượng cao sẽ được bán tại các cửa hàng rau sạch, giá bán ổn định (Ảnh TL). |
Điển hình, nếu trước đây các hộ sản xuất thường lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học để chạy theo số lượng khiến môi trường bị ô nhiễm, gây hại cho sức khỏe, thì nay các hợp chất vi sinh, thân thiện môi trường được ưu tiên sử dụng. Quá trình cơ giới hóa được đẩy mạnh.
“Việc ứng dụng khoa học để nâng cao năng suất thay vì lạm dụng hóa chất giúp điều kiện làm việc của thành viên HTX được cải thiện, môi trường sống trong lành. Đặc biệt, góp phần giảm thiểu các loại bệnh vốn rất phổ biến trong sản xuất như đau mắt đỏ, mẩn ngứa, ngộ độc thuốc trừ sâu…”, Giám đốc Nguyễn Việt Thịnh phân tích.
Rõ ràng, sự tham gia tích cực của khu vực kinh tế HTX đang giúp mô hình trồng rau sạch trên địa bàn xã Lạc Tấn có được những thành công ấn tượng, mở ra hướng đi nhiều tiềm năng cho nông dân.
Theo đó, trong thời gian tới, xã dự kiến tiếp tục thúc đẩy vai trò của HTX, tổ hợp tác trong việc xây dựng mô hình trồng rau theo hướng VietGAP, hữu cơ, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm. Xã cũng sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, giúp người dân mở rộng thị trường, nâng cao giá bán.
Hưng Nguyên