Từ chỗ thực hiện thí điểm ở một vài hộ đầu tiên của HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, đến nay, mô hình nuôi tôm STC đã phát triển ở nhiều địa phương trong huyện với tổng số hàng chục ha, thu hút gần 200 hộ nuôi, tập trung nhiều ở các xã Tân Hưng, Đông Hưng, Lương Thế Trân và Hòa Mỹ.
Nuôi tôm STC cho năng suất cao
Thông qua hình thức nuôi lót bạt hai giai đoạn theo công nghệ Biofloc, mô hình nuôi tôm STC được nông dân huyện thực hiện với tỷ lệ nuôi thành công đạt 85 – 90%. Năng suất tôm nuôi bình quân đạt 30 - 45 tấn/ha, cá biệt có hộ đạt năng suất 50 tấn/ha.
Các hộ nuôi tôm ở Cái Nước đang chú trọng bảo vệ môi trường để phát triển bền vững (Ảnh TL) |
Điển hình như hộ ông Hồ Văn Khen, ấp Tân Hòa, thành viên HTX nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, với diện tích đầm nuôi 1.800m2, mật độ tôm nuôi 250 con/m2, thời gian nuôi 83 ngày, tôm đạt trọng lượng 52 con/kg, sản lượng thu hoạch hơn 9 tấn, lợi nhuận trên 500 triệu đồng.
Ưu điểm của mô hình nuôi tôm STC là không đòi hỏi diện tích lớn, nhưng có thể nuôi được với mật độ cao, thời gian nuôi ngắn, thuận tiện trong khâu quản lý và kiểm soát dịch bệnh, năng suất đạt cao.
Xác định việc quản lý môi trường tránh tác động đến nguồn nước nuôi tôm là yếu tố quyết định thành bại của mô hình, anh Hồ Văn Khen đã áp dụng quy trình xử lý nước thải, chất thải trong ao nuôi bằng hệ thống biogas để tận dụng khí sinh học làm chất đốt, giảm thiểu ô nhiễm.
Theo đó, các chất rắn khi lắng xuống hố biogas được xử lí bằng Chlorine mới đưa ra ao lắng, lúc này nước trong ao lắng tiếp tục được xử lí bằng Chlorine trước khi thải ra ao trữ nước để phục vụ cho những đợt nuôi tiếp theo, tạo thành quy trình khép kín.
Giải pháp này giúp anh Khen thực hiện thành công phương châm chính của nghề nuôi là “nuôi nước trước khi nuôi tôm”, đồng thời đảm bảo môi trường sinh thái, không gây phát sinh mầm bệnh.
HTX thủy sản Cái Bát (xã Hòa Mỹ) là một trong 3 HTX điển hình trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với tiêu chuẩn nuôi tôm ASC (tiêu chuẩn được xây dựng dựa theo hướng dẫn của tổ chức Liên minh Quốc tế về công nhận và dán nhãn (Môi trường & Xã hội) và chuỗi liên kết sản xuất khép kín.
HTX Cái Bát hiện có 127 thành viên với 430 ha, trong đó có 10 ha nuôi tôm siêu thâm canh, 86 ha nuôi thâm canh, còn lại nuôi quảng canh.
Hướng đi bền vững
Ông Nguyễn Văn Lâm – Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Cái Bát, cho hay trước đây, hoạt động nuôi tôm ở địa phương hầu hết là riêng lẻ, “mạnh ai nấy làm”, nên năng suất không cao.
Khi HTX được thành lập, các hộ được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn tận tình, đồng thời được hỗ trợ mua con giống với giá rẻ hơn 15 đồng/con, thức ăn rẻ hơn 5.000 - 7.000 đồng/kg và thuốc thú y, chế phẩm sinh học…
Cái Nước đang tập trung nhiều nguồn lực để phát triển mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao (Ảnh TL) |
Trong quá trình chăn nuôi, các hộ được tập huấn quy trình sản xuất VietGAP, hạn chế tối đa các nguồn gây ô nhiêm môi trường. Đơn cử, khi chăn tôm, các hộ được hướng dẫn tính toán kỹ lưỡng về khối lượng để giảm thiểu lượng thức ăn thừa, vừa tránh lãng phí, vừa bảo vệ môi trường nước.
Các nguồn nước thải sinh hoạt quanh vùng nuôi tôm cũng được HTX loại bỏ hoàn toàn để tránh gây ô nhiễm. Quanh bờ ao nuôi được HTX quây bằng lưới để tránh việc gia cầm (vịt, ngan, ngỗng…) lội xuống kiếm ăn, xả thải vào nguồn nước.
Với những thành công đạt được và hướng tới mục tiêu đưa con tôm phát triển hơn nữa, huyện Cái Nước đang tích cực điều chỉnh lại quy hoạch sản xuất theo Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, mục tiêu đến hết năm 2020 phát triển vùng nuôi tôm STC tập trung với diện tích 500ha.
Trước mắt, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nhân dân khắc phục những hạn chế, tuân thủ nghiêm quy trình nuôi theo quy định. Hộ nuôi phải chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lưới điện, hệ thống xử lý nước thải, chất thải để bảo vệ môi trường.
Kiên quyết xử lý, cấm không cho nuôi hoặc áp dụng chế tài xử phạt hành chính đối với hộ không đảm bảo các điều kiện cần thiết khi thực hiện mô hình nuôi tôm STC, nhất là việc xử lý nước thải và chất thải.
Nhật Minh