Tỉnh Kiên Giang đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ các HTX, THT, doanh nghiệp, nông dân mở rộng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (Ảnh:Internet) |
Bén dễ với vùng đất Gò Quao đến nay đã ngót 20 năm, thế nhưng, những năm trước người dân vẫn trồng tiêu theo phương pháp truyền thống, bón phân hóa học, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc cỏ nên phát sinh nhiều độc hại dễ dẫn đến hiện tượng tiêu chết nhanh, chết chậm và không bền vững.
Trồng tiêu hữu cơ
Năm 2017, nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, Công ty TNHH Sinh học tự nhiên Phú Quốc (Kiên Giang) đã đầu tư, hướng đến trồng hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Sau khi thực hiện khảo sát mô hình “tiêu ôm tràm”, xét nghiệm các thành phần sinh hóa trong đất, nước và cây tiêu của những hộ dân thuộc 2 xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc và Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao, công ty đã thành lập tổ hợp tác trồng hồ tiêu hữu cơ, gồm 12 hộ dân đã đạt các yêu cầu cần thiết.
Theo đó, công ty đưa các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật về tập huấn thực hiện mô hình trồng tiêu hữu cơ trên diện tích 11,5ha cho các hộ thành viên.
Cụ thể, quy trình canh tác chỉ sử dụng phân hữu cơ, cách chăm sóc cây tiêu và bón phân, cách sử dụng chế phẩm sinh học khi cây có dấu hiệu bị bệnh sao cho an toàn, để cây vừa phục hồi, phát triển tốt, vừa bảo vệ sức khỏe bà con, bảo vệ môi trường sinh thái khu vực trồng tiêu…
Mở rộng sản xuất
Sau 3 năm triển khai, mô hình đã và đang đem lại giá trị vượt trội về kinh tế, đồng thời cho thấy những ưu điểm về môi trường, an toàn thực phẩm, được 3 cơ quan chức năng uy tín thế giới là Mỹ, Châu Âu và Nhật cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
"Tiêu ôm tràm" là một trong những mô hình sản xuất hữu cơ tiêu biểu, không chỉ mang lại giá trị kinh tế vượt trội mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái (Ảnh:Internet) |
Ông Võ Đức Huy, Giám đốc Công ty TNHH Sinh học tự nhiên Phú Quốc cho biết: Công ty đã tập huấn quy trình kỹ thuật, hỗ trợ chi phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA), châu Âu (EU), Nhật Bản (JAS) và duy trì chứng nhận cho bà con nông dân. Đồng thời cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm, với giá năm đầu tiên cao hơn trung bình thị trường 30.000 đồng/kg, nếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Nếu không đạt vẫn mua cho bà con cao hơn giá thị trường. Các năm tiếp theo tùy theo chất lượng, sẽ bổ sung thêm phần cộng thưởng cho bà con để họ yên tâm sản xuất.
Ông Phan Văn Khang, thành viên tổ hợp tác thuộc xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, tham gia mô hình và có sản phẩm đạt tiêu chuẩn, phấn khởi cho biết, trồng hồ tiêu theo quy trình hữu cơ cây ít bị bệnh, phát triển xanh tốt.Với năng suất đạt 3,5 tấn/ha, sản lượng tiêu vụ vừa qua gia đình ông thu được 7 tấn, bán được hơn 520 triệu đồng.
"Riêng phần giá bán được tăng thêm là khoảng hơn 200 triệu đồng so với giá ngoài thị trường nên mừng lắm. Chứ giá thấp như bây giờ mà trồng tự do theo kiểu truyền thống là lỗ vốn”, ông Khanh nói.
Hiện, ngoài diện tích 11,5ha ban đầu của tổ hợp tác trên, huyện Gò Quao có thêm 20ha “tiêu ôm tràm” đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là tiền đề, điều kiện thuận lợi để huyện tiếp tục mở rộng và phát triển thêm vùng sản xuất tiêu hữu cơ.
Chủ tịch UBND huyện Gò Quao Võ Văn Trà cho biết, Đảng bộ huyện đưa cây hồ tiêu vào nghị quyết để quy hoạch phát triển.Thông qua đề án quy hoạch, giúp huyện mở rộng diện tích và phát triển cây hồ tiêu bền vững.Trong đó, chú trọng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quản lý tốt sâu bệnh, dựa trên các biện pháp canh tác và quản lý dinh dưỡng hợp lý, kết hợp sử dụng phân hữu cơ và phòng trừ dịch hại bằng biện pháp sinh học. Hợp tác với các doanh nghiệp để giúp nông dân liên kết phát triển sản xuất hàng hóa lớn, theo chuỗi giá trị để, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Khánh Hồng