HTX nông nghiệp Kênh 5B đã và đang thể hiện vai trò rõ nét trong tái cơ cấu nông nghiệp (Ảnh: Internet) |
Không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức trong quá trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn, HTX Kênh 5B đã thể hiện vai trò rõ nét trong tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bước ngoặt quan trọng
Trong những năm gần đây, công tác thu hút đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp ở địa bàn tỉnh Kiên Giang ngày càng được chính quyền quan tâm và đã có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 từ năm 2015, HTX Kênh 5B đã có một bước ngoặt quan trọng góp phần củng cố và tổ chức lại bộ máy, xây dựng nhiều kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới.
Ông Vũ Hùng Khanh - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX cho biết: “Sau khi chuyển đổi, việc đầu tiên HTX thực hiện là vận động thành viên đưa giống lúa mới vào sản xuất, chuyển đổi 100% diện tích từ giống phẩm cấp thấp sang chất lượng cao”.
Cùng với chủ trương thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, HTX đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Cụ thể, để tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sản xuất, HTX đã triển khai, hướng dẫn và cùng các thành viên sử dụng giàn phun thuốc bảo vệ thực vật tự động, rút ngắn thời gian phun xịt so với thủ công 5 giờ/3ha, đồng thời sử dụng máy phun phân bón, máy gặt để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhờ đó, các thành viên HTX đã giảm được 70% chi phí công lao động so với trước và cơ bản giải quyết được vấn đề thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương.
Áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm (Ảnh: TL) |
Năng động trong sản xuất
Không ngừng tìm kiếm hướng đi mới, năm 2016, HTX Kênh 5B tiếp tục trở thành đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thực hiện mô hình sản xuất lúa chuẩn quốc tế SRP theo đơn đặt hàng.
Nhờ làm tốt công tác quản lý, năng động trong quá trình sản xuất, tìm kiếm đầu ra, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến, đồng bộ 3 khâu dịch vụ phục vụ thành viên mà hoạt động liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa hàng hóa của HTX được thực hiện liên tục.
Sau 4 năm, mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP đã đạt được nhiều thành công, diện tích canh tác tăng lên 180ha, mang lại doanh thu từ 290-300 triệu đồng/năm.
Hàng năm, từ nguồn lợi nhuận thu được, HTX đều trích đầu tư phục vụ cho sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Hiện tại, HTX có 30 cống máng bơm bằng điện, hệ thống đường giao thông nội đồng được cứng hóa 100%, hệ thống thủy lợi được quy hoạch thiết kế khoa học đảm bảo chủ động cả tưới tiêu 640ha diện tích đất của HTX.
Với tiềm lực sẵn có về cơ sở vật chất cùng đội ngũ cán bộ, thành viên tâm huyết, vụ lúa đông xuân 2019-2020 vừa qua, HTX Kênh 5B đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh chọn làm điểm thực hiện mô hình cánh đồng lớn với diện tích 250ha theo tiêu chuẩn VietGAP.
Để phát triển và hỗ trợ các thành viên, HTX đã và đang thực hiện hầu hết các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, trong đó có việc ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ lúa hàng hóa cho thành viên từ 200-250ha/vụ. Ngoài ra, HTX còn thực hiện dịch vụ tín dụng nội bộ duy trì thông qua hình thức góp vốn xoay vòng 120 triệu đồng/lượt. Đây là nguồn vốn nhàn rỗi của các hộ thành viên, nguồn vốn này đã tạo điều kiện cho nhiều hộ khác vay đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Khánh Hồng