Thực hiện chuẩn VietGAP trong sản xuất không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho cây khóm tỉnh Kiên Giang (Ảnh:Internet) |
Tên khóm Tắc Cậu dùng để chỉ vùng trồng khóm trên cù lao Tắc Cậu và các khu vực lân cận dọc theo hai bên bờ sông Cái Lớn và Cái Bé (các huyện Châu Thành, Gò Quao).
Người dân nơi đây có bề dày kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc khóm, nhờ đó khóm Tắc Cậu được công nhận thương hiệu tập thể từ năm 2013. Tuy nhiên, do chưa tổ chức được đầu ra ổn định, nên giá quả khóm vẫn còn thấp khiến đời sống người dân bấp bênh.
Tăng giá trị cả chất và lượng
Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ban, ngành tại địa phương, giữa năm 2017, các hộ nông dân đã thành lập HTX nông nghiệp Khóm Tắc Cậu, với tiêu chí lấy chữ tín làm đầu để giữ vững thương hiệu, HTX đã thực hiện sản xuất khóm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Các thành viên khi tham gia HTX đều được hướng dẫn cách chăm sóc, sản xuất khóm khoa học, bao gồm việc tiến hành kiểm tra mẫu đất, mẫu nước, các mẫu quả khóm sau khi thu hoạch cũng được kiểm tra dư lượng nitrat, thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, thành viên còn được học cách chọn lựa cây giống từ cây con hay từ các mắt khóm, khoảng cách trồng khóm sao cho đúng, đủ tiêu chuẩn.
Nhờ đó, năng suất khóm tăng từ 15 - 25%, trọng lượng bình quân mỗi trái khóm cũng tăng, đạt khoảng 1,6 - 1,7 kg/trái, trong khi trước đây mỗi trái chỉ khoảng 1,2 kg.
Với năng suất, chất lượng cao, mỗi trái khóm sau khi thu hoạch được dán nhãn đạt tiêu chuẩn nên người dùng ngày càng tin tưởng, yên tâm lựa chọn, thị trường của HTX ngày càng mở rộng trên khắp các tỉnh thành trong cả nước với giá bán cao hơn trước từ 1.000 - 2.000 đồng/trái.
Ông Chiêm Văn Hái, thành viên HTX phấn khởi cho biết, từ khi tham gia HTX, ông được hướng dẫn trồng khóm theo tiêu chuẩn VietGAP. Khóm VietGAP của gia đình ông và các hộ khác có giá bán từ 7.000 - 8.500 đồng/trái tùy loại, có thời điểm lên đến 10.000 - 12.000 đồng/trái. Theo đó, lợi nhuận bình quân đạt gần 50 triệu đồng/ha/năm.
Hiện, HTX nông nghiệp khóm Tắc Cậu không chỉ cung cấp khóm tươi cho thị trường mà còn cung cấp các sản phẩm khóm sấy, mứt, nước ép khóm xuất khẩu (Ảnh:Internet) |
Đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường
Hiện, HTX không chỉ cung cấp, phục vụ nhu cầu khóm tươi ra thị trường mà còn cung cấp, chế biến các sản phẩm khóm sấy, mứt, nước ép khóm xuất khẩu.
Anh Lê Nguyễn Quốc Văn, người thường xuyên thu mua khóm tươi Tắc Cậu để sản xuất mặt hàng mang tên khóm sấy mộc, cũng là người tiên phong sấy khóm thay vì phơi khóm cho biết: Khóm Tắc Cậu có vị ngọt thanh, rất lý tưởng để làm thành món sấy. Vì thế, anh đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật, thực hiện sản xuất theo quy trình khép kín từ khâu lấy mắt đến đóng gói thành phẩm. Những mẻ khóm vàng tươi, mềm dẻo ra lò, giữ được vị ngọt tự nhiên, ngày càng được thị trường yêu thích.
Ngoài anh Văn, hiện tại, Công ty TNHH MTV Lê Gia cũng là đơn vị ở địa phương đang đi đầu trong sản xuất khóm sấy dẻo từ vùng nguyên liệu khóm Tắc Cậu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Vân, quản lý Công ty Lê Gia chia sẻ: “Phương pháp “sấy mộc” và không dùng hóa chất giúp trái khóm luôn giữ được hương vị đặc trưng, được người dùng trên khắp các tỉnh thành trong cả nước tin dùng, đặc biệt được xuất khẩu sang thị trường các nước Canada, Malaysia, Philippines… góp phần nâng cao giá trị cho trái cây Việt.”
Cũng là khóm Tắc Cậu nhưng giờ đây không chỉ đơn thuần được tiêu thụ là loại trái cây tươi thơm ngon nữa mà còn trải qua quá trình chế biến, sản xuất, mang hương vị, hình dáng mới, với giá trị tăng gấp nhiều lần so với khóm tươi.
Có thể thấy, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, cùng sự nỗ lực, tâm huyết của người dân, thành viên HTX khóm Tắc Cậu trong việc học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây khóm Tắc Cậu nói riêng và cây khóm Kiên Giang nói chung đã có sự chuyển mình mạnh mẽ.
Khánh Hường