Sau gần một năm “cắm rễ” trên vùng đất bazan màu mỡ, những cây thảo dược đã cho thấy khả năng thích nghi khá tốt với khí hậu lẫn thổ nhưỡng tại địa phương. Cây sinh trưởng, phát triển nhanh và hầu như không bị sâu bệnh.
Áp dụng công nghệ cao
Năm 2017, công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê có chủ trương cho trồng xen canh trong vườn cao su tái canh với khoảng cách trồng 15 m. Nhận thấy đây là điều kiện phù hợp với hoạt động của mình nên HTX đã quyết định đăng ký thuê 100 ha đất của công ty này trong thời gian 26 năm.
Ông Đoàn Mạnh Thắng - Trưởng bộ phận kỹ thuật của HTX, cho biết: HTX suy nghĩ đến mô hình trồng dược liệu công nghệ cao, vì nếu đầu tư cho các cây nông nghiệp khác thì hiệu quả sẽ thấp.
Sau khi trực tiếp đi nghiên cứu tại các địa phương trồng dược liệu như: Sìn Hồ, Phong Thổ (tỉnh Lai Châu), một số huyện thuộc hai tỉnh Yên Bái và Lâm Đồng, HTX đã lựa chọn một số loại cây thảo dược phù hợp để về trồng thử nghiệm 5 ha tại xã Ia Kênh (Tp.Pleiku).
Sau một năm thử nghiệm, diện tích dược liệu trên phát triển tương đối ổn định, tạo được củ có dược chất rất cao. Từ đó, cuối năm 2018, HTX bắt đầu triển khai trồng xen canh đồng loạt cây dược liệu trong vườn cao su tái canh và quyết tâm hoàn tất việc xuống giống 40 ha vào cuối năm 2019.
Hiện tại, HTX đã trồng được khoảng 70% diện tích dự kiến (tầm 30 ha), gồm: 12 ha Hà thủ ô đỏ, 5 ha Đương quy, 3 ha Độc hoạt, 9 ha Đinh lăng nếp (lá nhỏ), 1,5 ha Cà gai leo… với chi phí hơn 10 tỷ đồng.
Ngoài ra, HTX cũng chuẩn bị xuống giống 4 ha Đẳng sâm (sâm dây Ngọc Linh), 8 ha Lộ đẳng sâm (Trung Quốc) và trồng thử nghiệm 0,5 ha Xuyên khung.
Đa phần giống cây dược liệu được HTX lấy từ Viện Dược liệu Trung ương, sau đó tự ươm, nhân giống trong nhà màng và trực tiếp trồng nên cây ít sâu bệnh. Việc chăm sóc cây dược liệu cũng được HTX đặc biệt chú trọng.
Không chỉ thường xuyên bổ sung phân chuồng, làm cỏ sạch sẽ, HTX còn áp dụng công nghệ tưới phun mưa để tiết kiệm nước, bảo đảm mức tưới chính xác và thoáng khí khi phun.
HTX sẽ nhân rộng quy mô trồng dược liệu trên tổng diện tích 100 ha |
Mô hình liên kết chuỗi
Để ổn định hoạt động, HTX đã chủ động đàm phán, ký kết hợp tác với công ty Cổ phần Traphaco (Hà Nội) và công ty Cổ phần Dược phẩm Nam Hà (Nam Định) để bao tiêu các sản phẩm Hà thủ ô đỏ, Đinh lăng, Đương quy.
Hệ thống nhà xưởng sơ chế dược liệu, áp dụng công nghệ sơ chế dược liệu cổ truyền của Trung Quốc được HTX khẩn trương hoàn thiện nhằm tạo ra sản phẩm đạt chuẩn chất lượng.
Dự kiến vào đầu tháng 9 tới, HTX sẽ phối hợp với UBND huyện Chư Sê triển khai mô hình liên kết chuỗi sản xuất dược liệu với sự tham gia của khoảng 10 - 15 hộ dân trên địa bàn.
Phía HTX sẽ hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần cây giống để người dân trồng, bao tiêu sản phẩm đầu ra; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc cho đến khi thu hoạch. Đây được xem là cơ hội tốt để người dân địa phương thử nghiệm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trước thực trạng cà phê và hồ tiêu đang trên đà tụt dốc.
Ông Nguyễn Hồng Hà - Bí thư Huyện ủy Chư Sê - cho biết: “Huyện đánh giá rất cao việc trồng cây dược liệu có kỹ thuật và công nghệ. Địa phương đang có kế hoạch dùng mô hình của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quang Minh làm “bà đỡ” để giúp nhân dân trên địa bàn chuyển sang trồng cây dược liệu thay thế diện tích hồ tiêu bị chết hoặc cây trồng kém hiệu quả”.
Dù chỉ mới triển khai trồng được một năm, song mô hình trồng cây dược liệu công nghệ cao của HTX đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Tới đây, HTX sẽ nhân rộng quy mô trồng dược liệu trên tổng diện tích 100 ha, mở ra một triển vọng mới cho tỉnh Gia Lai trong lĩnh vực phát triển dược liệu.
Hoàng Lê