Khánh Sơn là huyện miền núi và cũng là huyện nghèo nhất, xa nhất của tỉnh Khánh Hòa, có trên 70% dân số là đồng bào dân tộc Raglai. Vì vậy mà phần đông đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.
An cư để lạc nghiệp
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Khánh Sơn vẫn còn 1.171 hộ nghèo đang sống trong những căn nhà tạm, dột nát. Nhận thấy có an cư mới lạc nghiệp, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số không du canh du cư, tập trung phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm... Đi liền với đó là thực hiện xóa nhà tranh tre, dột nát cho hộ nghèo.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã tích cực vận động các mạnh thường quân, sự vào cuộc của địa phương để hỗ trợ xây nhà ở cho hộ nghèo có nhu cầu.
Thống kê trên riêng địa bàn xã Thành Sơn đã có 230 hộ nghèo đang ở nhà tạm, dột nát. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, bằng kinh phí huy động từ nhiều nguồn khác nhau, đã có 13 căn nhà đang khởi công xây dựng để hỗ trợ cho các hộ nghèo. Dự kiến đến cuối năm 2023, toàn xã có 21 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà mới.
Còn tính toàn huyện Khánh Sơn, dự kiến trong năm nay cũng sẽ có 139 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xây nhà. Và để không bị ai bị bỏ lại phía sau, các xã, thị trấn rà soát, lập danh sách những hộ cần được hỗ trợ nhà ở từ nguồn kinh phí thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để giúp người dân đảm bảo cuộc sống.
Qua triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương, đến nay, huyện đã có hàng trăm hộ nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, giúp người dân an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo.
Gia đình bà Cao Thị Quyển (xã Sơn Bình) thuộc diện hộ nghèo. Nhưng hiện gia đình bà đang được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo chuẩn nông thôn mới. Có lẽ đây sẽ là nguồn động lực, là bước ngoặt giúp gia đình bà tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thực tế cho thấy, các hộ nghèo rất khó có đủ nguồn tài chính lớn để đầu tư xây dựng một căn nhà mới khang trang hơn. Nhưng nếu không có nhà ở ổn định, cuộc sống người dân sẽ mãi bấp bênh, từ đó khiến công tác giảm nghèo đa chiều khó thành công.
Tuy nhiên, nhờ huy động nhiều nguồn, cùng với kinh phí đối ứng từ các gia đình nên nhiều hộ nghèo không chỉ có căn nhà khang trang mà còn có thêm các công trình phụ để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Dự kiến từ nay đến năm 2025, về cơ bản huyện Khánh Sơn sẽ xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ có nhu cầu để người dân tập trung mọi nguồn lực vào phát triển kinh tế, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Nâng giá trị nông sản
Song song với xóa nhà tạm, dột nát, huyện cũng đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Xác định nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là trụ đỡ chính của kinh tế huyện, trong đó phát triển cây ăn quả có giá trị kinh tế cao theo hướng nông nghiệp sạch, công nghệ cao là một trong những “chìa khóa” để xóa nghèo cho người dân.
Một trong những cây trồng chủ lực tạo tiếng vang trên địa bàn huyện thời gian qua chính là sầu riêng. Hiện, huyện đang tích cực hướng dẫn và hỗ trợ người dân, HTX sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, có mã số vùng trồng để phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Một trong những mô hình tiêu biểu trong sản xuất sầu riêng ở Khánh Sơn là HTX cây ăn quả Sơn Bình với gần 50ha của 8 hộ thành viên. HTX đang áp dụng các quy trình canh tác an toàn VietGAP và liên kết với doanh nghiệp để thực hiện ký kết các hợp đồng tiêu thụ. HTX cũng hỗ trợ các thành viên xây dựng vùng trồng cây ăn quả an toàn, chống sâu bệnh, đạt năng suất, chất lượng cao. Đồng thời HTX thực hiện cung ứng vật tư nông nghiệp, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình.
![]() |
Sầu riêng đang là cây trồng chủ lực, giúp nhiều hộ dân ở Khánh Sơn giảm nghèo, nâng cao thu nhập. |
Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn, sầu riêng của HTX luôn có chất lượng cao với vỏ mỏng, cơm vàng, hạt lép, thịt ráo. Đặc biệt với lợi tế đất đỏ bazan, sầu riêng của HTX nói riêng và sầu riêng Khánh Sơn nói chung luôn có hương vị đặc trưng.
Không chỉ HTX Sơn Bình mà nhiều người dân, tổ hợp tác khác trong địa bàn huyện đều đang phát triển cây sầu riêng. Tính đến nay, huyện đã trở thành thủ phủ cây sầu riêng ở Khánh Hòa với 2.000 ha, cho sản lượng thu hoạch đạt khoảng 9.000 tấn. Trong đó có 254ha của 2 HTX, 8 tổ hợp tác ở 8/8 xã, thị trấn của huyện được nhận sầu riêng đạt chuẩn VietGAP, với sản lượng cung cấp ra thị trường trong năm nay hơn 2.500 tấn.
Tiêu biểu như tổ hợp tác cây ăn quả Sơn Trung (xã Sơn Trung) đang có 27 ha sầu riêng đang trồng theo hướng nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao. Nhờ đó, sầu riêng đảm bảo chất lượng và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đến nay, sầu riêng đã và đang mang lại thu nhập khá cho người trồng và trở thành cây chủ lực để xóa nghèo cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Khánh Sơn. Theo tính toán với giá bán xô từ 50.000 đồng/kg tại vườn, các hộ trồng sầu đều có lãi lớn.
Cùng với sầu riêng, huyện còn phát triển một số cây ăn quả như bưởi da xanh, măng cụt, mía tím, mít nghệ… Đa số các xã, thị trấn ở huyện Khánh Sơn đã thành lập tổ hợp tác và HTX. Phần lớn các HTX, tổ sản xuất nông sản ở Khánh Sơn đều được kiểm định chất lượng VietGAP.
Nhiều HTX, tổ hợp tác đã đưa các loại máy móc nông nghiệp tiên tiến vào sản xuất thay thế sức người như máy làm bồn sầu riêng, máy bơm thuốc bảo vệ thực vật, hệ thống tưới nước tự động, máy xay cà phê tươi, máy tuốt hồ tiêu, máy sấy trái cây, máy đóng gói… Một số HTX, tổ hợp tác mạnh dạn chuyển đổi phát triển trang trại cây ăn trái gắn với làm du lịch, nuôi yến để gia tăng giá trị kinh tế.
Nhờ đó, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất cây ăn quả như: sầu riêng tại Sơn Bình, Sơn Lâm; mía tím tại Ba Cụm Bắc, Sơn Hiệp, Tô Hạp; chuối mốc tại Sơn lâm, Thành Sơn…
Hướng đến thoát nghèo
Có thể thấy, nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, huyện miền núi Khánh Sơn đang dần thay đổi. Người dân đã chủ động trong phát triển kinh tế, giảm nghèo thông qua lựa chọn và phát triển đúng định hướng với những cây ăn quả có giá trị cao.
Đặc biệt, nhờ tích cực tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiếp cận với các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, đồng bào dân tộc thiểu số đã biết thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Nhiều người trở thành triệu phú nhờ trồng cây ăn quả hàng hóa quy mô lớn.
Ông Cao Mai Hùng (xã Sơn Hiệp) cho biết, khoảng 5 năm trước, gia đình ông luôn trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc như nhờ được hỗ trợ cây giống sầu riêng, phân bón, quy trình sản xuất theo diện hộ nghèo, đến nay cuộc sống của gia đình đã đổi thay, cuộc sống trở nên khấm khá.
“Đến nay, tôi đã có tiền làm được nhà, thoát khỏi cảnh nghèo và mua sắm nhiều vật dụng cho gia đình. Thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư chuyển đổi thêm 0,5 ha sang trồng sầu riêng, đưa tổng diện tích sản xuất lên 1,5 ha”, ông Hùng chia sẻ.
Nhờ phát triển cây ăn quả, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm nhanh, mỗi năm giảm 6-7%. Dự kiến năm 2023, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện đạt 7,32%.
Theo đánh giá của tỉnh Khánh Hòa, công tác giảm nghèo bền vững của huyện Khánh Sơn đã đi đúng hướng và đạt hiệu quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân đạt cao.
Để hướng tới mục tiêu thoát nghèo vào năm 2025, huyện đang tiếp tục củng cố, phát triển hợp tác xã, tổ liên kết, HTX để xây dựng các chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản chủ lực đồng thời thu hút các nguồn vốn đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến nông, lâm sản trên địa bàn.
Theo đó, các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết sẽ trở thành chủ thể trong xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương theo chương trình OCOP, xây dựng các mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu, ứng dụng chuyển đổi số để kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương. Từ đây, sẽ có thêm nhiều việc làm, nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao được phát triển, giúp tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số và giúp huyện đạt được những mục tiêu của giảm nghèo đa chiều.
Tùng Lâm