Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, cho biết các HTX trên địa bàn huyện Bá Thước đang khẳng định vai trò trong hỗ trợ người dân, là cầu nối quy tụ, tập hợp những người sản xuất vào HTX, đưa ra mô hình sản xuất và tạo ra sản phẩm có quy mô lớn hơn.
Thế mạnh từ cây dược liệu
Đồng thời, các HTX đang làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường và cung ứng các dịch vụ đầu vào cho người dân sản xuất. từ đây không ít thế mạnh của huyện Bá Thước được khai phá giúp người dân, thành viên HTX nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và đóng góp trực tiếp vào quá trình giảm nghèo.
Với mong muốn hỗ trợ người dân sản xuất, HTX Dịch vụ nông dược Bá Thước (xã Ái Thượng) đã tổ chức liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho khoảng 2,5 ha cây đu đủ lấy hoa, 2,75 ha cà gai leo và hơn 500 đàn ong mật tại địa phương...
Là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân rõ ràng, HTX Bá Thước quan tâm xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. HTX cũng được các ngành chức năng hỗ trợ trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX Bá Thước cũng ký hợp đồng với HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Hoàng (Đông Sơn) tiêu thụ cà gai leo.
Ngay trong vụ đầu tiên sản xuất, nguồn thu từ dược liệu đã cao gấp 4-5 lần so với các cây trồng truyền thống nên đã có một số hộ tham gia HTX thoát được nghèo và có thể làm giàu. Ngoài trồng dược liệu, nuôi ong, đu đủ, HTX còn mở rộng sang trồng các loại rau màu, trồng gấc để giúp các thành viên tăng nguồn thu.
Cũng hỗ trợ người dân phát triển sản xuất nhờ đầu tư vào cây dược liệu, HTX Pù Luông (xã Điền Trung) đang có 16 ha chè đắng, xạ đen, cà gai, hoạt ngọc, ngải cứu và một số loại cây khác. Nếu so sánh hiệu quả kinh tế, cây dược liệu cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa và cây hoa màu khác. Theo đó, một sào lúa, ngô cho thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng, thì cùng diện tích đó trồng dược liệu cho thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng, do vậy gần 20 thành viên trong HTX rất phấn khởi, yên tâm phát triển sản xuất.
Theo ông Nguyễn Văn Mãn, thành viên HTX Pù Luông, trung bình 1 sào (khoảng 360m2) cà gai leo sau khi thu hoạch phơi khô cho thu nhập từ 18 - 20 triệu đồng. Tính thu nhập bình quân hàng năm từ cây dược liệu, gia đình ông đang thu về từ 500 - 600 triệu đồng.
Hỗ trợ đắc lực
Ngoài trồng dược liệu, nhiều HTX trên địa bàn huyện Bá Thước đang tích cực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế hàng hóa dựa vào thế mạnh địa phương. Tiêu biểu như người dân xã Lương Ngoại đang phát triển mô hình chăn nuôi thông qua HTX chăn nuôi tổng hợp Lương Ngoại. HTX có 63 thành viên là những hội viên hội phụ nữ nghèo và cận nghèo của 2 thôn Giầu Cả và thôn Ngọc Sinh.
Các HTX đang hỗ trợ đắc lực cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. |
Tham gia HTX, các thành viên được hỗ trợ vốn, con giống, kiến thức ứng dụng có hiệu quả và phát triển chăn nuôi tổng hợp, góp phần đưa kinh tế hộ gia đình phát triển, đẩy nhanh tiến trình giảm nghèo bền vững tại địa phương.
Hay tại xã Cổ Lũng đã phát triển chăn nuôi vịt theo hướng hàng hóa thông qua HTX Dịch vụ phát triển mô hình con nuôi đặc sản vịt Cổ Lũng. Vì là con đặc sản của địa phương nên từ năm 2019, 29 hộ nghèo và 40 hộ cận nghèo của xã cũng được tham gia dự án chăn nuôi vịt Cổ Lũng thương phẩm, theo hình thức đối ứng. Thông qua HTX, người dân ngoài được cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y, các hộ còn được tập huấn kỹ thuật, giám sát, hướng dẫn cách chăm sóc nên đàn vịt phát triển khỏe mạnh.
Hiện, đàn vịt Cổ Lũng đã lên tới khoảng 20.000 con, với khoảng 6 thôn và 150 hộ tham gia nuôi. Trong đó, có 7 hộ nuôi giống vịt bản địa Cổ Lũng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Vịt thương phẩm được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh với giá khá cao, từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo và cải thiện cuộc sống.
Hướng đến thoát nghèo
Được xác định là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp nên thời gian gần đây, huyện Bá Thước đã tích cực đồng hành cùng người dân chủ động khai thác thế mạnh này để nâng cao thu nhập. Cùng với đó, nhiều HTX được thành lập và tham gia sản xuất, tiêu thụ nông sản, hình thành các chuỗi sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, nhất là ở khu vực miền núi.
Một số HTX đã năng động, thích ứng nhanh với thị trường, mạnh dạn đầu tư vốn, tích tụ tập trung đất đai và vận động thành viên sản xuất. Một số HTX có diện tích liên kết từ vài chục ha, đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Nhờ điều đó mà huyện Bá Thước đã xây dựng được những chuỗi giá trị hàng hóa với các sản phẩm đặc trưng như dược liệu, quýt hôi, vịt Cổ Lũng, nuôi bò sinh sản, trồng rau an toàn…Các mô hình này đã và đang được nhân rộng trong cộng đồng, theo hướng nông dân tự đầu tư, Nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Do đó, đến cuối 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm còn 23,86%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 30,28%. Thu nhập bình quân đầu người tăng lên 30 triệu đồng/năm.
Ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết xác định công tác giảm nghèo là chủ trương lớn do đó, cấp ủy, chính quyền huyện Bá Thước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách. Qua đó, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của các đối tượng yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong đó, đã có những mô hình sản xuất, HTX được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo.
Mới đây, 80 hộ dân nghèo, cận nghèo của 2 xã Thiết Ống và Lũng Cao (Bá Thước) vừa được Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (thuộc Liên minh HTX Việt Nam) phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ vật tư sản xuất gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học để sản xuất cây dược liệu.
Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX Pù Luông, cho biết, hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh sẽ giúp HTX tiếp tục mở rộng sản xuất, tháo gỡ khó khăn trong đầu tư, liên kết, từ đó thu hút được nhiều hộ dân tham gia HTX.
Ông Lê Phú Hiền cho biết việc đồng hành cùng với người dân, HTX sẽ giúp huyện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, từng bước hình thành một số sản phẩm hàng hóa chủ lực, có lợi thế, xây dựng thương hiệu gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là nền tảng để huyện phấn đấu đến năm 2025 ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo của cả nước.
Tùng Lâm