Bà Ngân Thị Phượng (xã Xuân Cao, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa), cho biết với diện tích 3ha sắn, mỗi vụ gia đình bà thu được khoảng 60 tấn củ, mang về gần 100 triệu đồng. Tuy nguồn thu không cao bằng những cây trồng đang được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là so với những loại cây ăn trái nhưng mức 100 triệu đồng từ bán củ sắn cũng được đánh giá là khá ổn đối với những hộ nông dân ở xã Xuân Cao.
Tăng thu từ củ đến ngọn
Theo thống kê, niên vụ 2023-2024 huyện Thường Xuân có 1.068 ha sắn nguyên liệu. Điều thuận lợi là từ khi sắn nguyên liệu có thị trường tiêu thụ ổn định thì chính quyền huyện cũng đã phối hợp với các nhà máy chế biến sắn liên kết, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật thâm canh mới cho người dân, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu sắn bền vững. Cùng với đó, huyện còn đưa giống sắn mới chống chịu sâu bệnh tốt, hàm lượng tinh bột cao vào sản xuất.
Cùng với huyện Thường Xuân, Mường Lát cũng phát triển mạnh cây sắn. Theo thống kê, toàn huyện hiện có gần 3.000ha, có thể giúp mang về nguồn thu 100 tỷ đồng trong năm 2023 và là một trong những loại cây xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào Mông.
Anh Thào A Pao (xã Mường Lý, huyện Mường Lát) cho biết do được doanh nghiệp thu mua nên năm nay, gia đình anh thu được khoảng 40 triệu đồng từ 1 ha sắn. Dự tính gia đình sẽ thu được thêm số tiền 20 triệu đồng nữa từ 1ha sắn còn lại.
Không chỉ Mường Lát, Thường Xuân mà các huyện như Ngọc Lặc, Bá Thước, Cẩm Thủy, Như Xuân, Triệu Sơn, Nông Cống... cũng đã tiến hành quy hoạch, phân vùng nguyên liệu sắn hàng hóa để đáp ứng nhu cầu thu mua, tiêu thụ chế biến của các doanh nghiệp. Thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh cho thấy, mỗi năm Thanh Hóa có gần 14.000 ha sắn, với tổng sản lượng khoảng 200.000 tấn làm nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh.
Ngoài Thanh Hóa, xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ cũng tận dụng thế mạnh từ cây sắn để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào trồng sắn lấy củ, người dân trong xã đã tận dụng ngọn non của cây sắn làm dưa muối. Trong đó có HTX Liên Gia Trang đã đầu tư 4ha đất trồng nguyên liệu, 1,2 đất khu sơ chế, đóng gói sản phẩm kết hợp nuôi thủy sản.
Sản xuất sắn bền vững sẽ tiếp tục giúp nhiều địa phương giảm nghèo hiệu quả. |
Để bảo đảm chất lượng, HTX đã chú trọng trồng sắn theo quy trình hữu cơ kết hợp thu mua thêm ngọn sắn của người dân để chế biến bằng các nguyên liệu truyền thống, không sử dụng thuốc bảo quản. Sau khi chế biến, rau sắn được đóng gói thành từng túi có trọng lượng từ 600g-1kg giúp khách hàng thuận tiện lựa chọn sản phẩm.
Với lợi thế địa phương có vùng nguyên liệu nên mô hình sản xuất của HTX Liên Gia Trang đang giải quyết tốt vấn đề đầu ra cho người dân, giúp thành viên và người lao động có thu nhập ổn định từ 6-10 triệu đồng/tháng, từ đó đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, giảm nghèo tại địa phương.
Cây trồng chủ lực
Có thể thấy, ngoài việc bảo đảm an ninh lương thực, làm thức ăn cho gia súc, sắn còn làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu, tạo ra các thực phẩm đặc trưng, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở một số tỉnh như Thanh Hóa, Phú Thọ, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu…
Ngay như tại xã Pa Khóa (Sìn Hồ, Lai Châu), cây sắn được 200 hộ dân trồng trên diện tích 100ha là vì phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên không tốn công chăm sóc. Đặc biệt, trên địa bàn còn có nhà máy chế biến nên đầu ra được đảm bảo, người dân yên tâm sản xuất.
Tính trung bình với giá sắn từ 1.500 - 2.000 nghìn/kg, trung bình mỗi ha với sản lượng trên 30 tấn, người dân Pa Khóa có thể thu về 50 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập lớn so với trồng các loại cây trồng khác. Nhờ tập trung trồng sắn cung cấp cho doanh nghiệp, Pa Khóa từ xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều lên 70% vào năm 2016 thì nay đã giảm xuống còn 32,7%.
Hay như tại Thanh Hóa, sắn hiện được địa phương xác định là một trong những cây trồng chủ lực nên đã hướng dẫn và cùng các huyện thực hiện quy hoạch, xây dựng vùng trồng sắn nguyên liệu. Tỉnh cũng chú trọng vào việc hỗ trợ người dân tăng sản lượng bằng việc trồng xen canh với một số cây trồng phù hợp khác hoặc sử dụng giống mới.
Nhờ xác định được vai trò của cây sắn và hỗ trợ người dân sản xuất, tiêu thụ thông qua doanh nghiệp chế biến, năm 2022, Thanh Hoá đã giảm 17.791 hộ nghèo (từ 67.684 hộ xuống còn 49.893 hộ). Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,79% (từ 6,77% xuống còn 4,99% áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025).
Chú trọng sản xuất bền vững
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhiều địa phương trên cả nước hiện nay đã chú trọng thay các giống sắn cũ bằng giống sắn mới, từ đó tạo sự đột phá về năng suất, sản lượng góp phần mang lại lợi nhuận cao cho nông dân trồng sắn, từ đó hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm khác chế biến từ sắn.
Theo thống kê, diện tích sắn trên cả nước đạt hơn 500.000 ha. Nhiều địa phương có truyền thống và phù hợp phát triển loại cây này đã và đang đi vào mở rộng diện tích, phát triển đại trà để giải quyết bài toán về chế biến thức ăn chăn nuôi, xuất khẩu…
Tiêu biểu như tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đưa cây sắn vào trồng đại trà thông qua việc ký kết hợp đồng với doanh nghiệp chế biến và hỗ trợ người dân các xã biên giới kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn đạt hiệu quả cao nhất. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết với nguồn thu không nhỏ, cây sắn đang đóng góp trực tiếp vào nâng cao thu nhập, giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
Tuy là cây trồng có diện tích khá lớn và được xác định là chủ lực của nhiều địa phương nhưng nhiều nơi vẫn chưa phát triển sắn một cách hiệu quả. Cụ thể như tại Yên Bái, tuy được đánh giá là vùng có diện tích canh tác sắn khá lớn của cả nước, nhưng từ năm 2015 đến nay, diện tích sắn của tỉnh giảm dần qua các năm, mỗi năm giảm khoảng 1.000 ha. Đến nay, diện tích sắn toàn tỉnh trên 8.700 ha, sản lượng trên 171.000 tấn, năng suất đạt 19,7 tấn/ha. Còn tại huyện Thường Xuân, niên vụ 2023-2024 có 1.068 ha sắn nguyên liệu, giảm 16,7% so với cùng kỳ.
Việc diện tích sắn ở nhiều địa phương giảm cho thấy, tuy được đánh giá là cây hỗ trợ người dân giảm nghèo, thậm chí thoát nghèo nhưng việc phát triển sản xuất vẫn chưa mang tính bền vững.
Trong đó việc liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp trong phát triển sắn thành chuỗi giá trị vẫn chưa nhiều. Rất nhiều địa phương hiện nay có nhà máy chế biến sắn trên địa bàn nhưng không liên kết thông qua mô hình HTX. Điều này khiến việc canh tác không đảm bảo năng suất, chất lượng; hoạt động bao tiêu đầu ra không bền vững vì không có hợp đồng ký kết.
Đi liền với đó, việc nghiên cứu, chế biến đa dạng các sản phẩm từ cây sắn vẫn chưa được quan tâm nên chưa nâng cao được giá trị gia tăng cho người nông dân.
Trước thực trạng trên, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, vai trò của cây sắn không chỉ dừng lại ở xóa đói giảm nghèo, mà đã trở thành loại cây hàng hóa. Để có thể phát triển bền vững cây sắn cần chú trọng nghiên cứu và áp dụng giống mới cũng như đầu tư cho chế biến, đa dạng các sản phẩm từ cây sắn. Đi liền với đó là tổ chức lại sản xuất tập trung thông qua hình thành các liên kết từ nông dân, HTX, doanh nghiệp để hạn chế khó khăn cho người trồng sắn, tránh thu hẹp diện tích.
Tùng Lâm