Từ vài ha nguyên liệu, đến nay, vùng chè của HTX đã mở rộng diện tích lên 300 ha và vẫn đang liên tục gia tăng theo từng năm. Năm 2016, HTX được Liên minh HTX Việt Nam chọn để xây dựng Đề án "Xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa”. Nhờ năng động, nhạy bén với thị trường và không ngừng cải tiến, sản phẩm chè của HTX đã đạt tiêu chuẩn Unilever xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Mối liên kết bền vững
Sau khi chuyển đổi hoạt động, HTX đã ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với Công ty TNHH Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên để nâng cao chất lượng sản phẩm. Để xây dựng chuỗi liên kết, HTX tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm với 54 thành viên của mình và 35 hộ dân quanh vùng để đứng ra hoạch định chiến lược phát triển, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường 300 - 500 đồng/kg.
Vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Kiến Thuận (Ảnh:Internet) |
Hàng năm, dựa trên hiệu quả sản xuất, kinh doanh, HTX sẽ hỗ trợ người dân 150.000 - 300.000 đồng/hộ/tháng. Bằng sự liên kết chặt chẽ và biết chia sẻ lợi nhuận, HTX và các hộ thành viên, các hộ dân liên kết đã chung một nhịp cầu trên con đường phát triển.
Đây là mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đầu tiên và tương đối bền vững trên địa bàn Yên Bái, tạo đầu ra ổn định, cho lợi nhuận cao, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Thông qua HTX, 80 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ đang có việc làm; trong đó trên 60% lao động là người dân tộc thiểu số. Thu nhập của thành viên và người lao động ổn định ở mức 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Để giữ vững thị trường xuất khẩu, HTX đã xây dựng bản đồ địa giới, đánh dấu rõ ràng vị trí từng hộ thành viên để tạo thuận lợi trong việc quản lý. Trong sản xuất, HTX yêu cầu thành viên tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn lao động (ATLĐ). Việc ghi nhật ký quy trình chăm sóc, 100% thành viên phải thực hiện.
Quy trình chăm sóc phải đạt chuẩn VietGAP. Theo đó, các thành viên nói không với phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân hữu cơ sinh học; phun thuốc và thời gian cách ly phải đúng thời hạn, hái chè phải đúng kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm ATLĐ cho người sản xuất. HTX thành lập những tổ cơ động để kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các hộ thành viên. Vùng nguyên liệu cũng cách ly với các yếu tố gây ô nhiễm như chuồng trại, nguồn nước bẩn.
Bảo đảm an toàn lao động
Năm 2016, HTX mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại, xây dựng 2 nhà máy chế biến chè đen xuất khẩu, 1 máy tách chè kỹ thuật số. HTX cũng đầu tư lắp đặt máy tách màu ISORT 4GT công nghệ Hàn Quốc để giảm sức lao động, bảo đảm ATLĐ trong khâu chế biến và nâng công suất hoạt động lên 500 - 700 kg thành phẩm/giờ.
HTX đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm ATLĐ cho thành viên (Ảnh: Internet) |
Khu chế biến của HTX được trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện phòng chống cháy nổ; có bảng nội quy về ATLĐ và quy trình sản xuất, quy trình làm việc, quy trình vận hành máy móc thiết bị. Người lao động trực tiếp tham gia chế biến chè ở HTX được tham dự tập huấn kiến thức về ATLĐ, vệ sinh an toàn thực phẩm; được học tập bổ sung và cập nhật kiến thức mỗi năm một lần. Mỗi lao động trong HTX luôn có trách nhiệm thực hiện vệ sinh cá nhân và trước khi vào làm việc phải trang bị bảo hộ lao động.
Nhờ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất chế biến, HTX đã cho ra đời sản phẩm chè đen, chè xanh xuất khẩu với các loại Pekoe, OP, FBOP, P, OPA, PS, BPS, F, D. Năm 2018, HTX xuất khẩu thành công hơn 300 tấn chè sang Nga và xấp xỉ 400 tấn sang Mỹ.
Việc sản xuất theo công nghệ quốc tế và xuất khẩu đã gia tăng đáng kể giá trị của sản phẩm. Trung bình mỗi năm, doanh thu của HTX đều trên 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Tiến Minh