HTX Tường Phong thành lập từ năm 2016, có 102 thành viên tham gia nuôi cá lồng trên diện tích 333 ha mặt hồ thủy điện Hòa Bình. Theo các thành viên, nguồn nước ở đây nhìn chung ổn định, thuận lợi cho phát triển nghề nuôi cá lồng.
Lợi ích từ môi trường sạch
Khi thành lập HTX, các thành viên được Nhà nước hỗ trợ 5 triệu đồng/lồng, được tham quan, học tập các mô hình nuôi cá lồng hiệu quả tại các địa phương khác và được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, bảo vệ đàn cá song song với bảo vệ môi trường, nên tư duy sản xuất dần thay đổi.
Ngay việc đặt lồng cá cũng được tính toán sao cho phù hợp, không đặt sát nhau, nhất là nơi nước nông, lưu lượng nước chảy yếu. Nếu không đảm bảo mật độ lồng rất dễ xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường nước do chất thải của cá, thức ăn thừa…
HTX cũng xác định, nếu không may xảy ra dịch bệnh, cá bị chết sẽ được vớt lên bờ và chôn lấp theo đúng quy định của ngành nông nghiệp, không để xảy ra tình trạng ném, vứt cá chết ra mặt sông, hồ làm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Việc cho cá ăn bảo đảm vừa đủ số lượng để tránh gây ô nhiễm môi trường. |
Theo các hộ thành viên, trong quá trình nuôi phải thường xuyên làm vệ sinh lồng để đảm bảo nước lưu thông tốt, cung cấp đủ oxy cho cá, ngăn ngừa bệnh dịch phát sinh. Khi nước chảy mạnh phải có biện pháp che chắn làm giảm tốc độ nước qua lồng. Đặc biệt là phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cá, nhất là khi cho ăn, để phát hiện bệnh dịch kịp thời và có biện pháp xử lý.
Ông Đinh Thanh E, Giám đốc HTX cho biết, công tác bảo vệ môi trường nước luôn được quan tâm hàng đầu, bởi trong nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính người sản xuất. Để đạt năng suất cao, yêu cầu thiết yếu là môi trường nước phải sạch. Do đó, HTX thường xuyên kết hợp với cán bộ thủy sản khuyến cáo thành viên phải luôn quan tâm tới môi trường trong quá trình sản xuất.
Ban giám đốc HTX cũng chủ động phối hợp với các cấp ngành địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nuôi trồng thuỷ sản, bảo vệ môi trường. Đồng thời, hướng dẫn người dân nuôi đúng quy hoạch, đúng quy trình, kỹ thuật, bảo vệ con giống và môi trường nước. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh thuỷ sản, quản lý môi trường...
Đến nay, HTX tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, phát triển thủy sản theo hướng an toàn VietGAP để bảo đảm cả về chất lượng thủy sản cũng như môi trường. Đây là điều kiện thuận lợi nhằm hạn chế dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Hiệu quả cao về kinh tế
Nhờ tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, cách vệ sinh lồng cá, phòng chống dịch bệnh, nên đàn cá của các thành viên HTX sinh trưởng và phát triển tốt. Năm 2019, sản lượng cá đạt 75 tấn các loại, năm nay dự kiến tăng gấp đôi. Với doanh thu bình quân đạt 50 triệu đồng/lồng, nhiều hộ thành viên có thu nhập 100 - 300 triệu đồng/năm.
Nuôi cá lồng giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. |
Ông Lường Văn Giáp, thành viên HTX cho biết, gia đình có 8 lồng nuôi cá trắm, chép, rô phi và cá lăng. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên là các loại cá nhỏ đánh bắt trên hồ, gia đình ông còn trồng 1 ha cỏ voi làm thức ăn cho cá. Sản lượng cá thịt bình quân đạt gần 1 tấn, mỗi năm thu về 150 triệu đồng.
Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, HTX đăng ký 2 gian hàng bán sản phẩm thủy sản tại chợ trung tâm huyện Phù Yên, đồng thời ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với một số cơ sở tại huyện Phù Yên và Mộc Châu...
Tuy nhiên, dù đã chủ động tìm đầu ra nhưng đến nay, HTX vẫn gặp khó khăn nhất định. Ngoài bán tại chợ trung tâm huyện, sản phẩm vẫn phụ thuộc một phần vào các tư thương đến thu mua hoặc phục vụ nhu cầu trong xã. Chính vì vậy, HTX rất mong tỉnh và huyện quan tâm giúp mở rộng đầu ra cho sản phẩm cá, từ đó phát huy thế mạnh nghề nuôi cá lồng của địa phương.
Như Yến