THT đang vượt lên nhờ sản xuất hữu cơ gắn với ATLĐ |
Sản xuất an toàn
Chị Song Tứ - cán bộ phụ trách tổ hợp tác (THT) Iem Goh Churu, cho hay trước đây hầu hết các hộ trồng rau trên địa bàn phát triển mô hình theo hướng truyền thống, tự cung tự cấp, khiến gia trị tạo ra rất thấp, các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ còn hạn chế.
Năm 2016, thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều loại rau chất lượng cao tung ra thị trường khiến việc sản xuất rau tại Ma Đanh gặp nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, THT Iem Goh Churu được thành lập với sự tham gia của 3 hộ thành viên.
“Trước đây, việc lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khiến chất lượng rau giảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái và đặc biệt gây hại cho sức khỏe người sản xuất. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, THT đã xác định sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ là tôn chỉ hoạt động”, chị Song Tứ chia sẻ.
Xác định mục tiêu rõ ràng, THT đã liên kết với Tổ chức Caritas Đà Lạt để học hỏi về kỹ thuật gieo trồng rau củ hữu cơ. Theo đó, việc lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học được loại bỏ để thay bằng các loại phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai mục, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vi sinh, sinh học… nhằm bảo vệ sức khỏe người sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trong quá trình sản xuất, các hộ thành viên THT được tập tuấn kỹ thuật canh tác an toàn, bổ sung kiến thức về ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, đồng thời được hướng dẫn quy trình sử dụng máy móc, thiết bị đảm bảo hiệu quả và ATLĐ cao nhất.
Khi tham gia vào các khâu có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như sử dụng máy móc, tưới nước, vận hành lưới điện…, thành viên THT được trang bị đồ bảo hộ (mũ, khẩu trang, găng tay, ủng…), được tập huấn kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, an toàn lưới điện.
Nhờ hiệu quả vượt trội, THT đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ |
Tạo sức lan tỏa
Nhờ sản xuất an toàn, mang lại lợi ích kép về kinh tế, ATLĐ, vệ sinh thực phẩm, hoạt động của THT nhanh chóng tạo hiệu ứng rất mạnh và bắt đầu thu hút thêm nhiều hộ dân tham gia.
Chị Song Tứ cho biết, được sự ủng hộ cũng như hỗ trợ một phần kinh phí và đào tạo kỹ thuật canh tác hữu cơ, đến nay THT đã có 14 thành viên tham gia với tổng diện tích gieo trồng 15.000 m2, mỗi hộ tham gia có từ 200-4.000 m2.
Tham gia vào sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, thành viên THT và các hộ dân trên địa bàn được hỗ trợ một phần kinh phí cho xây dựng khu sơ chế, dịch vụ đầu vào, bên cạnh sự hỗ trợ về thị trường tiêu thụ.
Hiện, sản phẩm của THT ngày càng đa dạng, gồm các loại rau như xà lách, cải thảo, cải bắp, hành paro, củ dền, cà chua, dưa leo, đậu rồng, cà rốt, các loại hạt bắp, đậu các loại…
Sản phẩm được thu hoạch vào ngày thứ Năm và Chủ nhật hàng tuần, các thành viên thông báo số lượng và các loại sản phẩm của mình sẽ thu hoạch cho tổ trưởng, rồi thông báo cho khách hàng đặt hàng.
Sản phẩm thu hoạch sẽ được mang ra cơ sở sơ chế của THT, tiến hành đóng gói với trọng lượng 0,5 kg/gói, sau đó đóng thùng 12 kg các loại và vận chuyển bằng xe lên Đà Lạt và Sài Gòn cho khách hàng.
“Hiện, 100% thành viên THT nắm vững quy trình sản xuất hữu cơ, có ý thức cao về vệ sinh thực phẩm, ATLĐ. Giá trị sản xuất ngày càng được nâng cao, với trung bình 500 m2 trồng rau, thành viên HTX, người dân trên địa bàn có thể thu về 3,5 – 5 triệu đồng/tháng”, chị Song Tứ nhấn mạnh.
Sáu Ngạn